Đằng sau thành công của châu Phi trong cuộc chiến chống Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Đại dịch Covid-19 là không thể tránh khỏi, nhưng châu Phi là minh chứng cho thấy con người có thể giảm thiểu hậu quả chết người của căn bệnh này, với tinh thần “phòng còn hơn chống”.

Phòng thí nghiệm tư nhân Medipark là một trong những cơ sở hàng đầu về chẩn đoán Covid-19 ở Mogadishu, Somalia

Phòng thí nghiệm tư nhân Medipark là một trong những cơ sở hàng đầu về chẩn đoán Covid-19 ở Mogadishu, Somalia

Cùng nhau tích góp tiền sau quá trình học ngành y ở nước ngoài, bác sĩ người Somalia Abdullahi Sheikdon Dini đã mở phòng thí nghiệm chẩn đoán hiện đại đầu tiên của Mogadishu vào tháng 1-2020. Quả thực, đây là sự lựa chọn không thể đúng lúc hơn bởi chỉ 2 tháng sau, dịch bệnh Covid-19 đã lan đến quốc gia Sừng châu Phi này. Kể từ đó, Medipark Diagnostics, do Dini điều hành cùng với 5 bác sĩ khác, những người đã gom góp 1 triệu USD để mua thiết bị, đã trở thành trụ cột cho cơ sở hạ tầng y tế vốn rất thiếu thốn của Mogadishu.

Chính phủ Somalia đã thừa nhận, chính trong cuộc chiến chống lại Covid-19, Medipark đã tạo nên dấu ấn rõ ràng nhất. “Chúng tôi đã có thiết bị cùng đội ngũ chuyên gia có liên hệ với các nhà nghiên cứu bệnh học từng xét nghiệm Covid-19 ở các nước khác”. Đến tháng 7, Medipark là phòng thí nghiệm tư nhân duy nhất trong thành phố có khả năng thử nghiệm Covid-19, nhưng kể từ đó, các kỹ thuật viên của cơ sở này đã giúp đào tạo các nhân viên y tế của Chính phủ để tiến hành các xét nghiệm. Medipark còn nhập khẩu thuốc thử cần thiết cho các xét nghiệm, bao gồm cả xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) được sử dụng cho Covid-19. Họ sử dụng nhân viên từ Kenya, Lebanon và Ấn Độ để vận hành và bảo trì thiết bị nhập khẩu từ châu Âu, châu Á và Mỹ.

Somalia đã chịu sự tàn phá của cuộc nội chiến kể từ năm 1991. Các đợt bùng phát dịch bệnh như dịch tả rất phổ biến, trong khi hơn 2 triệu người sống trong cảnh nghèo đói, không có đủ thức ăn. Nhiều người sống trong các khu trại đông đúc, không đảm bảo vệ sinh, khiến người ta lo ngại rằng đại dịch có thể tàn phá khu vực những người dân dễ bị tổn thương. Tuy nhiên cho đến nay, điều đó đã không xảy ra.

Ở quy mô rộng hơn, 54 quốc gia của châu Phi đã chứng kiến ít ca tử vong vì Covid-19 hơn các khu vực khác trên thế giới. Nguyên nhân nào dẫn đến điều này? Đầu tiên là dân số trẻ. Không có nhóm tuổi nào là hoàn toàn an toàn trước Covid-19 nhưng nhóm tuổi dễ bị tổn thương nhất là những người trên 70. Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc khu vực châu Phi của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, người trên 65 tuổi ở châu Phi chỉ chiếm khoảng 3%, họ lại ít sống trong các khu dưỡng lão nên không xảy ra hiện tượng lây lan dịch bệnh ở các nhà dưỡng lão giống như phương Tây.

Bên cạnh đó, châu Phi đã phải đối phó với gánh nặng bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm chết người cao hơn so với các khu vực khác, gần nhất là đợt bùng phát Ebola 2014-2016. Những thách thức như vậy đã đặt nhiều nước châu Phi vào tình thế cảnh báo cao khi Covid-19 bắt đầu lan rộng khắp thế giới. Những nỗ lực của cộng đồng là điều không thể phủ nhận. Các chuyên gia y tế trên khắp châu Phi biết rằng phòng ngừa sẽ là chìa khóa quan trọng nhất vì ở hầu hết các quốc gia này, dịch bệnh lan rộng sẽ rất dễ dẫn đến cảnh thiếu giường bệnh và thiết bị vật tư. Bên ngoài các nơi làm việc ở Tây Phi luôn có xô nước và vòi để tăng cường rửa tay, hành khách lên xe buýt cũng đều được xịt chất khử trùng đầy đủ.

Một khả năng khác là khả năng miễn dịch. Một giả thuyết được một số nhà khoa học đưa ra là một tỷ lệ dân số ở châu Phi có khả năng miễn dịch cao hơn đối với Covid-19. Cùng với đó, “việc tiếp xúc thường xuyên với bệnh sốt rét hoặc các bệnh truyền nhiễm khác có thể giúp hệ thống miễn dịch chống lại các mầm bệnh mới, bao gồm SARS-CoV-2”, Yap Boum, nhà vi sinh vật học từ Médecins Sans Frontières (Tổ chức Bác sĩ không biên giới) nói với tạp chí Science.