Đằng sau sự tôn vinh những giải thưởng nghề nghiệp cao quý

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khi một tác phẩm báo chí thành công và được giải cao, người ta chỉ nhắc đến các tác giả trực tiếp. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau thành công ấy, còn có những đóng góp lặng thầm từ công tác chỉ đạo, vai trò của các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên ở từng khâu, từng công đoạn…
Nhà báo Chu Hương

Nhà báo Chu Hương

Những vị trí ít được nhắc tới

Những kỳ Liên hoan Truyền hình Công an nhân dân toàn quốc gần đây, Truyền hình An ninh ATV của Báo An ninh Thủ đô trở thành cái tên quen thuộc cho tác phẩm chất lượng cao được tôn vinh. Điển hình là những phóng sự “Phía sau dịch vụ cầm đồ”; “Tín dụng dụng đen, nguồn gốc phát sinh tội phạm”; “Cảnh sát hình sự đỡ đẻ”; “Bên trong phòng khám tư”; “Hiểm họa chết người đến từ bóng cười”… đã giành Huy chương Bạc và Bằng khen không chỉ ở Liên hoan Truyền hình Công an nhân dân mà còn giành giải thưởng ở các giải Báo chí Ngô Tất Tố, Liên hoan truyền hình toàn quốc... Đặc biệt, ở thể loại phóng sự điều tra tại Liên hoan Truyền hình Công an nhân dân năm 2019, tác phẩm “Lần theo đường đi của các đối tượng mua bán mô, tạng người” của nhóm tác giả Chu Hương - Đức Anh đã xuất sắc giành Huy chương Vàng.

Đằng sau những thành công đó, là những người âm thầm ở hậu trường để tổ chức, chỉ đạo, tổ chức tuyến bài (chỉ huy các Phòng, Ban nghiệp vụ), những chuyên gia tư vấn, những nhà báo làm công tác thư ký tòa soạn, duyệt kịch bản, phản biện, chỉ ra những chỗ “hở” cần sửa, biên tập câu chữ cho đúng và hay, tránh sai sót, xử lý các chi tiết bị lỗi logic… Với loạt bài điều tra, công sức của những người đứng “sau cánh gà” để tổ chức, tính toán và biên tập càng có vai trò to lớn. Cùng với đó, đội ngũ làm hậu kỳ có vai trò rất quan trọng, họ như những người sáng tạo tác phẩm lần thứ 2. Thế nhưng, nhiều khi công việc của họa sĩ thiết kế, kỹ thuật viên dựng phim… chỉ được xem như việc “bếp núc”.

Thực tế, dựng phim là sự chọn lọc, sắp xếp, định thời gian, trình bày cho tác phẩm truyền hình. Trong quá trình chọn lọc hình ảnh phải giàu thông tin, chất lượng kỹ thuật của hình ảnh đảm bảo, trường đoạn hấp dẫn, phỏng vấn hiệu quả; sắp xếp theo trình tự logic, mở hấp dẫn, thân mạch lạc, kết ấn tượng. Bên cạnh có, trong một tác phẩm truyền hình hiện đại, thì âm thanh, nhạc nền và hiệu ứng hình ảnh cũng rất quan trọng để tạo nên một tác phẩm chất lượng, qua đó giúp người xem có thể cảm nhận được tiết tấu, ngôn ngữ hình ảnh mà tác giải muốn chuyển tải.

Có thể nói, người kỹ thuật dựng phim là một nghệ sĩ sáng tạo. Tất nhiên, họ sáng tạo trên cơ sở kịch bản, chỉ đạo của đạo diễn, biên tập viên nhưng không thể xem nhẹ vai trò của họ.

Phạm Thanh Nga - kỹ thuật viên dựng phim của Truyền hình An ninh ATV tâm sự: “Người dựng là khán giả đầu tiên của tác phẩm, phát hiện những sơ sót và báo cho biên tập viên biết để xử lý. Trong quá trình dựng hình, có những lúc xảy ra mâu thuẫn với biên tập viên, mình không ngại tranh luận. Bởi tranh luận mới đưa ra được cái hay nhất, tốt nhất, đạt yêu cầu”.

Người làm công việc dựng phim phải luôn sáng tạo, cập nhật nhanh công nghệ. Và họ cũng không ngừng học hỏi để tiếp cận với thông tin cuộc sống. Hoàng Minh Sơn - kỹ thuật viên của ATV chia sẻ: “Công việc này không giới hạn nam hay nữ, nó chỉ giới hạn ai sáng tạo hơn ai và cần có cả sự kiên trì. Công việc này tỉ mẩn, nhiều khi tôi cũng thấy “đuối” vì có những chương trình dài, hoặc áp lực về thời gian phát sóng. Nhưng mỗi lúc làm chương trình, tôi lại làm một đề tài khác nhau nên mặc dù ngồi một chỗ nhưng mình cũng học được nhiều thứ”.

Hình ảnh tác nghiệp của ê-kíp phóng viên Truyền hình An ninh ATV (Báo An ninh Thủ đô)

Hình ảnh tác nghiệp của ê-kíp phóng viên Truyền hình An ninh ATV (Báo An ninh Thủ đô)

Hạnh phúc từ hiệu ứng của tác phẩm

Từ chỉ huy tổ chức sản xuất, quay phim, kỹ thuật dựng… - công việc của những người sáng tạo ấy vẫn lặng thầm sau những vinh danh thành công của tác phẩm. Họ cùng với biên tập viên… cùng làm nên những tác phẩm báo chí xuất sắc, cùng góp công cho thành công của mỗi tác phẩm. Nhưng đối với biên tập viên cũng như những người chỉ huy tổ chức sản xuất, quay phim, kỹ thuật dựng…, vinh quang không chỉ đến từ những giải thưởng báo chí. Hạnh phúc lớn hơn đối với mỗi phóng viên, nhà báo… là hiệu ứng từ những tác phẩm báo chí được công chúng quan tâm, đón nhận, có tác động sâu sắc tới đời sống xã hội.

Những tác phẩm báo chí phản ánh về sự phát triển kinh tế - xã hội, về cuộc sống xung quanh, về gương người tốt - việc tốt…, sau khi đăng báo được các cơ quan chức năng cảm ơn, ghi nhận; nhiều nhân vật gặp khó khăn trong bài viết được xã hội quan tâm, chia sẻ; những điển hình tiêu biểu trở thành tấm gương cho mọi người học và làm theo… - tất cả trở thành niềm vui, sự tự hào và là bằng chứng khẳng định vinh quang của những người làm báo.

Bộ phận kỹ thuật viên biên tập chương trình Truyền hình An ninh ATV

Bộ phận kỹ thuật viên biên tập chương trình Truyền hình An ninh ATV

Nhọc nhằn nhưng vinh quang! Nếu không dấn thân và không yêu nghề thì người làm báo khó có thể hoàn thành nhiệm vụ và khó thành công. Mỗi khi một tác phẩm báo chí đến với bạn đọc là sự vào cuộc của cả một tập thể phóng viên, biên tập viên, quay phim, kỹ thuật viên, đội ngũ người làm báo. Và để có những bài báo chất lượng, mang hơi thở cuộc sống, sự quan tâm, góp ý của bạn đọc là nguồn động viên để những người làm báo không ngừng tu dưỡng, rèn luyện nâng cao tay nghề, góp phần mang lại sự sinh động, đa dạng và hiệu quả cho tờ báo, chương trình phát thanh, truyền hình.