Đằng sau những vụ án gia đình đầy nước mắt

ANTĐ - Không ít người coi nhẹ, thậm chí quên luôn cả giá trị gia đình, đạo đức cũng như nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với các thành viên khác trong gia đình. Lâu dần, lối sống ấy biến thành sự vị kỷ và khi xung đột, mâu thuẫn xảy ra nó rất dễ bột phát thành bạo lực.

“Tội của anh thật đáng bị trừng trị, mong thím và các cháu hãy rộng lòng tha thứ”. Đó là những lời mà Nguyễn Viết Tân có thể thốt lên khi phải đối diện với người thân tại tòa. Và không chỉ riêng mình bị cáo ấy, những người phải nói lời sám hối như Tân khó mà kể hết.

Nhiều vụ án trong gia đình bắt nguồn từ lối sống thiếu tôn trọng người khác (Ảnh minh họa)


Muôn hình vạn trạng hại người thân

Mới đây, Nguyễn Viết Tân (SN 1960, trú ở thôn Thanh Điềm, xã Tiến Thịnh, Mê Linh, Hà Nội) đã bị TAND TP Hà Nội xử phạt 20 năm tù giam về tội “Giết người”. Bị hại là anh Nguyễn Văn Tiến (SN 1963, ở cùng thôn Thanh Điềm) là em ruột của bị cáo.  

Chập tối 5-1, bế cháu ra ngõ chơi, Tân tình cờ gặp anh Tiến đi xe máy ngang qua. Vốn đã mâu thuẫn từ trước nên khi bị xe máy đi sát vào người, Tân liền ngoác mồm lên chửi. Đáp trả, anh Tiến cũng dừng xe “khẩu chiến”. Anh em Tân tiếp tục “bảo ban” nhau bằng gạch đá. Thế rồi, Tân buông đứa cháu xuống cầm dao đuổi theo đâm chém em trai. Hậu quả, anh Tiến chết ngay tại chỗ, còn Tân thì bị công an bắt giữ…

Tới tòa, bị cáo trình bày trước đó, gia đình ông ta đã dai dẳng mâu thuẫn, nhất là giữa Tân với anh Tiến. Khúc mắc ấy xoay quanh chuyện Tân bị anh Tiến tước quyền nuôi mẹ và cúng giỗ tổ tiên. Khi thay Tân thực hiện nghĩa vụ của người con, anh Tiến đã cấm cửa ông ta đến thăm nom mẹ. Thế nên bị cáo uất ức các anh chị em ruột trong nhà. Tân lý giải thêm mâu thuẫn giữa ông ta và anh Tiến còn xoay quanh chuyện đất cát. Đồng tình với các lý do Tân nêu ra, song em dâu và các cháu của bị cáo lại chỉ ra rằng Tân là đứa con bất hiếu, hay mắng chửi và có lần đánh mẹ đẻ. Về chuyện đất đai thì cho dù Tân đã được bố mẹ dành cho một suất như các anh em khác trong gia đình, nhưng vẫn đòi lấy thêm đất của vợ chồng anh Tiến.

Hồi đầu năm, Nguyễn Thị Hạnh (tức Hiền, SN 1985, trú ở xã Đồng Tân, Ứng Hòa, Hà Nội) cũng bị Tòa án Hà Nội tuyên phạt 20 năm tù về tội giết chồng. Ở vụ án ấy, bị cáo trình bày anh Ngô Kim Hùng (chồng Hạnh) đã đánh vợ khi đòi mang “sổ đỏ” đi cầm cố. Vì thế mà Hạnh mới xuống bếp lấy dao đâm chết chồng. Bị cáo còn cho rằng trước ngày thiệt mạng, anh Hùng hay “thậm thụt” với một cô gái khác. Tuy nhiên, các hành vi khách quan trong vụ án cũng như lời khai của hàng loạt nhân chứng đã chỉ rõ đó chỉ là những lời xảo biện. Động cơ thực sự khiến thiếu phụ hai con này ra tay giết chồng đơn giản chỉ xuất phát từ ghen tuông. 

Chấm dứt bị bạo hành bằng nỗi đau khác 

Sáng 19-6, Nguyễn Phú Nguyên (SN 1994, trú ở cụm 2, xã Liên Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội) bị dẫn giải ra tòa để xét xử về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”. Nạn nhân chính là người cha đã sinh thành ra bị cáo, ông Nguyễn Phú Bốn (SN 1961), trú cùng địa chỉ. Lặn lội ra tới tòa án Hà Nội, bà Nguyễn Thị Kỳ (vợ bị hại và cũng là mẹ đẻ bị cáo) mặt mày ủ rũ, héo hon. Ngay từ lúc được gặp con cho tới tận khi Nguyên đã lên xe thùng kín mít, gương mặt người đàn bà này lúc nào cũng nhạt nhòa nước mắt.
  
Tội lỗi của đứa con trai út bà Kỳ được xác định bằng một “lát cắt” thời gian, đó là sáng 14-12-2012. Hôm ấy, sau khi đi ăn liền hai đám cỗ về ông Bốn rơi vào tình trạng nẫu rượu. Vừa thấy vợ ở trong bếp, ông Bốn đã lại bạo hành bà Kỳ như mọi ngày. Ông đóng chặt cửa lại và dùng chiếc điếu cày nện túi bụi vào người vợ. Vừa hay, Nguyên cũng đi làm về. Đã quá quen với cảnh bố đánh mẹ nên thanh niên này lẳng lặng dọn cơm ra ăn. Ai dè, ông Bốn lại bất ngờ quay sang cà khịa đứa con trai.

Bị Nguyên cãi lại, chồng bà Kỳ liền hất văng nồi cơm ra sân và đập mâm bát, không cho con trai ăn. Tiếp đến, Nguyên bị bố dùng điếu cày đánh. Cậu ta túm được, rồi dùng chính chiếc điếu ấy “bật lại” bố, khiến ông Bốn ngã đập đầu xuống thềm hè tử vong. Chứng kiến sự việc từ đầu đến cuối, song bà Kỳ giấu nhẹm chuyện Nguyên đánh bố mà chỉ bảo với họ hàng rằng chồng uống rượu, bị cảm ngã chết. Phải đến mãi sau này, Nguyên thấy ân hận, dày vò tâm can nên mới tự thú nhận tội lỗi trước pháp luật. Cậu ta vừa bị xử phạt 3 năm tù giam.

Trong quá trình điều tra và ngay cả khi đến tòa với cả hai tư cách đại diện hợp pháp của bị hại và là mẹ của bị cáo thì bà Kỳ vẫn không thể nào nguôi ngoai được nỗi đau. Dù bà không nói nhiều về cảnh ngộ của gia đình mình, song những người có mặt ở phiên tòa đều hiểu rằng ngày ông Bốn còn sống bà Kỳ luôn bị chồng dày vò, hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần. Giờ chồng không còn, bà sẽ không bị bạo hành nữa. Nhưng đổi lại, người đàn bà bất hạnh này lại phải gánh chịu nỗi đau đứa con dứt ruột đẻ ra phải ngồi tù vì tội giết cha. Và nó mãi là một vết thương rất khó lành đối với mẹ con bà Kỳ.

Nhìn nhận về những vụ án gia đình gần đây, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Văn Lượt (Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội) cho rằng không ít người hiện nay đã coi nhẹ, thậm chí là quên luôn cả giá trị gia đình, đạo đức cũng như nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với các thành viên khác trong gia đình. Từ đó mà họ có cách hành xử rất thiếu tôn trọng, không đúng mực với người thân. Lâu dần, lối sống ấy biến thành sự vị kỷ và khi xung đột, mâu thuẫn xảy ra rất dễ bột phát thành bạo lực. Vì vậy bên cạnh các thiết chế văn hóa xã hội, pháp luật của Nhà nước thì bản thân mỗi người, mỗi gia đình phải tự xây dựng cho mình một lối sống biết hy sinh, sống vì người khác, đồng thời triệt tiêu sự bất bình đẳng và hóa giải mọi khúc mắc ngay từ khi nó mới bắt đầu nhen nhóm.