Đằng sau những điểm sáng

ANTĐ - Nhìn lại năm 2013, trong bối cảnh kinh tế bộn bề khó khăn, Chính phủ đã ban hành các chính sách, nghị quyết sát thực, kịp thời với nhiều giải pháp đồng bộ và điều hành, chỉ đạo quyết liệt. Trước hết là Nghị quyết 13, sau đó là Nghị quyết 01 và 02. Những kết quả đã đạt được trên nhiều mặt, lĩnh vực cả vĩ mô và vi mô cho thấy nỗ lực, quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Tuy vậy, theo ý kiến của một số ủy ban Quốc hội cũng như các chuyên gia kinh tế, nếu nói rằng năm 2013 đã cán đích thành công toàn diện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thì chưa phải. Cần phải nghiêm túc phân tích, đánh giá sâu sắc hơn để điều hành hiệu quả hơn kinh tế năm 2014.

Trên diễn đàn Quốc hội vừa qua đã có những ý kiến của các đại biểu và ủy viên một số Ủy ban của Quốc hội đặt vấn đề về các số liệu thống kê chưa có cơ sở dữ liệu chuẩn xác để đưa ra chính sách đúng hướng. Chẳng hạn sự chênh lệch số liệu tăng trưởng GDP của 63 tỉnh, thành phố với số liệu tốc độ tăng trưởng quốc gia. Tương tự những số liệu về nợ xấu, thất nghiệp, tồn kho bất động sản, số lượng doanh nghiệp phá sản hoặc đăng ký mới. Gần đây nhất, một số nhà nghiên cứu, nhà kinh tế cũng lên tiếng về chất lượng số liệu thống kê.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, chất lượng thống kê phụ thuộc vào nhận thức, tinh thần trách nhiệm và thái độ ứng xử của ba nhóm: nhóm cung cấp thông tin, nhóm sản xuất công bố thông tin và nhóm sử dụng thông tin thống kê. Thực tế, nhiều lần lãnh đạo các ngành cũng thừa nhận số liệu thống kê hiện còn nhiều bất cập. Những người làm công tác thống kê không lảng tránh thực tế này và đang chủ động thực hiện đề án “Khắc phục chênh lệch số liệu GDP giữa Trung ương và địa phương”, chủ động thu thập thông tin, nghiên cứu để có “bức tranh” đầy đủ hơn, toàn diện hơn về lao động, việc làm và thất nghiệp.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng thống kê, Chính phủ cũng đã phân tích nguyên nhân một số chỉ tiêu quan trọng trong nhiều năm phấn đấu mà không đạt kế hoạch như tốc độ tăng trưởng sản phẩm nội địa, tổng đầu tư xã hội, giải quyết việc làm. Tuy vậy, theo giới phân tích vĩ mô, có những nguyên nhân cũng như hệ quả chưa được “mổ xẻ” thấu đáo. Chính phủ đã đưa ra các giải pháp để vực dậy và phục hồi cho giới doanh nghiệp, song “đầu ra” của các giải pháp này ra sao, tác động thế nào cho việc phục hồi lại chưa rõ ràng. Đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng cho tới nay chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Việc giãn, hoãn khoanh nợ thuế, thực ra chỉ có tác dụng đối với doanh nghiệp đang làm ăn có lãi, với các doanh nghiệp thua lỗ thì ít tác dụng. Rõ ràng là cần đánh giá chính xác tình hình phá sản, giải thể, dừng hoạt động của doanh nghiệp, việc tiếp cận vốn khó khăn của doanh nghiệp, các biện pháp tháo gỡ khó khăn như điều chỉnh lãi suất, xử lý nợ xấu, hàng tồn kho, cung cấp thông tin, điều kiện tiếp cận thị trường, miễn, giảm, hoãn, khoanh nợ thuế… để điều chỉnh chính sách cho sát thực tế nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Điểm sáng của năm 2013 thường được nhắc đến là các chính sách an sinh xã hội. Dẫu vậy, vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động thất nghiệp, chính sách y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân chưa đạt yêu cầu, chưa đáp ứng được vấn đề bức thiết đặt ra. Đằng sau điểm sáng kinh tế-xã hội năm 2013, còn rất nhiều việc cần có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để khắc phục trong năm 2014 và những năm tới.