Đằng sau những chiến công

ANTD.VN - Nghe tin Trung tá Nguyễn Xuân Nghiêm, Đội trưởng Đội An ninh Y tế - Lao động xã hội (Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an TP Hà Nội) được đề cử nhận danh hiệu Người tốt, việc tốt năm 2016, tôi gọi điện đề nghị: “Kể cho em nghe những thành tích mà anh đạt được nhé”. Mới nghe có vậy, anh giãy nảy: “Chiến công là của cả tập thể, mình tớ thì đâu có làm được gì”.

Trung tá Nguyễn Xuân Nghiêm chủ trì giao ban đơn vị

Dù bị từ chối qua điện thoại, nhưng tôi vẫn đến đơn vị anh để tìm bằng được gương mặt điển hình này. Hình như công an, ai cũng ngại nói về  mình. Trung tá Nghiêm cũng không ngoại lệ, anh bảo, cậu hỏi các vụ án mà đội mình đã từng tham gia triệt phá thì nhiều lắm, hỏi đến đâu mình sẽ tìm hồ sơ đến đó. Còn về cá nhân thì… chẳng có gì đâu. Hay chúng ta nói chuyện khác đi.

Nhưng đã là công an thì chuyện gì đi nữa thì cuối cùng vẫn cứ quay về chủ đề vụ án và tội phạm. Công việc quanh năm chỉ có thế, vụ việc này chưa qua thì vụ việc khác lại đến. Hồ sơ dày cộm lúc nào cũng 4-5 tập thường trực sẵn trên bàn.

“Thế nhưng như thế vẫn chưa hết đâu. Nhiệm vụ của đội mình còn cả việc bảo vệ chính trị nội bộ tại các cơ sở y tế. Đặc biệt là công tác điều tra cơ bản, các chuyên đề hay lĩnh vực nổi cộm khác của ngành y như khám chữa bệnh có yếu tố nước ngoài, quản lý nắm bắt những phức tạp ở các bệnh viện tư nhân, lĩnh vực mỹ phẩm, hành nghề y dược ngoài công lập, xuất khẩu lao động… Nói chung là bề bộn lắm” - Trung tá Nghiêm tâm sự.

Cũng chính vì thực hiện tốt các công tác này mà mọi hoạt động vi phạm pháp luật của các đối tượng đều được cán bộ, chiến sỹ Đội An ninh Y tế - Lao động xã hội nắm vững như lòng bàn tay. Nhờ đó, Trung tá Nghiêm và đồng đội đã kịp thời phát hiện xử lý tốt những vấn đề bất thường nổi lên trong dư luận.

Còn nhớ hồi giữa năm 2015, dư luận Hà Nội không ngớt xôn xao khi công an triệt phá một đường dây chuyên mua bán nội tạng người. Đây là lần đầu tiên những vụ việc như thế này “lộ sáng” bởi pháp luật vẫn cấm mọi hành vi thương mại hóa trong ghép tạng. Thế nhưng ít ai biết được để làm rõ câu chuyện này, chính Trung tá Nghiêm và các chiến sỹ trong đơn vị đã phải lăn lộn và thâm nhập đường dây suốt 4 tháng.

Qua công tác nắm địa bàn, các trinh sát phát hiện Trần Văn Hiệp (SN 1971), trú tại phường Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội là một mắt xích trong đường dây chuyên môi giới, tiếp cận những người bệnh nặng cần ghép gan, thận… để gạ gẫm, ghép tạng tại Bệnh viện Việt Đức. Hiệp vốn từng có thời gian theo học tại một trường thuộc lực lượng vũ trang nên khá khôn ngoan khi tạo vỏ bọc và kín kẽ trong quá trình săn tìm các “mối làm ăn của mình”.

Theo đó, Hiệp đã tìm anh T.V.K ở Phú Thọ, người đang rơi vào cảnh cùng quẫn để gạ mua thận với giá 150 triệu đồng rồi bán lại cho anh N.Q.H - người đang bị suy thận nặng với giá 300 triệu đồng. Trong quá trình phạm tội, để tránh bị công an theo dõi, Hiệp thường xuyên thay đổi sim và máy điện thoại mỗi khi liên lạc.

Thậm chí hắn còn đạo diễn một màn kịch hết sức công phu, kín kẽ với đầy đủ nhân chứng, giấy tờ giả nhằm đảm bảo các thủ tục pháp lý để qua mắt bệnh viện. Thế nhưng, bằng các biện pháp nghiệp vụ và tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, cuối cùng Trung tá Nghiêm  cùng đồng đội bóc gỡ thành công đường dây này và đưa các đối tượng ra xử lý trước pháp luật.

Không chỉ ở mảng y tế, trong lĩnh vực lao động xã hội, Trung tá Nghiêm cùng đồng đội cũng liên tiếp lập chiến công. Giữa tháng 5-2014, Trung tá Nghiêm nhận được thông tin về một số người dân có nhu cầu đi xuất khẩu lao động tại Nhật đã phải nộp gần 200 triệu đồng cho Công ty TNHH UFJ Việt Nam để ký hợp đồng nhưng kết quả vẫn không thể xuất ngoại.

Sau khi xác minh, các trinh sát đã làm rõ Giám đốc công ty này là Nguyễn Văn Bảo đã có hành vi lừa đảo hàng chục người với số tiền rất lớn. Qua đấu tranh, bản thân Bảo cũng đã phải thừa nhận những việc làm vi phạm pháp luật của mình bởi công ty của Bảo không hề có chức năng xuất khẩu lao động như đã cam kết.

Nhắc lại những câu chuyện đó, Trung tá Nghiêm bảo, trong tất cả các vụ án mà anh từng tham gia, đa phần các nạn nhân đều có một hoàn cảnh giống nhau, họ đều nghèo, thậm chí rất nghèo. Ngay cả sau khi vụ án đã kết thúc, mỗi lần nghĩ đến họ anh vẫn cảm thấy lòng mình nặng trĩu.

“Tôi đã từng ngồi tâm sự với một thanh niên muốn bán thận của mình với giá 150 triệu đồng và thực sự rất buồn. Cậu ấy còn rất trẻ, chỉ mới sinh năm 1990 nhưng đã có 1 vợ, 1 con. Hoàn cảnh khó khăn, chỉ biết trông vào mấy thửa ruộng nên khi cần tiền và không biết xoay vào đâu nên đành giấu gia đình đi bán thận. Bi kịch nằm ở chỗ, ngay cả nhận thức của cậu ta cũng rất hạn chế khi nghĩ đơn giản rằng, bán quả thận thì cũng chỉ “yếu đi một chút và không làm việc nặng thôi mà”. Đó là điều đau xót không chỉ có gia đình cậu ta mà cho cả xã hội” - Trung tá Nghiêm nói.

Có lẽ chính sự đau đáu với những nạn nhân trong các vụ án cũng là một động lực để vị chỉ huy cùng các chiến sỹ trong Đội An ninh Y tế - Lao động xã hội có thêm động lực để hoàn thành công việc của mình. Khi nhiệm vụ được thực hiện không chỉ bởi mệnh lệnh mà còn vì sự chia sẻ, thông cảm với nỗi khổ của người dân thì nó luôn được hoàn thành xuất sắc.