Đằng sau những bức tường trên hành trình vượt biên

ANTĐ - Mối lo an ninh và mong muốn ngăn chặn làn sóng nhập cư bất hợp pháp đang làm nổi lên những bức tường, hàng rào trên khắp thế giới. Nhưng trên thực tế, những bức tường đó chỉ có hiệu quả chống lại những người nghèo nhất và tuyệt vọng nhất khiến hành trình của họ, vốn đã nguy hiểm nay lại càng khó khăn hơn.
Đằng sau những bức tường trên hành trình vượt biên  ảnh 1

Tường rào tuyệt vọng

Trong cuộc họp nội các hàng tuần mới đây, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông báo, hàng rào dài 30km sẽ được xây dựng dọc biên giới với Jordan để ngăn “người tị nạn” vào Israel. “Chúng tôi sẽ tiếp tục dựng hàng rào với khu vực biên giới Golan Heights (giữa Israel, Lebanon và Jordan). Chúng tôi không cho phép Israel bị nhấn chìm vào làn sóng người tị nạn bất hợp pháp và những hành vi khủng bố”. Theo Press TV, bức tường mới sẽ nối tiếp rào chắn tại biên giới Ai Cập, kéo dọc biên giới Israel nối giữa thành phố Eilat và sân bay mới tại Timna Valley. 

Động thái này của chính phủ Israel không có gì là lạ. Theo nghiên cứu của Elisabeth Vallet, Đại học Québec, cách đây 1/4 thế kỷ, vào lúc bức tường Berlin sụp đổ, trên thế giới chỉ có 16 bức tường ngăn bảo vệ các đường biên giới. Ngày nay, tổng cộng có đến 65 tường rào, đã được xây xong hay đang trong quá trình xây dựng nhằm ngăn chặn dòng nhập cư trái phép và bảo đảm an ninh quốc gia.

Từ bức tường ngăn cách Israel (hay còn gọi là “bức tường phân biệt sắc tộc” đối với người Palestin) cho đến những hàng rào gai thép dài 4.000 km mà Ấn Độ dựng lên ở biên giới với Bangladesh, hay như bờ đê cát khổng lồ chia cách Maroc với những vùng do quân nổi dậy Polisario chiếm đóng tại Sahara.

Tại Pháp, cuộc khủng hoảng tại Calais khiến cả 2 chính phủ London và Paris ra tay dựng hàng rào ngăn người vượt tường vào tuyến xe tải và đường hầm Eurotunnel nối Pháp sang Anh. Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, từ mấy năm qua, dọc đường biên giới đầy bất trắc đã mọc lên các trại tỵ nạn và hàng rào với cột bê-tông cùng binh lính trang bị cẩn mật… 

Tháng 7-2015, chính phủ Hungary đã khởi công xây dựng một hàng rào cao 4 mét dọc theo biên giới với Serbia, để cố ngăn chặn làn sóng người tỵ nạn chạy trốn khỏi Syria, Iraq hay Afghanistan. Ba quốc gia khác như Kenya, Arập Xê Út và Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng kiểm soát các đường biên giới để ngăn chặn sự trà trộn của quân thánh chiến khủng bố đến từ các quốc gia láng giềng như Somali, Iraq và Syria.

Trên thực tế, những bức tường đó chẳng làm thay đổi được nguyên nhân sâu xa của việc mất an ninh hay làn sóng nhập cư. Thay vào đó, chúng đã buộc những nhóm người đó phải thích nghi với tình huống. Theo Reece Jones, Giáo sư đại học Hawai, tác giả cuốn sách “Tường biên giới: an ninh và cuộc chiến với chủ nghĩa khủng bố tại Mỹ, Ấn Độ và Israel” thì những bức tường đó chỉ có hiệu quả chống lại những người nghèo nhất và tuyệt vọng nhất.

“Các băng đảng thuốc phiện và các nhóm khủng bố đều có phương cách để luồn lách các bức tường, phần lớn là nhờ vào giấy tờ giả. Đóng cửa biên giới chỉ làm dịch chuyển vấn đề, buộc người nhập cư băng qua những hoang mạc khủng khiếp hay trên những chiếc thuyền tồi tàn ở Địa Trung Hải. Điều đó chỉ làm tăng thêm số nạn nhân” - Jones nói. Nhiều chuyên gia cho rằng thay vì tốn thời gian và công sức dựng tường rào, các nước châu Âu nên tăng cường tìm kiếm giải pháp chung cho cuộc khủng hoảng.

Bất chấp mọi hiểm nguy

Phát ngôn viên của chính phủ Hungary Zoltan Kovacs tuyên bố rằng hành động lập hàng rào cao 4 mét dọc theo biên giới với Serbia chủ yếu để ngăn chặn những người Syria, Afghanistan và Iraq đến từ Hy Lạp, vượt qua lãnh thổ Balkan và âm thầm biến Hungary thành “đất nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong khối EU”. 

Một cánh rừng bao quanh con sông bên ngoài Kanjiza, Serbia dẫn ra sông Danube, là một trong những con đường bí mật của người Syria để đi từ Serbia vào lãnh thổ Hungary. Khi mặt trời lặn, từng nhóm người tị nạn Syria bắt đầu di chuyển về phía Bắc, dọc theo các khúc cua của con sông. Tại một số điểm dọc biên giới, những người này sẽ phải đưa tiền cho bọn buôn lậu để được đi qua. Nhưng tại đây, mọi người đều đã học được nhiều mánh khóe từ những người vượt biên thành công vài tuần trước đó. Trong những người đang đi bộ này có cả bác sĩ, doanh nhân, trẻ em và người già.

Cách đó 20 dặm về phía Tây, một nhóm người tị nạn khác đang ở trong tình trạng còn tuyệt vọng hơn. Thường thì người Syria hay ở trong các khách sạn rẻ tiền, nhưng người Afghanistan, chủ yếu vào Hungary từ một tuyến đường phía Tây, thường ẩn náu quanh một nhà máy gạch bỏ hoang hay trong một vườn ngô rộng lớn, nơi bị bao phủ bởi cây tầm ma và các loại hoa cỏ dại. Những người di cư gọi nơi này là “rừng rậm”.

Nhiều người ở đây đang đợi hướng dẫn từ một người mà họ gọi là “trưởng đoàn” - thực tế là những kẻ buôn lậu. Họ phải trả khoảng 10.000 euro để được rời khỏi Afghanistan. Ở mỗi chặng trong chuyến phiêu lưu sang châu Âu này, họ đều phải gọi cho người này để nhận được chỉ dẫn mới. Có khi đó là một bộ định vị GPS xác định điểm tiếp theo họ nên đi đến, cũng có khi là một chuyến xe buýt. Trong khi chờ đợi thông tin từ “trưởng đoàn”, mối lo lớn nhất là bị cảnh sát phát hiện. Nguy hiểm luôn rình rập, nhưng họ vẫn quyết đi đến vùng đất mới.

Những người di cư bất hợp pháp này nói rằng, kể cả cảnh sát hay bức tường biên giới cũng sẽ không ngăn cản được họ. “Chúng tôi là người Syria” - Mohamed Hussein nói, 2 tuần sau khi anh phát biểu trên ITN rằng thuyền của mình đã cập bến đảo Lesvos, Hy Lạp - “Chúng tôi có thể giải quyết mọi vấn đề. Chúng tôi có thể phá bỏ bức tường đó. Nếu họ dùng hàng rào điện, chúng tôi sẽ đeo găng tay và cắt hàng rào”.