Đằng sau giải thưởng...
(ANTĐ) - Cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên kịch nói toàn quốc” đã khép lại với việc tìm ra 4 thí sinh đủ khả năng “chọn mặt gửi vàng” cũng như ghi nhận nỗ lực cống hiến của nhiều diễn viên xứng mặt anh tài. Song đằng sau những giọt mồ hôi, nước mắt, nụ cười... không chỉ là giải thưởng mà cả những trăn trở về một cuộc thi.
Trội về số lượng chưa chắc hơn về chất lượng
Kiều Thanh đã đạt giải cao nhất với vở “Khoảng trống” |
Không chỉ một mà có tới bốn diễn viên cùng chia nhau giải cao nhất sau khi cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên kịch nói toàn quốc” khép lại tại Hải Phòng vào tối 20-8 là: Hoàng Lan (Đoàn kịch CAND), Kim Oanh (Trường Đại học SKĐA Hà Nội), Kiều Thanh (Nhà hát Kịch Hà Nội), Quang ánh (Nhà hát Tuổi trẻ).
NSƯT Lan Hương - Nhà hát Kịch Việt Nam: Thực tế là năm nay các đoàn nghệ thuật địa phương chiếm giải thấp hơn so với đoàn Trung ương và Hà Nội, điều đó cũng phản ánh sự chênh lệch không đáng có về trình độ. Song vấn đề không hẳn bởi khâu đào tạo thua kém mà nằm ở khâu hoạt động biểu diễn. Đơn vị nào được hoạt động và cọ xát nhiều thì người diễn viên đó sẽ càng có cơ hội. Như người ta nói dao năng mài năng sắc, bởi vậy một nghệ sỹ nếu không được biểu diễn nhiều, không được rèn luyện qua các vai diễn thì chắc chắn sẽ bị mai một đi tài năng và không còn được sự nhạy cảm, sáng tạo bộc lộ mạnh mẽ của mình nữa. |
Kết quả này so với cuộc thi được tổ chức cách đây 5 năm rõ ràng đã có sự trội hơn về mặt số lượng song chưa hẳn đã phản ánh sự đi lên của chất lượng. Bởi ngay trong số các gương mặt đoạt giải A cũng đã có sự chênh lệch về cả tố chất lẫn kỹ năng diễn xuất. Đơn cử như trường hợp của thí sinh nam duy nhất được chọn mặt gửi vàng Quang ánh, theo đánh giá của một số nhà chuyên môn thì diễn xuất Fecđinăng của anh trong trích đoạn “Âm mưu và tình yêu” có thể xếp vào loại tạm được chứ chưa thực sự chạm đến ngưỡng chuẩn mực hay xuất sắc. Tuy nhiên được biết những người cầm cân nảy mực đã cân nhắc đến cả yếu tố “lâu rồi sân khấu không có một nam diễn nào vừa có ngoại hình, lại vừa bộc lộ tố chất nghề như thế” nên việc trao giải còn mang tính khích lệ động viên.
Thí sinh Hoàng Lan - người đạt điểm số cao nhất trong khung giải Vàng mặc dù đã gây bất ngờ cho khán giả với vai diễn gai góc “Đát Kỷ” chuyển thể từ tích tuồng cổ, song công bằng mà nói lại chưa đủ tinh tế và sâu lắng để thuyết phục những người yêu mến sân khấu kịch. Bởi ngoại trừ lời thoại ra, các động tác hát múa và đến cả cái liếc mắt của cô đều mang dáng dấp nửa vời của loại hình nghệ thuật tuồng.
“Anh cả” ngã ngựa, tài năng thành... triển vọng
Xót xa hơn cả có lẽ là “anh cả” Nhà hát Kịch Việt Nam khi cả 3 diễn viên đại diện cho đơn vị này đi thi đều chỉ rinh về giải triển vọng. Không phải bởi họ không có tài năng nhưng lại mắc sai lầm ngay từ khâu chọn kịch bản không phù hợp.
Điển hình là kịch bản “Tìm gạo” (NSƯT Anh Dũng) vừa không có chủ đề lại vừa gói ghém ngồn ngộn những triết lý đao to búa lớn, những vấn đề phức tạp mà đồ rằng người diễn cũng chẳng thẩm thấu hết để mà diễn sao cho đúng, huống gì cho hay. Và thực tế là nó đã không tạo đất diễn cho diễn viên thỏa sức thể hiện. Chính vì thế ngay cả người trong cuộc cũng tỏ ra tiếc cho nam diễn viên Vĩnh Xương khi phải ngậm ngùi nhận về giải triển vọng. Càng tiếc hơn khi ở ngưỡng 33 tuổi, đây sẽ là lần cuối cùng anh tham gia cuộc thi nên dĩ nhiên không còn cơ hội để sửa sai lần sau như lời thốt ra từ tận đáy lòng của anh “tất cả là lỗi tại Vĩnh Xương chọn kịch bản chưa phù hợp, nhưng nhận ra thì cũng đã muộn rồi”.
Sự tiếc nuối của Vĩnh Xương khi nhận giải triển vọng |
Không riêng gì Nhà hát Kịch Việt Nam mà Liên hoan lần này đã ghi nhận sự thất bại của rất nhiều tài năng chỉ vì chưa chọn được kịch bản phù hợp, dẫn đến tình trạng bó hẹp đất diễn hoặc quá tải với thí sinh. Đáng buồn hơn khi “tai nạn” nghề nghiệp này lại xảy ra với nữ diễn viên Thùy Linh (Đoàn kịch nói Nam Định) - người từng giành giải A cao nhất cũng tại cuộc thi này vào năm 2003. Với việc hóa thân vào nhân vật Thị Bình trong vở kịch “Lôi vũ”, cô đã dẫm phải gót chân Asin của những người đi trước khi loay hoay làm mới mình trong một vai diễn đã rất cũ. Vậy nên cảm xúc có, sự sáng tạo có, tài năng có nhưng rốt cuộc tất cả đều không thể phát huy. Và giải triển vọng tại cuộc thi năm nay chính là bài học xương máu cho Thùy Linh.
Tự mình chấm mình?
Không nằm ngoài dự đoán, sự có mặt của phần lớn đại diện các đơn vị nghệ thuật có thí sinh dự thi trong thành phần Ban Giám khảo đã tạo ra nhiều điều tiếng ì xèo ngay khi cuộc thi khép lại. Chưa luận bàn đến tính khách quan hay chính xác của việc chấm chọn song thực tế là hầu hết các tiết mục được ghi nhận thành công tại cuộc thi lần này đều là của các đơn vị nghệ thuật nói trên.
Trong đó có một số tiết mục còn có sự giúp sức dàn dựng của các đạo diễn nằm trong thành phần cầm cân nảy mực như NSND Lê Hùng. Dĩ nhiên không vì thế mà vội vàng quy chụp rằng có sự thiên vị hay ưu ái riêng tư. Song kể cả trong trường hợp họ có làm việc công tâm nhất thì vẫn không tránh khỏi lời ra tiếng vào. Bởi thế nên mới có chuyện đoàn này, đoàn kia không tâm phục khẩu phục về kết quả chấm thi cuối cùng và mạnh dạn tuyên bố thẳng thừng sẽ không tham gia cuộc thi năm sau nếu như thành phần những người ngồi ở vị trí “trọng tài” vẫn theo kiểu “tự mình chấm mình”.
Bích Hậu