Đằng sau dự án đầy tham vọng của Trung Quốc tại Pakistan

ANTĐ - Trung Quốc không tiếc tay chi số tiền lớn và nhân lực để cải tạo đường cao tốc Karakoram của Pakistan. Đây được xem là đường ô tô cao nhất thế giới, có đoạn độ cao lên tới 4.693m so với mực nước biển. Nhưng đằng sau món quà của người hàng xóm “tốt bụng” là một chiến lược phục vụ lợi ích lâu dài.

Trung Quốc dự định mở rộng, nâng cấp đường Karakoram lên thành 2-4 làn xe

Đường ô tô cao nhất thế giới

Chiếc xe vẫn không ngừng cán nhựa trên con đường núi. Một số công nhân Trung Quốc và Pakistan đứng đó, tay cầm xẻng, quan sát cách kỹ sư Li vận hành chiếc xe màu vàng. Đi được vài mét, ông Li dừng lại và nhảy ra khỏi xe trên phần đường chưa trải nhựa, ngay bên cạnh là vực sâu khoảng 1.000m. Không tỏ dấu hiệu gì sợ độ cao, ông gọi các công nhân lại và bảo “Làm vậy nhé. Còn hỏi gì nữa không?”.

Được khởi công năm 1959 và hoàn thành 20 năm sau đó, Karakoram dài gần 1.300km, qua đèo Khunjerab có độ cao lên tới 4.693m so với mực nước biển. Đây là một phần của hệ thống con đường tơ lụa nổi tiếng, nối khu Kashgar thuộc Khu tự trị dân tộc Duy Ngô Nhĩ Tân Cương ở phía tây Trung Quốc với khu vực         Gilgit-Baltistan và Khyber Pakhtunkhwa của Pakistan từ đó tới Thủ đô Islamabad. 

Dù được gọi là “đường cao tốc”, nhưng cho đến nay, con đường có điểm cao nhất là 4.700m tại đèo Khunjerab trên biên giới Trung Quốc - Pakistan này nhiều đoạn vẫn còn rải sỏi. Trong 15 năm qua, một số đoạn đã được lát, nhưng vẫn chỉ là con đường 1 làn rộng, có nơi các xe húc vào nhau do lái xe choáng độ cao. 

Trung Quốc có kế hoạch mở rộng Karakoram lên 2 làn, thậm chí một số nơi lên tới 4 làn đường. Việc mở rộng sẽ tiêu tốn khoảng 400 triệu USD, được Chính phủ Trung Quốc tài trợ thông qua các ngân hàng quốc doanh. “Khi hoàn thành, hành trình từ biên giới Trung Quốc - tới Islamabad, Pakistan sẽ giảm từ 30 xuống còn 20 tiếng”, kỹ sư Li cho biết.

Theo dự tính ban đầu, muộn nhất là năm 2013 hoàn thành, nhưng tiến độ dự án bị chậm lại do các vụ lở đất kinh hoàng ở phía bắc Karimabad, chôn vùi nhiều làng mạc và tạo ra một hồ nước nhấn chìm khoảng 22km đường. Ông Li cho biết, người dân nào muốn đi bằng đường bộ từ Pakistan tới Trung Quốc hay ngược lại đều phải chuyển sang đi thuyền ở đoạn ngập nước này. Cũng theo ông Li, họ buộc phải làm vậy vì không có tuyến đường nào khác. Bởi vậy, Trung Quốc quyết định khoan một đường hầm vòng qua hồ nước Attabad mới được tạo lập, nhưng sẽ mất vài năm nữa mới hoàn thành. 

An ninh nghiêm ngặt

Trong khi đó, Pakistan đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ an ninh. Cảnh sát Pakistan được trang bị súng máy canh chừng tại những nơi có công nhân Trung Quốc làm việc. Bởi vì chỉ một người trong số họ bị tấn công hoặc bắt cóc, có thể khiến Chính phủ Trung Quốc ngừng dự án vì lý do an ninh. Thậm chí muốn chụp ảnh người Trung Quốc tại đây cũng không được phép. Dọc con đường này có hơn một trăm cây cầu. Cảnh sát hay quân cảnh cũng đứng gác tại những điểm này vì chúng được xem là những mục tiêu chiến lược quan trọng, bởi vậy, hiếm khi xuất hiện trên các bản đồ. 

Phần đường bên phía Trung Quốc hiện đã hoàn thành. Còn phần bên phía Pakistan đang được thi công dưới sự giám sát của kỹ sư Trung Quốc với khoảng 15.000 công nhân     Pakistan và lên tới 20.000 người Trung Quốc. Theo thống kê chính thức, đã có hơn 800 người Pakistan và 82 người Trung Quốc thiệt mạng trong quá trình làm đường, mặc dù con số thực tế có thể cao hơn. Nhiều nạn nhân chết trong các vụ nổ mìn, lở đất còn những người khác chết do rơi xuống vực sâu. 

Lợi ích chiến lược lâu dài

Theo kỹ sư Li, sau khi hoàn thành, con đường này sẽ tạo “sự liên kết đáng tin cậy” giữa Trung Quốc và Pakistan, giúp người dân hai nước có thể qua lại quanh năm.

 “Đối với Bắc Kinh, tuyến đường này có thể giúp xuất khẩu thêm hàng hóa tới Pakistan, qua cảng Karachi và tỏa đi khắp thế giới”, chuyên gia Fazal ur-Rehman thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược ở Islamabad nói. Bênh cạnh đó, Trung Quốc cũng có kế hoạch xây dựng đường ống chạy dọc con đường Karakoram trong tương lai, cho phép nước này vận chuyển khí đốt từ Iran. Nhưng chính quyền Ấn Độ, đối thủ của Trung Quốc tại châu Á, lo ngại sau khi mở rộng đường Karakoram, Trung Quốc sẽ có thể chuyên chở xe tăng và những thiết bị quân sự hạng nặng khác tới Ấn Độ Dương. 

Dù là nhà cao tầng, cảng biển hay đường sá, Trung Quốc đang xây dựng trên khắp thế giới với quy mô lớn. Việc mở rộng con đường Karakoram chỉ là một trong rất nhiều những dự án đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài. Chính sách kinh tế của Bắc Kinh là không cần phải thu lợi ngay trong ngắn hạn mà hướng đến các lợi ích thương mại dài hạn. Nước này cũng lôi kéo đồng minh bằng sự giúp đỡ hào phóng để đổi lấy lợi ích chiến lược lâu dài. Ngoài Pakistan, kỹ sư Trung Quốc cũng có mặt tại các dự án cơ sở hạ tầng trọng yếu tại nhiều nước. Nước này cũng đầu tư vào những nơi mà phương Tây đã rút đi từ lâu, trong số đó có các quốc gia châu Phi giàu tài nguyên thiên nhiên.