Đắng lòng tuổi xế chiều

ANTĐ - Mong mỏi con cái chăm nom khi mẹ cha về già của nhiều bậc sinh thành dường như ngày càng xa vời. Không hiếm trường hợp, bố mẹ họ phải ra ở riêng trong tâm trạng buồn chán, căng thẳng và đầy
u uất…

Các cụ già đôi khi tìm thấy sự đồng cảm, chia sẻ tại những trung tâm dưỡng lão

(ảnh chụp tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Thụy An, Ba Vì


Nuốt ấm ức vào tim…

Cách đây chưa lâu, TAND thành phố Hà Nội đã giải quyết một vụ án về hành vi ngược đãi bố mẹ. Ông Nguyễn Văn H và bà Phan Thị Th có 4 người con, anh Nguyễn Văn B là con trai trưởng. Sau khi các con lập gia đình, ông bà H sống cùng vợ chồng anh B trong ngôi nhà ông cha để lại. Khi ông bà H tuổi cao, sức yếu, vợ anh B lo sợ bố mẹ chồng sẽ chia nhà, chia đất cho các cô em chồng nên đã xúi chồng đuổi bố mẹ ra khỏi nhà. Nghe lời vợ, anh B đã đuổi bố mẹ đi. Mặc dù, được các em khuyên nhủ, nhưng anh B vẫn kiên quyết đoạn tuyệt và còn tuyên bố đầy nhẫn tâm: “Tôi chưa bao giờ là con của ông bà”.

Tương tự, dù có tới 6 người con, nhưng ông Vũ Văn T và bà Trần Thu V, ở phường Đức Giang, quận Long Biên dù đã trên 80 tuổi vẫn bị anh Vũ Hồng Đ, người con trai trưởng hắt hủi, ngược đãi. Anh Đ thường chửi mắng, thậm chí dùng những lời lẽ vô văn hóa với người đã sinh ra mình. Cũng bởi lẽ đó, các con anh cũng rất thiếu tôn trọng ông bà. Nhìn thấy bố mẹ sống buồn tủi, người con trai út ở gần đó đã tha thiết mời vợ chồng ông T về sống chung, nhưng họ không đồng ý. Do không chịu được sự hắt hủi, hỗn láo của anh con trai trưởng nên ban ngày vợ chồng ông T sang nhà con trai út ăn uống, đến tối ông bà lại về nhà anh Đ ngủ chỉ vì không muốn mang tiếng với bà con hàng xóm là có con cháu bất hiếu.

Trên thực tế, có không ít người già theo con ra thành phố cũng đang nếm trải “trái đắng” từ chính con cái họ. Nhiều người do không chịu nổi những câu nói, những hành vi thiếu tôn trọng của con cái nên đã tìm cách quay về quê sống một mình. Ông Nguyễn Văn Mạnh, năm nay gần 80 tuổi, từng là cán bộ cao cấp, có lương hưu cao. Chính vì vậy, người con nào cũng muốn nuôi ông, nhưng với điều kiện ông phải đưa sổ lương cho họ. Tuy nhiên, việc đưa sổ hưu cho người con này mà không đưa cho người con khác đã dẫn đến anh em trong gia đình mâu thuẫn. Các thành viên xích mích, to tiếng với nhau khiến ông Mạnh vô cùng đau lòng và những lúc như thế, cơn đau tim lại hành hạ ông. Ông Mạnh tâm sự: “Thật đắng lòng khi thấy đám con bất hiếu tranh giành sổ lương hưu. Nếu không có quyển sổ hưu chắc chúng vứt tôi ra đường từ lâu rồi. Nghĩ mà xót xa, lắm lúc chỉ muốn chết cho xong…”.

Hãy biết yêu thương và nhẫn nại

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty TNHH Luật S&B, nguyên nhân dẫn đến hành vi ngược đãi bố mẹ chủ yếu liên quan đến vấn đề tài sản, con cái nghiện ngập, uống rượu và mâu thuẫn thế hệ khi sống chung trong một mái nhà. Thực tế, nhiều người cao tuổi có điều kiện, con cái đã ở riêng nhưng khi về già lại rất cần ở cùng con cháu. Họ đã bán nhà, lấy tiền “chia” cho các con, rồi về sống cùng con trai, hoặc con trưởng. Và rồi bi kịch xảy ra.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và phát triển cộng đồng cho rằng: “Ngược đãi cha mẹ già là một hiện tượng xã hội đáng lo ngại, phản ánh sự thiếu quan tâm xây dựng gia đình truyền thống, chưa chú trọng đến các biện pháp giáo dục người trẻ về đạo đức, trách nhiệm của người làm con. Truyền thống tốt đẹp nhất của gia đình Việt Nam chính là nhiều thế hệ sống hạnh phúc, song xã hội hiện nay nặng về vật chất đã làm mai một dần truyền thống đó. Hiện nay, chúng ta chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế mà chưa chú tâm đến phát triển xã hội, thiếu chiến lược gia đình Việt Nam và có những giải pháp về gia đình mang tính tổng thể. Quan tâm phát huy những giá trị gia đình truyền thống tốt đẹp là gốc rễ những điều tốt đẹp cho xã hội. Bi kịch con cái ngược đãi cha mẹ già xuất phát từ sự bất hiếu, coi thường cha mẹ của con cái.

Tuy nhiên, gốc rễ của vấn đề chính là ở cách giáo dục của những người làm cha, làm mẹ. Không ai khác, chính họ phải là những người quan tâm và có phương pháp giáo dục con cái. Ở những nước phát triển, trước khi sinh con, những ông bố, bà mẹ thường tham gia những lớp học để học cách nuôi dạy con một cách tốt nhất. Còn ở Việt Nam thì ngược lại, người ta chỉ chăm chăm lo cái ăn, cái mặc lo chạy lớp, chạy trường mà không biết quan tâm đến việc trang bị cho mình những kỹ năng và biện pháp giáo dục con cái. Giáo dục của bố mẹ đa phần là giáo dục theo kiểu bao bọc, bao dung. Họ dành tất cả mọi thứ tốt nhất cho con cái mà không “dành dụm” cho mình một ít vốn cho tuổi già. Họ hy sinh hết cho con cái, mong được “cậy con” khi về già nhưng thường thì họ lại bị con cái đối xử ngược đãi. Dân gian có câu: “nước mắt chảy xuôi”, nhưng đôi khi những người làm con hãy nghĩ cho chính những người đã sinh thành ra mình và giúp họ trong từng bước đi ở tuổi xế chiều, giúp những phút sống còn lại của cha mẹ mình trong yêu thương và nhẫn nại…