“Đắng lòng” ly hôn

(ANTĐ) - Vẫn biết nếu ly hôn, cha mẹ sẽ là những người trực tiếp phải chịu nhiều đau khổ nhưng thiệt thòi hơn cả là những đứa con sẽ sống như thế nào khi thiếu cha, thiếu mẹ, thiếu người quản lý giáo dục?

“Đắng lòng” ly hôn

(ANTĐ) - Vẫn biết nếu ly hôn, cha mẹ sẽ là những người trực tiếp phải chịu nhiều đau khổ nhưng thiệt thòi hơn cả là những đứa con sẽ sống như thế nào khi thiếu cha, thiếu mẹ, thiếu người quản lý giáo dục?

Trẻ em dễ là nạn nhân của các cuộc hôn nhân tan vỡ (Ảnh minh họa: Phú Khánh)

Trẻ em dễ là nạn nhân của các cuộc hôn nhân tan vỡ (Ảnh minh họa: Phú Khánh)

Hạnh phúc mong manh

Do hoàn cảnh khó khăn, năm 1980, bà Nguyễn Thị Hồng (SN 1955, trú tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) bỏ nghề giáo viên đi lao động ở nước ngoài. Những năm đầu, bà tần tảo kiếm tiền và thường xuyên gửi về cho chồng là ông Trần Văn Dự (SN 1953) để chăm lo cho gia đình. Vài năm sau, những chuyến hàng, những cuộc điện thoại hay những lá thư tay của bà ngày một thưa dần. Năm 1992, bà về nước cũng là lúc hai người phải đối diện với cuộc sống “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Bà Hồng đã có bồ! Hai đứa con của ông, bà đều biết chuyện. Một phần thương cha, một phần trách mẹ không giữ được mình đã bị hoàn cảnh đưa đẩy.

Không thể kéo dài hôn nhân vì tình cảm đã “chết”, năm 2010, ông Dự nộp đơn ra tòa án quận xin ly hôn. Tại phiên xử, cô con gái tên Trần Diệu Ly đang học lớp 12 của ông bà cũng có mặt và chỉ biết khóc lóc, viện đủ lý do để xin HĐXX hãy hòa giải cho bố mẹ về sống với nhau. Những lời khẩn cầu của Ly như nhát dao cứa vào tâm can người cha, người mẹ khiến họ cũng phải rơi lệ. Ông Dự và bà Hồng được tòa chấp nhận thuận tình ly hôn. Ly đồng ý ở với bố để tiện đường cho mẹ tái hôn. Từ ngày cha mẹ chia tay, Ly sống trầm cảm và công việc học hành sa sút hẳn, kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm đó Ly bị trượt.

Chẳng sướng hơn gì hoàn cảnh của gia đình ông Dự, nếu như ai từng chứng kiến phiên xử ly hôn mới đây giữa hai vợ chồng anh Đào Trọng Thi (SN 1970) và chị Trần Thị Thu Hương (SN 1981) trú tại phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội mới thấy xót xa, thương cho hai đứa con của họ. Chúng mới chỉ là những đứa trẻ lên năm, lên bảy nhưng đã phải chứng kiến cảnh cha mẹ trước tòa có những lời lẽ trách nhau thậm tệ.

Chuyện là từ khi anh Thi được đơn vị cất nhắc lên chức phó giám đốc công ty, cũng từ đó Thi biết đến những buổi tiệc tùng có “em út” hay cô thư ký riêng hầu rượu. Không biết đã ăn phải “bùa mê thuốc lú” từ khi nào mà sau giờ làm việc, chia tay cô thư ký về nhà Thi cảm thấy buồn và cô đơn (!?). Đến một ngày, chuyện cặp bồ với cô thư ký trẻ của Thi bị vợ phát hiện. Mặc dù được người vợ rộng lòng tha thứ, khuyên can nhưng Thi đều bỏ ngoài tai và quay sang đối xử tệ bạc với vợ con. Đã thế, những lần qua đêm cùng cô thư ký còn được Thi trơ trẽn công khai với vợ. Không thể chịu được hơn, chị Hương đã nộp đơn ly dị trong sự đau đớn, tủi hờn. Chỉ thương cho hai đứa trẻ không tội tình gì mà chúng phải xa nhau, Thi nuôi đứa lớn, Hương nuôi đứa bé. Thế là gia đình “xẻ đàn, tan nghé”.

Con đâu là người có lỗi

Một thực tế hiện nay, trong hôn nhân giữa hai vợ chồng nếu họ cho rằng không còn “hợp” nhau là sẵn sàng chia tay mà không quan tâm đến những đứa con hay những người thân trong gia đình mình. Tương lai của những đứa con vô tội sẽ như thế nào khi phải sống thiếu tình cảm của người cha hay người mẹ. Những đứa trẻ khi phải chứng kiến cuộc sống hôn nhân của bố mẹ không hạnh phúc, bố mẹ ly hôn, khiến chúng dễ bị chấn thương tâm lý, mắc bệnh trầm cảm, sống khép kín, mất tự tin trong giao tiếp... thậm chí là hận thù cha, mẹ.

Thời gian gần đây, nhiều vụ án được lực lượng chức năng triệt phá và dư luận không khỏi bất ngờ khi thủ phạm gây án lại là những gương mặt “non choẹt”. Hoàn cảnh dẫn đến con đường phạm tội của chúng thật quá đơn giản khi bị bắt chúng khai rằng, chán sống vì bố mẹ ly hôn, chẳng ai quan tâm giáo dục. Chúng tự do làm những gì chúng thích như tụ tập bạn bè, “dạt nhà” đi chơi hết tiền thì đi cướp, đi trộm cắp để lấy tiền ăn chơi. Thậm chí gây án chỉ vì nhìn “ngứa mắt!”.

Hẳn dư luận vẫn chưa thể quên vụ án Đào Thị Thu Hương (tức “My sói”, SN 1996, trú tại phường Tân Mai, quận Hoàng Mai) cùng đồng bọn gây ra những vụ hiếp dâm trẻ em và cướp tài sản… Sống trong hoàn cảnh gia đình bố mẹ chia tay nhau, ngay từ nhỏ Hương đã phải ở với bà ngoại. Do thiếu thốn tình cảm gia đình, không ai quản lý nên Hương thường xuyên bỏ học “dạt nhà” cùng đám bạn xấu. Mặc dù mới 14 tuổi nhưng “My sói” đã làm “thủ lĩnh” của hơn chục tên lâu la, lên kế hoạch đi cướp lấy tiền ăn chơi… Cuối cùng, “My sói” và đồng bọn bị sa lưới.

Theo bà Nguyễn Thu Hương - chuyên gia tư vấn tâm lý, trong hôn nhân, cực chẳng đã những đôi vợ chồng mới phải dắt nhau ra tòa ly hôn. Họ đều là những người phải gánh chịu những đau khổ vì đã từng có thời gian yêu thương, có cuộc sống chung với nhau. Tuy nhiên, thiệt thòi hơn cả là những đứa trẻ. Nếu trẻ còn ít tuổi thì có thể có những biểu hiện gắn liền với sự lo âu, sợ hãi, trầm cảm vì xa cách cha mẹ. Lớn hơn thì có thể bỏ nhà sống lang thang, bụi đời rồi dẫn đến con đường phạm tội. Trách những đứa trẻ hư một, trách bố mẹ chúng mười...

Thanh Quang