Đăng ký tuyến lượt, giờ chạy xe qua mạng, vận tải khách liên tỉnh hết lo “giấy phép con”?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ ngày mai, 1/7, căn cứ vào danh mục mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định, các đơn vị kinh doanh vận tải có thể chọn giờ xuất bến và đăng ký khai thác tuyến vận tải trực tuyến.

Toàn bộ việc này được thực hiện qua Cổng dịch vụ công Bộ GTVT thay vì phải trực tiếp mang hồ sơ, thủ tục qua các Sở GTVT địa phương để đăng ký.

Bộ GTVT vừa cho biết, sẽ chính thức đưa vào sử dụng phần mềm dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định kể từ ngày 1/7 tại địa chỉ https://tuyenvantai.mt.gov.vn

Việc chính thức đưa vào sử dụng phần mềm dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định tại địa chỉ https://tuyenvantai.mt.gov.vn nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời cũng để triển khai có hiệu quả các quy định tại Nghị định 10/2020 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Từ mai, 1/7, doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh sẽ không phải qua các Sở GTVT địa phương để đăng ký biểu đồ chạy xe

Từ mai, 1/7, doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh sẽ không phải qua các Sở GTVT địa phương để đăng ký biểu đồ chạy xe

Theo Bộ GTVT, với việc phần mềm dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định được đưa vào sử dụng, kể từ tháng 7, thay vì gửi hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường Bưu điện đến cơ quan quản lý tuyến, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định sẽ căn cứ vào danh mục mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định - “biểu đồ” chạy xe theo tuyến đã công bố để lựa chọn giờ xuất bến và thực hiện đăng ký khai thác tuyến tại những thời điểm chưa có đơn vị khai thác trên phần mềm dịch vụ công trực tuyến.

Toàn bộ quá trình lựa chọn tuyến đăng ký khai thác, lựa chọn giờ biểu đồ, nộp hồ sơ đăng ký, theo dõi tiến trình của hồ sơ, nhận kết quả của đơn vị kinh doanh vận tải và quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ, thông báo kết quả giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ chuyên môn tại các Sở GTVT đều được thực hiện hoàn toàn trên phần mềm, theo đúng quy định tại Nghị định 10/2020 của Chính phủ. Các quá trình này được diễn ra hoàn toàn tự động, không cho phép sự can thiệp của các đối tượng sử dụng.

Đặc biệt, từ ngày 1/7, khi phần mềm được đưa vào hoạt động chính thức, hơn 124.560 đơn vị kinh doanh vận tải sẽ thuận lợi hơn trong việc nộp hồ sơ thực hiện các thủ tục hành chính; thời gian xử lý cũng được rút ngắn từ 7 ngày xuống còn 3 ngày.

Đại diện Tổng Cục Đường bộ Việt Nam thông tin, hơn 1 năm qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã gấp rút triển khai nhiều nội dung với một khối lượng công việc lớn. Trong đó, quan trọng nhất là cập nhật và số hóa trên 10.000 tuyến vận tải hành khách cố định trên toàn quốc; chỉ đạo và hỗ trợ 63 Sở GTVT cập nhật biểu đồ chạy xe của toàn bộ các tuyến vận tải hành khách cố định thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương.

Theo đánh giá, việc Bộ GTVT xử lý hồ sơ các doanh nghiệp vận tải khách tuyến cố định đăng ký “nốt” và tần suất chạy trên tuyến trên hệ thống diện tử giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, minh bạch, giảm thời gian và tạo sự thuận lợi cho đơn vị kinh doanh vận tải tham gia khai thác tuyến vận tải hành khách cố định. Đặc biệt là giúp doanh nghiệp bớt phần “chạy giấy phép con” theo phản ánh của một số doanh nghiệp vận tải tuyến cố định liên tỉnh thời gian qua.

Theo thống kê, hiện Bộ GTVT đang cung cấp 254 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4; trong đó có 90 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 164 dịch vụ công mức 4. Bộ này dự kiến đến cuối năm nay sẽ hoàn thành việc đưa toàn bộ 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên cung cấp trực tuyến mức 4 cho người dân, doanh nghiệp.