Đáng kính và đáng quý

ANTĐ - Để một cuộc thi nhiếp ảnh gây được tiếng vang lớn, ban tổ chức đã mời một chuyên gia lâu năm trong nghề, người đã đoạt nhiều giải thưởng lớn, nổi tiếng trong ngoài nước làm chủ tịch ban giám khảo. Sau khi xem qua một lượt những tác phẩm dự thi được lọt vào vòng trong, ông chỉ vào một tác phẩm và hỏi những người khác: “Nguyên nhân bức ảnh này lọt qua vòng sơ khảo là gì?”

Thực ra tác phẩm đó không có gì nổi bật, bố cục lẫn nội dung đều rất bình thường, cách xử lý ánh sáng cũng không xuất sắc, song bức thư gửi kèm theo rất gây xúc động lòng người. Tác giả là một người tàn tật, bị liệt từ nhỏ, trong thư anh đã kể lại quyết tâm đến với nghệ thuật nhiếp ảnh cũng như những gian khổ mà mình đã phải trải qua để hoàn thành được ước mơ. Điều đó khiến cho các thành viên ban giám khảo cảm động. Không ngờ, vị chuyên gia lâu năm kia lại rút tấm ảnh ra: “Nếu như các anh chấm điểm cao cho tác phẩm này vì bức thư kèm theo, thì tôi phản đối”.

Tất cả rơi vào im lặng. Mãi sau một thành viên giám khảo mới lên tiếng: “Nếu không trao giải cho thí sinh đó, sợ rằng sẽ làm lung lay quyết tâm theo đuổi nghệ thuật của anh ta”.

“Nếu quyết tâm dễ bị lung lay như thế, thì thí sinh ấy không nên theo đuổi con đường này”.

“Nhưng một người lành lặn để chinh phục được nhiếp ảnh đã là khó khăn, thế nên đối với một người tàn tật, có được tấm lòng đó thật là đáng quý”.

“Ý nghĩ của các anh có thể khiến anh ấy chọn một con đường hoàn toàn không hợp với mình. Nếu anh ấy cứ giành được thành công từ sự thông cảm của người khác, sẽ vĩnh viễn không bao giờ đạt được đến đỉnh cao. Bởi vì sự đáng quý, không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với đáng kính”.

Nói xong, vị chuyên gia nhiếp ảnh cúi xuống, nhẹ nhàng kéo ống quần lên để mọi người trông thấy đoạn chân giả của mình.