Đăng Dương - bay cao cùng giọng hát

ANTD.VN - Mất tới gần 20 năm đi hát, Đăng Dương mới mạnh dạn thực hiện đêm nhạc riêng: live-concert “Mặt trời của tôi”. Nhưng  là một chương trình tầm cỡ mà nhiều đồng nghiệp thân thiết với anh nhìn vào xuýt xoa: “Ghen tị quá”.

1. Những ngày tháng chuẩn bị live-concert, Đăng Dương lo âu đến độ, anh từng nói với ca sĩ Trọng Tấn rằng: “Chắc anh chỉ làm một lần này thôi”. Trước đêm khai màn live-concert, anh nhờ MC Lê Anh nếu mình run quá thì “nhảy” vào nói đỡ. Nhưng rồi, sự lo âu ấy  tan biến khi Đăng Dương cầm míc và cất giọng hát. Có chăng, chỉ những lúc ngưng hát và trò chuyện dăm ba câu cùng khán giả, Đăng Dương mới tự nhận mình rất run vì quá xúc động. 

Live-concert của Đăng Dương đặc biệt ở chỗ, đây là lần đầu tiên có một nghệ sĩ Việt Nam tổ chức một chương trình hát với dàn nhạc giao hưởng theo đúng tiêu chuẩn cỡ trung thế giới. Lý do chưa ai dám làm thì nhiều, trong đấy cũng phải kể đến lý do như nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng - người đảm nhận vai trò phối khí toàn bộ đêm nhạc đưa ra, đó là việc hát với dàn nhạc giao hưởng không đơn giản, nên không mấy ai đủ bản lĩnh để thực hiện. 

2. Trong hai đêm live-concert “Mặt trời của tôi”, Đăng Dương đã lần lượt đưa khán giả bước vào những mảng màu sắc âm nhạc khác nhau, từ chính ca, dân ca, tình ca đến các bản tình khúc nước ngoài. Tất cả đều được gói ghém cẩn thận và trang trọng trong không gian âm nhạc thính phòng. Trong số đó phải kể đến điểm nhấn ấn tượng khi anh trổ tài chơi đàn bầu ca khúc “Se chỉ luồn kim”. Ít ai biết rằng, Đăng Dương đến với đàn bầu trước khi học hát và từng theo học đàn bầu tới 9 năm và được xem là một cậu học trò tài năng ở bộ môn nghệ thuật truyền thống này. 

Trước giờ, nhắc đến Đăng Dương, người ta nhớ đến bộ ba nhạc đỏ mà anh cùng Trọng Tấn - Việt Hoàn hợp thành. Cũng bởi vậy mà không phải ai cũng biết, thật ra sở trường của Đăng Dương là hát nhạc thính phòng và giọng hát của anh có thể với tới những nốt rất cao khi hát opera. Có lẽ vì thế mà live-concert đầu tiên của Đăng Dương đã không “xảy ra” sớm hơn (theo cách nói của anh) mà phải chờ tới tận bây giờ mới thực hiện được, khi anh gặp nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng. Cuộc gặp định mệnh trong âm nhạc ấy diễn ra cách đây hơn một năm, khi anh làm khách mời trong chương trình thính phòng riêng của 3 nghệ sĩ Hồng Vy - Duyên Huyền - Đào Mác diễn ra tại TP.HCM. Tới lần này, cả 3 giọng ca này trở thành khách mời trong live-concert của Đăng Dương ở Hà Nội. 

3. Khán giả đến với 2 đêm nhạc của Đăng Dương đầy ăm ắp. Những tràng pháo tay vang lên không ngớt cùng tiếng hò reo tán thưởng khiến không khí ấm cùng mà vô cùng hào sảng. Trong số ấy, ngồi ở phía dưới khán phòng có cả những người thầy, người cô đã từng dìu dắt Đăng Dương như NSND Trung Kiên, NSND Quang Thọ, NSND Thanh Tâm. Cả ba đều bày tỏ sự xúc động và hạnh phúc khi chứng kiến cậu học trò ngày nào giờ đã thực sự thành danh và thành tài. 

NSND Quang Thọ kể, năm 1996, NSND Trung Kiên lúc bấy giờ đang là Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin về Nhạc  viện với mục đích tìm ra một giọng tenor có triển vọng để dạy. Thời điểm đó, Đăng Dương vừa tốt nghiệp trung cấp Thanh nhạc sau 4 năm theo học và được đánh giá là một giọng tenor đẹp, một tài năng âm nhạc quý. NSND Quang Thọ bảo, ông cũng tiếc lắm vì đã dày công vun đắp suốt 4 năm trời để bồi dưỡng cho giọng hát của Đăng Dương, để sau này thành tài thì mình làm thầy cũng hãnh diện. NSND Quang Thọ chia sẻ, ông biết một điều chắc chắn rằng, nếu muốn giọng hát của cậu học trò mà mình nâng niu vun đắp có thể bay xa hơn nữa thì chỉ bằng cách để cho thầy mình - NSND Trung Kiên dạy.

NSND Trung Kiên thì vừa cười vừa nói vui, ông không nhớ rõ mình đã “giật” Đăng Dương từ tay NSND Quang Thọ thế nào nhưng ông tin chắc, Đăng Dương học mình hợp hơn học với học trò của mình. Đến giờ, NSND Trung Kiên tin rằng, rồi đây Đăng Dương sẽ không chỉ theo nghiệp hát mà còn có trách nhiệm với nghiệp dạy để truyền lại những kinh nghiệm của mình cho các thế hệ sau.