Dân Trung Quốc phẫn nộ về đường dây buôn vaccine kém chất lượng

ANTĐ - Liên quan tới vụ lưu trữ không đúng cách và phân phối trái phép vaccine ở Trung Quốc, 37 nghi phạm đã bị bắt giữ. Vụ việc gây hoang mang cho người dân Trung Quốc về an toàn dược phẩm tại nước này.

Dân Trung Quốc phẫn nộ về đường dây buôn vaccine kém chất lượng ảnh 1Nhân viên chức năng Trung Quốc kiểm tra vaccine phòng dại tại một Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh ở khu tự trị Choang - Quảng Tây

5 năm buôn lậu trót lọt

Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc cho biết, có 9 loại vaccine như 

vaccine ngừa cúm, viêm gan A, viêm màng não, thủy đậu, bệnh dại… liên quan tới vụ buôn lậu vaccine trên 24 tỉnh, thành phố. 

Trước khi bắt giữ 37 nghi phạm trên, giới chức tỉnh Sơn Đông đã công bố tên của 300 khách hàng và nhà cung cấp liên quan tới cựu dược sĩ họ Bàng (47 tuổi) và con gái của bà ta. Họ bị bắt vào cuối tháng 4-2015 với cáo buộc điều hành một cơ sở kinh doanh vaccine không có giấy phép, bán lượng lớn vaccine cho cả người lớn lẫn trẻ em từ năm 2010-2015. 

Được biết, Bàng từng làm việc tại một bệnh viện ở thành phố Hà Trạch, tỉnh Sơn Đông. Năm 2009, bà ta lĩnh án 3 năm tạm hoãn thi hành án do bán vaccine lậu, nhưng “ngựa quen đường cũ” vẫn tiếp tục kinh doanh vaccine chợ đen.

Theo Tân Hoa xã, cặp mẹ con này mua vaccine sắp hết hạn và bán với giá rẻ. Vaccine này thuộc loại  tiêm dịch vụ, không được Chính phủ Trung Quốc cung cấp miễn phí. Những vaccine này đều được sản xuất từ các công ty có giấy phép, nhưng chúng bị lưu trữ và vận chuyển trong điều kiện nhiệt độ không đảm bảo. 

Trong 300 khách hàng và nhà cung cấp dính líu tới bê bối, có 3 công ty dược phẩm đang bị điều tra. Trong đó, Công ty Công nghệ sinh học Triệu Tín Sơn Đông từng có giấy chứng nhận cung cấp tốt dược phẩm. Tuy nhiên, giấy chứng nhận này vừa bị thu hồi và công ty phải ngừng hoạt động. 

Hiện chưa rõ bao nhiêu trẻ em đã được tiêm những liều vaccine bị cáo buộc phân phối bất hợp pháp, nhưng theo Tân Hoa xã, số vaccine này đã được bán ra với trị giá gần 90 triệu USD. Sau vụ việc, cơ quan  chức năng Trung Quốc đã  kiểm tra các cơ sở liên quan đến việc sản xuất và mua bán vaccine của các địa phương, từ các nhà sản xuất, phân phối bán buôn cho đến người mua.

Mất niềm tin vào an toàn thực phẩm, dược phẩm

An toàn thực phẩm và dược phẩm đang là vấn đề đáng lo ngại tại Trung Quốc. Năm 2008, 6 trẻ sơ sinh đã tử vong và hơn 300.000 trẻ bị bệnh sau khi uống sữa có trộn hóa chất công nghiệp melamine. Hai năm trước,  Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc đã yêu cầu một số nhà sản xuất ngừng sản xuất vaccine ngừa viêm gan B, với lý do sản phẩm này không đáp ứng đủ tiêu chuẩn chất lượng.

Năm 2012, giới chức Trung Quốc tạm ngừng bán một số loại thuốc sau khi thử nghiệm cho thấy viên nang bên ngoài thuốc chứa hàm lượng crom vượt mức cho phép. Trước vụ bê bối vaccine kém chất lượng gần đây nhất, các bậc phụ huynh đã rất giận dữ. Trên các trang mạng xã hội, họ tuyên bố, từ bây giờ sẽ chỉ cho con tiêm vaccine nhập khẩu.

“Tôi không muốn con mình tiêm bất kỳ loại vaccine nào, nhưng nếu chưa tiêm phòng bé sẽ không được nhận vào trường mầm non. Tuy nhiên, với tình trạng vaccine lậu như vậy, tôi thà để con không đi mẫu giáo còn hơn” - một phụ huynh bức xúc viết.

Trong khi đó, một người khác phẫn nộ: “24 tỉnh, thành phố, trong 5 năm, vô số trẻ em đã tiêm! Gần 1 năm vụ việc mới được tiết lộ. Không còn từ ngữ nào có thể diễn tả sự tức giận của tôi lúc này”.

Theo tờ Time, mặc dù Trung Quốc có quy định chặt chẽ đối với việc lưu trữ và mua bán vaccine, nhưng tình trạng quan liêu và thiếu biện pháp thực thi đã khiến nhiều cơ sở chăm sóc sức khỏe trở thành nguồn cung cấp vaccine lậu.

Trước phản ứng từ người dân, Sở Quản lý thực phẩm và dược phẩm tỉnh Sơn Đông nhấn mạnh rằng: “sẽ điều tra cẩn thận tất cả các manh mối trong vụ này và xử lý nghiêm khắc những người vi phạm”. 

Trong khi đó, văn phòng Tổ chức Y tế thế giới ở Trung Quốc cho biết trong một bản tuyên bố rằng, tổ chức này đang chờ đợi kết quả điều tra từ chính quyền, đồng thời lưu ý các vaccine hết hạn hay không được lưu trữ hợp lý rất ít nguy cơ dẫn tới phản ứng độc hại. Tổ chức  này vẫn khuyến khích cha mẹ nên tiếp tục bảo vệ sức khỏe cho con em mình thông qua tiêm phòng.