Dân tiếc thương người cứu trợ quên thân

ANTĐ - Một người chồng mẫu mực, một người cha cần mẫn, một người cán bộ hết lòng vì công việc là những gì người thân, bạn bè, đồng nghiệp nhận xét về Phó giám đốc Sở Công Thương Nghệ An Nguyễn Tài Dũng (SN 1962). Khi hay tin ông Dũng mất, nhiều người đã rơi nước mắt tiếc thương cho sự ra đi vì dân của một người cán bộ gương mẫu. Đám tang của ông diễn ra khi chiều muộn dưới cơn mưa tầm tã ở mảnh đất Thanh Chương nhưng hàng trăm người dân, bạn bè vẫn đến tiễn đưa ông về với đất mẹ. 

Đám tang lúc chiều muộn dưới cơn mưa của vị Phó Giám đốc hy sinh vì dân

Người cán bộ gương mẫu, nhiệt tình

Ông Nguyễn Tài Dũng sinh ra trong một gia đình gia giáo ở xóm 4, xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, bố là liệt sĩ Nguyễn Tài Chất. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông Dũng đã ra Hà Nội tìm đến nhà bác ruột là Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn để nhờ bác tìm giúp việc làm. Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã khuyên cháu tiếp tục ôn thi đại học, ông Dũng nghe theo và thi đỗ vào khoa Ngoại ngữ của Trường Đại học Công đoàn Hà Nội vào năm 1988. Cũng trong năm này ông được cử đi du học Đại học công đoàn Liên Xô, khoa Kinh tế. Năm 1992, ông tốt nghiệp trở về quê, tiếp đó ông học tiếp hai bằng đại học tại Học viện Quan hệ lao động, Liên bang Nga.

Năm 2008, ông Dũng được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An. Suốt quá trình công tác, ông Dũng luôn nhận được sự tín nhiệm của đồng nghiệp, cấp trên. Trong công việc, ông Dũng là người rất nghiêm túc và chỉn chu thì ngoài cuộc sống thường nhật ông lại là người rất tình cảm và quan tâm đến anh em, đồng nghiệp. Tất cả những điều này được thể hiện qua bài thơ cuối cùng mà ông Dũng viết trên trang cá nhân của mình: “Cảm ơn đời mỗi sáng mai thức dậy/ Là tiếng cháu khóc nhè và tiếng vợ à ơi/ Cảm ơn người cho ta nghị lực/ Để vươn lên trong cuộc vơi đầy/ Ước gì trời đất ấm lên/ Để cho con cháu say men đất trời”.

Vợ chồng ông Nguyễn Tài Dũng và bà Phạm Thị Hà có hai người con là Nguyễn Tài Vinh đã lập gia đình và sống ở Hà Nội, con thứ hai là Nguyễn Tài Tuấn đang là sinh viên năm thứ 2 học ở Hà Nội. “Suốt mấy chục năm làm vợ anh ấy, tôi chưa bao giờ bị anh chửi mắng hay nặng lời một câu nào cả. Anh ấy cũng rất tâm lý, chiều vợ con hết mức” - bà Phạm Thị Hà nói trong nước mắt tiễn đưa chồng.

Nhiều người rơi nước mắt tiếc thương cho sự ra đi của người cán bộ gương mẫu

Nghẹn ngào đưa tiễn

Sau khi chiếc quan tài của ông Dũng được đưa về quê nhà ở xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, Nghệ An, hàng trăm người đã tới để đưa tiễn. Nhiều người là hàng xóm của gia đình ông Dũng ở đường Hồng Bàng, TP. Vinh cũng gác hết mọi công việc để về thắp nén hương tiễn biệt. Chị Nguyễn Thị Tâm, một người hàng xóm chia sẻ: “Chú ấy tốt lắm, dù bận rộn trăm công nghìn việc nhưng bao giờ chú ấy cũng dành thời gian tham gia hoạt động ở phường. Nhiều phong trào, hoạt động như ủng hộ người dân vũng lũ hàng năm chú ấy đều đi tiên phong và vận động mọi người tham gia”. 

Được biết, trước khi lên đường ra vùng rốn lũ với bà con, ông Dũng đang bị đau mắt đỏ và bà Hà đã khuyên chồng xin nghỉ làm để ở nhà chữa bệnh nhưng ông từ chối. Liên tục ngất lên, ngất xuống bên linh cữu của người chồng xấu số, những tiếng than trời như vắt kiệt sức lực và nỗi đau đớn tột độ của người đàn bà mất chồng. “Hôm ấy, anh đi làm trong khi vẫn còn đau mắt đỏ, em đã bảo anh xin nghỉ nhưng anh bảo giờ đây hàng trăm người dân đang khổ sở vì mưa lũ thì anh đau mắt có là gì. Bây giờ, anh chỉ muốn làm sao để cứu hộ, giúp đỡ người dân…” - bà Hà nghẹn ngào.

Những giọt nước mắt lại rơi vì không kìm nén hiện trên khuôn mặt của tất cả mọi người có mặt trong tang lễ. Ông Phạm Hoài Đức, Trưởng phòng Kế hoạch Sở Công Thương Nghệ An nghẹn ngào: “Nghe tin anh mất, chúng tôi thật sự rất bàng hoàng, không ai dám tin đó là sự thật. Bình thường anh rất thương yêu và giúp đỡ cấp dưới, mọi người đều quý mến anh. Nay anh đi rồi, chúng tôi đã mất đi một người anh, một người thầy trong công việc và cuộc sống”. 

Tiếng người vợ khóc chồng, con khóc cha khiến mọi người không ai kìm được nước mắt. Không ai bảo ai nhưng từ sâu thẳm trong trái tim của mỗi người, vị lãnh đạo kiên trường ngày nào đã trở thành một anh hùng, một biểu tượng giữa cuộc sống bộn bề lo toan. Người dân xứ Nghệ nói riêng và người dân cả nước sẽ ghi nhớ hình ảnh một người lãnh đạo không ngại khó khăn gian khổ đã dấn thân mình vào nơi nguy hiểm để giúp đỡ những người dân trong cơn hoạn nạn.

Đề xuất công nhận liệt sỹ 

Ông Nguyễn Bằng Toàn, Phó GĐ Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cho biết, Sở sẽ xác minh nguyên nhân, địa điểm, thời gian tử nạn của Phó GĐ Sở Công Thương, nếu thấy đủ điều kiện, sẽ hướng dẫn gia đình và cơ quan liên quan làm hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ với ông Nguyễn Tài Dũng. Tuy nhiên, đây chỉ là đề nghị xem xét công nhận, sau đó Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh và UBND tỉnh sẽ gửi hồ sơ đề nghị lên Trung ương.