Đan Phượng có thể trở thành trung tâm nghỉ dưỡng của Hà Nội?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 17/4, Huyện ủy, UBND huyện Đan Phượng đã tổ chức Lễ đón nhận quyết định và công bố điểm du lịch xã Hạ Mỗ cùng Khu sinh thái Đan Phượng là điểm du lịch cấp thành phố. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn liền với phát triển du lịch, từng bước xây dựng xã Hạ Mỗ, Khu sinh thái Đan Phượng trở thành điểm đến không thể bỏ qua của Hà Nội...đang là kỳ vọng của chính quyền và người dân nơi này.

Mảnh đất "địa linh nhân kiệt"

Đan Phượng nằm ở phía Tây của Hà Nội, chỉ cách trung tâm thành phố chưa đầy 20km. Địa danh từ lâu đã nổi tiếng là mảnh đất địa linh sinh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử và giàu cả truyền thống văn hóa. Đây chính là nơi sản sinh ra nhiều loại hình văn hóa dân gian độc đáo như chèo tàu, ca trù, sáo diều...Cùng với hệ thống các di sản văn hóa phi vật thể, Đan Phượng cũng nổi tiếng với một hệ thống di tích lịch sử nghệ thuật kiến trúc, tín ngưỡng tâm linh dày đặc. Cũng không phải vô duyên vô cớ khi nhắc đến Đan Phượng người ta lại nhớ đến bài hát "Hà Tây quê lụa" của tác giả Nhật Lai "Đan Phượng ơi quê hương người gái đảm, đồng hợp tác xanh tươi cấy cày thẳng tắp, anh phi công bàng hoàng ngỡ mình bay trên gấm vóc...". Và bây giờ, tất cả những "gấm vóc" đang được tận dụng mọi nguồn lực, chuyển dịch cơ cấu, trở thành một trong những điểm du lịch mới của Thủ đô.

Ngày 17/4, Huyện ủy, UBND huyện Đan Phượng đã tổ chức Lễ đón nhận quyết định và công bố điểm du lịch xã Hạ Mỗ cùng Khu sinh thái Đan Phượng là điểm du lịch cấp thành phố. Tới dự có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu; Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản cùng nhiều đại diện lãnh đạo các ban ngành Hà Nội.

Ngày 17/4, Huyện ủy, UBND huyện Đan Phượng đã tổ chức Lễ đón nhận quyết định và công bố điểm du lịch xã Hạ Mỗ cùng Khu sinh thái Đan Phượng là điểm du lịch cấp thành phố. Tới dự có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu; Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản cùng nhiều đại diện lãnh đạo các ban ngành Hà Nội.

Phát biểu trong cuộc tọa đàm "Liên kết hợp tác phát triển du lịch huyện Đan Phượng", Bí thư huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, hiện tại lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND rất cầu thị, muốn lắng nghe tất cả các ý kiến từ phía cơ quan quản lý về du lịch, các doanh nghiệp lữ hành và cả sự phản biện của báo chí để có thể xây dựng các sản phẩm tốt nhất, các tour tuyến và kết nối giữa các địa phương. Đặc biệt là tour kết nối giữa nội thành Hà Nội và ngoại thành trong đó có Đan Phượng.

Chỉ ra những lợi thế của địa phương, ông Trần Đức Hải nhấn mạnh, Đan Phượng hiện có 150 di tích có giá trị lịch sử nghệ thuật kiến trúc...Hoàn toàn có thể xây dựng một tour kết nối các điểm di tích này. Ẩm thực Đan Phượng cũng nổi tiếng từ lâu với nem Phùng hay là bưởi tôm vàng. Tổng diện tích trồng loại bưởi đặc biệt này là khoảng 500 ha. Đáng chú ý, Đan Phượng cũng có khoảng 500 ha trồng nhiều loại hoa. Đây là một trong những mô hình đáng quan tâm bởi hoàn toàn có thể trở thành các điểm "check in" thú vị.

Bên cạnh đó, Bí thư Huyện ủy Trần Đức Hải cũng đưa ra ý tưởng xây dựng các tour trải nghiệm nông nghiệp- thế mạnh của Đan Phượng.

Biến Đan Phượng thành trung tâm nghỉ dưỡng của Hà Nội, tại sao không?

Theo bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, du lịch tập trung vào 4 yếu tố: Ăn, Chơi, Ở và Di chuyển. Hiện tại điểm yếu của Đan Phượng là chưa có khách sạn đủ quy mô chính vì thế, hoàn toàn có thể đầu tư, biến nơi này thành địa điểm nghỉ dưỡng. Tức là khách đến thăm phố cổ Hà Nội, và nghỉ ngơi ở Đan Phượng. Bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh tính khả thi của ý tưởng.

Du lịch trải nghiệm nông nghiệp cũng là xu hướng khá phát triển hiện nay. Chính quyền huyện Đan Phượng dự kiến sẽ dành bao nhiêu % quỹ đất để đầu tư, xây dựng sản phẩm này. "Cái gì có thì bày ra hết đi, nếu thấy mọi thứ được rồi thì làm ngay. Chưa được thì cần có lộ trình"- bà Đặng Hương Giang nói.

Đình Vạn Xuân với kiến trúc hành cung độc đáo

Đình Vạn Xuân với kiến trúc hành cung độc đáo

Cùng tham gia "hiến kế" cho Đan Phượng còn có rất nhiều các doanh nghiệp lữ hành. Các ý kiến hầu hết đều khẳng định, Đan Phượng có rất nhiều tiềm năng. Ví dụ, về ẩm thực Bình Định nổi tiếng với rượu Bàu Đá, nem Chợ Huyện thì Đan Phượng cũng không kém khi có rượu Hạ Mỗ, nem Phùng. Vấn đề là quảng bá thương hiệu thế nào. Khu sinh thái Đan Phượng (The Phoenix Garden) có thể trở thành phim trường, chụp ảnh... như một số khu sinh thái đã đầu tư và có doanh thu khá tốt.

Ông Nguyễn Tuấn Anh (Ánh Dương tour) thì nhận định, Đan Phượng tiềm năng có thể hình thành các tour du lịch 1 ngày cũng tour du lịch học đường. Ông Tạ Hữu Chiến, Giám đốc Công ty Du lịch Sun Vina Travel lại đưa ra ý tưởng hãy quảng bá hơn nữa đây là điểm đến của Xứ Đoài, chứ xưa nay nhắc đến Xứ Đoài người ta chỉ biết mỗi Sơn Tây hay Ba Vì. Tận dụng lợi thế, đây là nơi khởi nguồn của sông Nhuệ, và còn có cả sông Hồng, sông Đáy chảy qua thì tại sao không làm tour du lịch sông, hay tour chợ nổi. Như thế sẽ là điểm nhấn, hấp dẫn du khách.

Có nhiều duyên nợ với Đan Phượng, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietsense đưa ra nhận định: Mặc dù Đan Phượng có nhiều tiềm năng, nhưng sản phẩm thực sự đặc sắc thì chưa có nên cơ bản khó trong quá trình lựa chọn sản phẩm, đối tượng khách hàng mục tiêu, căn cứ trên tài nguyên sẵn có mới có thể khớp được nhu cầu của khách.

Ông Nguyễn Văn Tài khẳng định, đối tượng khách hàng phù hợp nhất trong giai đoạn 5 năm tới là dịch vụ du lịch ngày. Trong đó, một là người dân sống trong khu vực nội thành và người dân các tỉnh lân cận. Làm du lịch lẻ, du lịch mở, phát triển hệ thống cung cấp ẩm thực với dịch vụ có chất lượng. Khách nội thành tới ăn trưa, ăn tối, hoặc phù hợp tổ chức tiệc nhỏ cho doanh nghiệp thì hoàn toàn khả thi.

Chùa Giác Hải với hệ thống tượng Phật thời Lê được đánh giá đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc

Chùa Giác Hải với hệ thống tượng Phật thời Lê được đánh giá đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc

Điểm khác biệt nữa của Đan Phượng là rất khó để hình thành một tour thuần túy, nếu cứ vẽ ra thì không khả thi. Chính vì thế phải nhìn nhận thẳng thắn, đây là một điểm, không phải một tuyến. Muốn điểm du lịch phát triển được thì về bản chất là nguồn khách phải là lặp đi lặp lại. Không thể kỳ vọng có số lượng đối tượng khách mới khổng lồ và bài toán là phải giữ được lượng khách nguồn, sử dụng dịch vụ liên tục. Nếu tính 4 triệu khách hàng trong khu vực nội đô, lặp đi lặp lại 1 tháng 2 lần vào dịp cuối tuần tới Đan Phượng thưởng thức các món ăn phù hợp là đã rất được rồi. Đó là giai đoạn 1.

Giai đoạn thứ 2 theo ông Nguyễn Văn Tài là khoảng 5-10 năm sau. Thực tế, muốn phát triển các khu resort thì phải có những "gã khổng lồ", nếu thực sự có những nhà đầu tư lớn đủ tiềm lực xây dựng một khu resort vui chơi giải trí tổng thể, cả nghĩ dưỡng, vui chơi, check in như các mô hình mà Sun Group hay Vin Group đang làm ở một số địa phương sẽ biến Đan Phượng thành điểm du lịch mới của Hà Nội. Đây là chiến lược dài hạn, tối thiểu 10 năm nữa mới khả thi.

Huớng cuối cùng, về bản chất điểm du lịch nào cũng cần truyền thông, nhưng truyền thông như thế nào để phù hợp nguồn lực thì cũng phải tính toán. Nếu có 1-2 triệu đô la mà tung ra thì cũng chả thấm vào đâu. Bởi vậy, cần lựa chọn, tận dụng mạng xã hội. Khuyến khích người dân tích cực quảng bá đặc sản của chính họ.