Dân phố cổ hoang mang... đi hay ở!

ANTĐ - Đề án giãn dân phố cổ Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 mật độ dân cư phố cổ giảm từ 820 người/ha xuống còn 500 người/ha. Trong đó, khoảng 6.550 hộ với khoảng 26.200 nhân khẩu sẽ phải di dời. Nghe nói về đề án này, dân phố cổ trăn trở lắm chuyện đi hay ở.
Cuộc sống trong những “ngôi nhà hộp diêm”
Nhà ông Hoàng Văn Xuân (51 tuổi) ở số 44 Hàng Buồm được dân phố cổ mệnh danh là nhỏ nhất Hà Nội. Căn nhà có chiều dài 2,7m, rộng 1,9m và cao 1,2m. Mọi sinh hoạt của anh Xuân và con trai vỏn vẹn trong “ngôi nhà hộp diêm” này. Ông Xuân tâm sự: “Ở trong nhà mặc áo còn được, chứ mặc quần thì phải ngả người ra”.

Dân phố cổ hoang mang... đi hay ở! ảnh 1
Ngôi nhà chật chội của bố con ông Xuân


Đang tuổi ăn, tuổi lớn mà Thủy, 16 tuổi, con trai ông Xuân, cứ phải co ro người vì sợ đầu đụng trần nhà. Để học bài Thủy “cắm đầu” vào tủ sách và ngồi quay lưng lại với cái TV bố đang mở. Ông Xuân cho biết, Thủy chẳng bao giờ mời bạn về nhà chơi, phần vì xấu hổ, phần vì có mời bạn đến, cũng không có chỗ mà ngồi. “Lúc nhà có khách, cháu Thủy chỉ dám đứng ngoài. Vì vào nhà thì khách biết ngồi ở đâu. Hai cha con tôi đi ra đi vào còn phải len chân chỗ đâu mà tiếp khách!”, ông Xuân thở dài.

Dân phố cổ hoang mang... đi hay ở! ảnh 2
Lối lên nhà ông Xuân 


Cảnh sống của gia đình chị Nguyễn Thị Phượng ở Hàng Giầy, cũng chả khá hơn là bao. Nhà có diện tích 15m2 mà có tới 5 người ở. Ngủ trên gác, đêm muốn đi vệ sinh phải xuống dưới tầng. Nấu ăn ở ngay lối đi, ai muốn vào nhà phải đi len qua bếp. Cơm nấu xong bê lên tầng trên, ăn xong lại bê xuống tầng dưới rửa. Nhiều lúc vì chật chội, có việc gấp phải đi ra ngoài, không thể chờ đợi được mà mọi người sinh ra cáu bẳn nhau. Hàng xóm cũng vì thế mà nhiều lúc không mấy hài lòng, đi ra đi vào nhìn nhau cũng mặt mặt nặng mày nhẹ. Mùa đông thì còn đỡ chứ mùa hè thì ngột ngạt và rất nóng bức... Nhiều lúc tưởng chừng như ngạt thở trong chính căn nhà của mình”. 

Cụ Lê Duy Danh (80 tuổi) ở Hàng Buồm có 7 người con. Căn hộ có diện tích hơn 30m2, là nơi sinh sống của 20 con người, thuộc 3 thế hệ trong gia đình cụ. Sống chật vật trong ngôi nhà, nhưng nhờ buôn bán gia đình cụ cũng sống khá đầy đủ về vật chất.

Nỗi lòng dân phố cổ

Mặc dù cuộc sống ngột ngạt và chật vật như vậy nhưng đa số người dân phố cổ đều lưỡng lự khi nói đến chuyện dời đến nơi ở mới. Phố cổ là nơi đông dân, chật chội nhưng lại là nơi buôn bán sầm uất nhất ở Hà Nội. Nơi đây, gần các trung tâm thương mại, giải trí, gần trung tâm thành phố, dịch vụ phát triển, dân phố cổ đi đâu cũng dễ, làm gì cũng tiện. Phố cổ hàng năm thu hút hàng trăm ngàn lượt khách du lịch. Dân phố cổ buôn thúng, bán nia cũng có của ăn, của để, từ những cửa hàng lớn đến những quán nhỏ chỉ một mét đất.

Chị Nguyễn Thị Phượng ở Hàng Giầy băn khoăn: "Nếu phải giãn dân, tôi cũng bằng lòng. Nhưng quan trọng là cách thức như thế nào, nhà nước hỗ trợ ra sao. Cho căn hộ mới là tốt nhưng phải đóng thêm tiền thì tôi chịu. Với lại chuyển qua nơi ở mới thì làm việc gì để sống, cơm đâu ăn ngày 2 bữa. Ở đây, tôi bán cốc nước chè cũng lo được tiền ăn nên không muốn chuyển".

Dân phố cổ hoang mang... đi hay ở! ảnh 3
Ngõ nhỏ là nơi đi lại của hàng chục hộ gia đình
Anh Vũ Mạnh Dũng sống ở Hàng Gà có một cửa hàng thời trang tọa lạc ngay ở ngã tư phố thì cho rằng dân phố cổ chẳng ai muốn chuyển đi. “Di dân thì phải đến nơi có cuộc sống tốt đẹp hơn nếu không thì người ta cũng quay về. Đến nơi ở mới không có thu nhập thì lấy gì mà sống?”.

Cô Hạnh ở Hàng Mã chia sẻ: “Đề án phải cho dân biết kế hoạch rõ ràng, ăn gì, làm gì, ở thế nào thì dân mới nghe. Đây là mảnh đất máu thịt, là miếng cơm, manh áo của chúng tôi. Tôi chỉ đi khi biết nơi ở mới không khổ hơn ở phố cổ”.

Rất đông người dân phố cổ là người gốc Hà thành. Với họ, phố cổ không chỉ là nơi sinh sống đơn thuần, là nơi kiếm kế sinh nhai mà còn là “nơi chôn rau cắt rốn”, phải “dứt áo ra đi” họ không đành.

Cụ Lê Duy Danh năm nay hơn 80 tuổi. Phố cổ đã trở thành một phần trong tâm hồn của cụ. Khi nói đến chuyện giãn dân, cụ Danh đôi mắt xa xăm, giọng xúc động: “Ở đây quen hơi bén tiếng rồi. Bao nhiêu nét đẹp, nỗi đau thương của mảnh đất này tôi đã từng chứng kiến. Tôi lớn tuổi nên muốn ở đâu an đấy, khổ cũng quen rồi. Nhà nước khuyến khích đi, tôi sẽ đi, nhưng xa mảnh đất cha ông thì lòng tôi day dứt lắm”.

Tâm nguyện của người dân phố cổ là thế. Họ mong lắm một đề án thuận lòng dân, một đề án có thể bù đắp cho họ cả những giá trị vật chất và cả tinh thần nữa.