Đàn lợn thoát khỏi dịch tả lợn Châu Phi một cách thần kì, nghi do ăn bã rượu

ANTD.VN - Đàn lợn của bà Nguyễn Thị Nhung (xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) bị phát hiện mang dịch tả lợn Châu Phi. Trong thời gian chờ tiêu hủy, bà Nhung cho đàn lợn của mình ăn bã rượu thừa thì chúng bất ngờ khỏe lại và âm tính với các kết quả xét nghiệm trước đó.

Đàn lợn sắp bị tiêu hủy khỏe lại sau khi ăn bã rượu và hun khói

Cuối tháng 7-2019, bà Nhung có đàn lợn gồm 54 con, trong đó, có 15 con được nuôi trực tiếp tại chuồng trong nhà. Phát hiện lợn bị bệnh, cơ quan chức năng của địa phương đã tiến hành đến lấy mẫu xét nghiệm và đưa ra kết quả đàn lợn nhiễm dương tính với dịch tả lợn Châu Phi.

Đàn lợn của bà Nhung được cho ăn bã rượu

Ngoài chăn nuôi lợn, nhà bà Nhung còn nấu rượu để bán. Trong thời gian chờ đợi tiêu hủy số lợn bị bệnh thì bà đã dùng bã rượu của chính gia đình cho lợn ăn. Bà cũng tranh thủ dọn dẹp lại chuồng trại cho sạch sẽ và hun khói bằng mùn cưa. Thấy đàn lợn có dấu hiệu khỏe lại bà Nhung liền viết đơn xin giữ lại đàn lợn để theo dõi.

Đàn lợn có dấu hiệu khỏe lại- ảnh Thanh Chương

Theo Dân Trí, giữa tháng 8 cơ quan chức năng của huyện Thống Nhất trở lại nhà bà Nhung lấy mẫu xét nghiệm mới cho đàn lợn thì phát hiện đàn lợn đã hoàn toàn khỏi bệnh. Kết quả xét nghiệm ngày 17-8 vừa qua cho thấy đàn lợn 15 con có kết quả âm tính với virut dịch tả lợn Châu Phi.

Đàn lợn của bà Nhung thoát khỏi dịch bệnh tả lợn Châu Phi được các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai xác nhận là hoàn toàn đúng sự thật. Hiện tại, toàn bộ số lợn này vẫn đang được theo dõi thêm.

Thử nghiệm nuôi thêm 20 con lợn bệnh, tìm giải pháp

Việc đàn lợn đang chuẩn bị được đưa đi tiêu hủy do nhiễm bệnh lại khỏi bệnh thần kỳ nhờ bã rượu khiến các cơ quan chức năng không khỏi ngạc nhiên và đặt nhiều giả thuyết. Nếu phương pháp điều trị này thành công thì là một bước tiến lớn giúp người chăn nuôi đối mặt với dịch bệnh tả lợn Châu Phi.

Bà Nhung được chính quyền vận động nuôi thêm 20 con lợn nhiễm dương tính với virut tả lợn. Bà Nhung tiếp tục thun khói chuồng trại bằng mùn cưa và sử dụng bã rượu để nấu cám cho đàn lợn mới này ăn. Đến thời điểm hiện tại, chưa thấy đàn lợn có diễn biến xấu. Đến ngày 21/8, chưa có bất kì con lợn nào chết hay tình hình bệnh xấu đi.

Các cơ quan chức năng đang theo sát diễn biến của dịch bệnh

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thống Nhất đang thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến của đàn heo tại hộ bà Nhung và báo cáo cho Ủy ban nhân dân huyện để có chỉ đạo kịp thời.

Một số cách phòng tránh dịch tả lợn Châu Phi

Vì chưa có bất cứ loại vắc xin nào phòng và điều trị được bệnh tả lợn Châu Phi nên người chăn nuôi chỉ có thể áp dụng một số biện pháp nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh cho vật nuôi của mình.

Người dân cần thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Đây được xem là giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất và quan trọng nhất. Chuồng trại cần thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc. Sau khi giết mổ lợn, tất cả các dụng cụ cần được khử trùng để tránh việc mầm bệnh có thể lây lan.

Chính quyền và các cơ quan chuyên môn cần tổ chức thực hiện ngay các biện pháp xử lý ổ dịch, các biện pháp phòng, chống theo đúng quy định của Luật Thú y và các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật; đặc biệt phải dừng việc vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn, kể cả sản phẩm đã qua chế biến chín từ nơi đã có lợn, sản phẩm lợn được xác định dương tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Dù đàn lợn của bà Nhung đã được chữa khỏi song người chăn nuôi cũng chưa nên làm theo cách đó. Bởi chưa tìm được nguyên nhân cũng như lí giải được vì sao đàn lợn lại khỏi bệnh một cách thần kì như vậy. 

Để tránh dịch tả bùng phát trở lại thì việc đầu tiên và ưu tiên hàng đầu chính là thực nghiêm ngặt các quy định về an toàn trong chăn nuôi.