Dẫn giải phạm nhân ở trại tạm giam: Đối xử với nhau bằng tình người

ANTD.VN - Công tác dẫn giải phạm nhân luôn thường trực những tình huống bất trắc. Tuy nhiên, những cán bộ chiến sĩ đảm nhận phần việc này lại phải giữ bình tĩnh và xử trí phù hợp với từng hoàn cảnh.

Công tác dẫn giải phạm nhân luôn thường trực những tình huống bất trắc

Đội Cảnh sát bảo vệ (CSBV) của Trại tạm giam số 2 (CATP Hà Nội) là một lực lượng chuyên trách, đảm nhận việc áp giải can phạm đến các phiên tòa xét xử hoặc đưa phạm nhân đi thi hành án. Mỗi năm, các cán bộ chiến sỹ ở đây phải đảm bảo an toàn cho hàng nghìn chuyến đi với hàng chục nghìn can phạm. Có rất nhiều câu chuyện khó tin mà họ từng trải qua khi thực hiện nhiệm vụ và phần nhiều trong số đó chẳng trường lớp nào đào tạo được...

Những tình huống tế nhị

Khi được hỏi về những câu chuyện đáng nhớ trong quãng thời gian làm việc của mình, Trung tá Đỗ Quang Bính - Đội trưởng Đội CSBV, Trại tạm giam số 2 bảo, nếu bây giờ ngồi tổng hợp lại tất cả những tình huống mà anh em trong Đội đã trải qua, chắc có thể viết thành cuốn sách dày. Mỗi người một kho chuyện, tích lũy từ năm này sang năm khác, chuyện này chưa xong thì chuyện khác đã chồng lên. Tới mức ai cũng chỉ có thể nhớ mang máng nội dung chứ chi tiết, cụ thể về ngày tháng thì... chịu.

Nào là can phạm chống đối không chịu lên xe ra tòa, nào là phá phách bất hợp tác khi bị cưỡng chế trước hội đồng xét xử, nào là viện cớ bệnh nọ tật kia, nào là thông đồng cùng người nhà để tuồn những vật cấm khi được gặp gỡ... Tuy nhiên, đấy mới chỉ là chuyện nhỏ. Còn đủ thứ chuyện oái oăm khác mà các cán bộ chiến sĩ Đội CSBV  từng đối mặt.

“Dù là can phạm thật, nhưng khi người ta đã ngấp nghé ngưỡng cửa tử thần mà không có người thân bên cạnh thì mình cũng thấy xót xa. Lúc ấy chẳng còn nghĩ gì đến ranh giới giữa tội phạm và công an nữa mà chỉ còn biết đối xử với nhau bằng tình người mà thôi”.

Nhiều năm nay, Trung tá Đỗ Quang Bính đã xin cấp trên cho Đội được bổ sung nữ chiến sĩ cho phù hợp với nhiệm vụ dẫn giải can phạm là nữ khi ra tòa. Nhưng khốn nỗi cán bộ nữ thì hiếm, thế nên mỗi khi nhìn danh sách phạm nhân mà có đối tượng nữ thì ai cũng lo... thiếu người. Cách đây không lâu, cũng chính Trung tá Đỗ Quang Bính đã phải dẫn giải một đối tượng nữ phục vụ phiên tòa xét xử lưu động tại quận Hoàng Mai. Đối tượng này phạm tội liên quan đến ma túy nên cáo trạng truy tố ở mức khá nặng. Thế nên, có lẽ do quá lo sợ nên khi phiên tọa mới chỉ ở phần kiểm tra nhân thân thì đối tượng đã lăn ra... ngất.

Tình huống lúc ấy khá bất ngờ, phiên tòa được tạm dừng để các chiến sĩ làm công tác sơ cứu cho can phạm. Ngay lập tức Trung tá Đỗ Quang Bính liên hệ với UBND phường sở tại đề nghị Trạm y tế phường giúp đỡ chăm sóc y tế cho đối tượng. Rồi cũng chính chiếc xe đặc chủng của tổ công tác lại chở cả bác sĩ và can phạm chạy như bay vào bệnh viện cấp cứu.

Việc dẫn giải đối tượng nữ còn có rất nhiều lý do “khó nói”. Nhiều vụ, can phạm cứ liên tục đòi được đi vệ sinh. Mỗi lần như thế, lực lượng dẫn giải lại phải cử cán bộ vào trong toilet kiểm tra, nhằm đảm bảo chắc chắn thân nhân đối tượng đến dự tòa không “gửi gắm” bất kỳ đồ vật gì vào trong đó. Nếu toilet có ô thông gió thì lại phải cắt cử một cán bộ túc trực ở bên ngoài đề phòng can phạm bỏ trốn. Khi công tác kiểm tra đã xong xuôi thì cán bộ mới được cho can phạm vào “giải quyết nỗi buồn”. 

Chưa hết, về nguyên tắc, can phạm đi đâu thì cảnh sát bảo vệ phải theo sát đến đó. Vậy nên dù có “đi nặng” hay “đi nhẹ” thì cửa nhà vệ sinh phảm đảm bảo luôn mở và cán bộ luôn đứng ở bên ngoài. “Đây là việc vô cùng tế nhị nhưng anh em chẳng biết bày tỏ cùng ai. Có những đối tượng cứ chực hở ra là nhảy từ tầng 2 xuống, thậm chí có kẻ chỉ rình để tự sát nên chúng tôi không kèm chặt không được. Thế nên, dù có phải đứng trong nhà vệ sinh đến nửa giờ, “điếc” cả mũi thì cũng phải chấp nhận” - Trung tá Đỗ Quang Bính nói.

Nhiệm vụ không có trong giáo án

Công tác dẫn giải phạm nhân luôn thường trực những tình huống bất trắc. Tuy nhiên, những người đảm nhận phần việc này lại phải giữ bình tĩnh và xử trí phù hợp với từng hoàn cảnh. Thượng tá Nguyễn Xuân Nam - Phó Giám thị Trại tạm giam số 2 đúc kết bằng nhận xét: “Làm nghề này cán bộ vừa phải cứng rắn, kiên quyết nhưng cũng cần biết mềm dẻo, nhẫn nhịn. Rất nhiều trường hợp khi phiên tòa kết thúc và can phạm bị kết án ở mức cao là lập tức người nhà họ sẽ quay ra trút giận lên đầu cán bộ dẫn giải. Sẽ có đủ lời chửi rủa, hăm dọa, xúc phạm... mà nếu không biết kiềm chế và phản ứng lại là có thể chính cán bộ sẽ vi phạm pháp luật ngay. Do đó, chiến sĩ phải biết xử lý nhưng trên cơ sở đúng quy định, đúng pháp luật”.

Trong thâm tâm Thượng tá Nguyễn Xuân Nam, việc cán bộ chiến sĩ dưới quyền gặp nhiều khó khăn, trở ngại khi dẫn giải can phạm chưa phải là điều ông lo nhất. Mỗi khi can phạm, phạm nhân ốm đau hay đi bệnh viện thì chính Đội CSBV còn phải làm nhiệm vụ đưa đón và trông coi họ. Mà bệnh viện chỉ lo việc điều trị và cấp phát thuốc, với những ca bệnh nặng thì chính lực lượng công an phải đảm nhiệm công việc hộ lý cho phạm nhân. “Rất nhiều can phạm, phạm nhân mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như HIV, lao, gan... Anh em đi theo trông coi chăm sóc chỉ cần sơ sảy là có thể phơi nhiễm bất cứ lúc nào” - Thượng tá Nguyễn Xuân Nam trăn trở.

Trong số những cán bộ chiến sĩ của Đội CSBV thì Trung tá Đỗ Quang Bính cũng đã từng nhiều lần phải đưa can phạm đi bệnh viện. Rất nhiều trường hợp Trung tá Đỗ Quang Bính đã ở bên can phạm ấy đến lúc họ nhắm mắt xuôi tay. Trung tá Đỗ Quang Bính kể, mới đây, hồi tháng 8-2018 trại tiếp nhận can phạm N.A.H. (SN 1981) trú tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội bị bắt vì vận chuyển trái phép chất ma túy.

Khi vào đây thì H. đã nhiễm HIV giai đoạn cuối, sức khỏe rất yếu và mắc đủ thứ bệnh cơ hội. H. vào trại được một ngày thì hôm sau chính cán bộ phải đưa anh ta đi bệnh viện điều trị. Đơn vị liên hệ với người nhà nhưng chẳng ai thèm nhận. Thế nên toàn bộ việc chăm sóc H., cán bộ chiến sĩ của Đội phải làm thay. Hàng ngày từ thay quần áo, đi vệ sinh, anh em chiến sĩ đều phải dìu. Miếng ăn, nước uống cán bộ cũng phải xúc hộ. Đến khi H. yếu quá và đại tiểu tiện tại chỗ thì cũng chỉ có anh em chiến sĩ hàng ngày thay bỉm, cho ăn chứ tuyệt nhiên không có bóng dáng người thân của anh ta.

Do bệnh quá nặng nên độ nửa tháng sau thì H. trút hơi thở cuối cùng và cũng chỉ có anh em chiến sĩ trông nom anh ta là người vuốt mắt. Nhưng H. chết mà vẫn chưa hết, do người nhà chối bỏ nhận xác nên đưa tiễn H. đến bến cuối cuộc đời là Đài hóa thân Hoàn Vũ cũng chỉ có các chiến sĩ trong Đội CSBV.

Còn Đại úy Nguyễn Tuấn Anh - Đội phó Đội CSBV thì nhớ mãi lần gần đây anh cùng đồng đội đưa thi thể đối tượng N.V.S. (SN 1979) về quê nhà ở tỉnh Thái Nguyên. Cũng giống như H., đối tượng S. chết tại bệnh viện vì mắc bệnh tim mạch và chứng xuất huyết não. Nhưng suốt hơn một tháng nằm viện, người nhà không một ai đến chăm sóc. Ngày S. chết, đơn vị liên lạc với chính quyền địa phương và gia đình thì chỉ nhận được câu trả lời từ bố mẹ anh ta: “Gia đình khó khăn quá, thôi thì trăm sự nhờ cán bộ đưa giúp cháu nó về”. Vậy là Trại tạm giam số 2 lại xuất một chuyến xe cùng tổ công tác đưa thi thể S. về quê.

Nhà S. nằm ở một bản nhỏ hẻo lánh mãi cuối chân đồi. Tổ công tác phải lội mấy con suối mới đưa được thi thể anh ta về tới nhà lúc 21h. Rồi cả đêm ấy, do không có nơi thuê trọ nên các chiến sĩ phải nhịn đói nằm co ro trên bàn làm việc của UBND xã ngủ nhờ để đợi trời sáng. Cho tới ngày hôm sau, đến khi cùng gia đình S. lo cho anh ta xong xuôi mọi việc thì cả tổ mới quay lại Hà Nội.

Khi được hỏi về việc liệu có sợ nếu phải chăm sóc các can phạm, phạm nhân bị HIV hoặc các căn bệnh luôn tiềm ẩn nguy cơ phơi nhiễm, thì hầu hết những cán bộ chiến sĩ ở đây đều lắc đầu. Các anh chân tình chia sẻ một suy nghĩ rất nhân văn: “Dù là can phạm thật, nhưng khi người ta đã ngấp nghé ngưỡng cửa tử thần mà không có người thân bên cạnh thì mình cũng thấy xót xa. Lúc ấy chẳng còn nghĩ gì đến ranh giới giữa tội phạm và công an nữa mà chỉ còn biết đối xử với nhau bằng tình người mà thôi”.