Dẫn độ đối tượng vi phạm pháp luật nghiêm trọng phải được quy định rất chặt chẽ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một số nước châu Âu không quy định hình phạt tử hình nên khi xử lý các yêu cầu dẫn độ, họ đề nghị Việt Nam cam kết không tuyên phạt tử hình. Do vậy, nhiều tội phạm đã trốn sang châu Âu hòng thoát án tử…

Theo Bộ Công an, pháp luật hình sự Việt Nam có quy định hình phạt tử hình và không hạn chế việc dẫn độ đối với người có thể sẽ bị kết án tử hình.

Tuy nhiên, một số hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam và các nước có quy định chỉ xem xét yêu cầu dẫn độ nếu Việt Nam cam kết không áp dụng án tử hình hoặc tuyên tử hình nhưng sẽ không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ. Theo đó, nếu không có cam kết về vấn đề này, việc dẫn độ sẽ bị từ chối.

Trong khi đó, một số quốc gia, đặc biệt là một số nước châu Âu không quy định hình phạt tử hình, do đó khi tiến hành xử lý các yêu cầu dẫn độ, các quốc gia này đều đề nghị Việt Nam cam kết không tuyên phạt tử hình hoặc tuyên phạt nhưng không thi hành đối với người phạm tội. Tuy nhiên, vấn đề cam kết không áp dụng án tử hình trong thực hiện tương trợ tư pháp hình sự là một vấn đề rất lớn, phức tạp, chưa được quy định trong Luật Tương trợ tư pháp.

Nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nắm bắt được việc các quốc gia có xu hướng yêu cầu cam kết không áp dụng hình phạt tử hình trong dẫn độ, đã bỏ trốn đến các quốc gia này và hy vọng rằng nếu bị dẫn độ về Việt Nam thì sẽ không bị tử hình. Vì vậy, nếu chính thức luật hóa quy định về việc cam kết không áp dụng hình phạt tử hình trong dẫn độ thì phải được tiến hành thận trọng, chặt chẽ.

Từ phân tích nêu trên, Bộ Công an đề xuất xây dựng Luật Dẫn độ, trong đó cần bổ sung quy định về trình tự, thủ tục, trường hợp, cơ quan, người có thẩm quyền và hình thức đưa ra cam kết không áp dụng hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ và chuyển thành hình phạt tù chung thân nhưng không được giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp Việt Nam là quốc gia yêu cầu;

Căn cứ, trường hợp, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu nước ngoài đưa ra cam kết không áp dụng hoặc áp dụng nhưng không thi hành hình phạt tử hình với người bị yêu cầu dẫn độ trong trường hợp Việt Nam là quốc gia được yêu cầu. Quy trình đưa ra cam kết phải được quy định rất chặt chẽ và chỉ áp dụng trong trường hợp thật cần thiết.

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề bất cập nữa được Bộ Công an chỉ ra là, hiện nay, các điều ước quốc tế về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên có quy định về một số vấn đề mà Luật Tương trợ tư pháp chưa đề cập đến như thủ tục dẫn độ đơn giản, quá cảnh người bị dẫn độ (người bị dẫn độ thường là đối tượng nguy hiểm, cần được áp giải và bảo vệ nghiêm ngặt trong quá trình quá cảnh), mở rộng phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bị dẫn độ (theo đó, sau khi bị dẫn độ về quốc gia yêu cầu, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, phát hiện thêm các tội phạm mà người bị dẫn độ đã thực hiện trên lãnh thổ quốc gia yêu cầu trước khi bỏ trốn sang quốc gia được yêu cầu)…

Tuy nhiên, trong yêu cầu dẫn độ, các quốc gia luôn phải cam kết chỉ truy cứu TNHS người bị dẫn độ về các tội phạm được nêu trong yêu cầu dẫn độ. Do vậy, nếu muốn truy cứu TNHS về các tội phạm mới bị phát hiện, quốc gia yêu cầu sẽ phải lập hồ sơ gửi quốc gia được yêu cầu đề nghị cho phép mở rộng phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự…Do vậy, cần thiết phải hoàn thiện quy trình, thủ tục thực hiện dẫn độ.