“Dân” buôn lậu đủ chiêu lách luật

ANTĐ - Các lực lượng chức năng chống buôn lậu cho biết, hầu hết các đối tượng buôn lậu gia cầm khi bị bắt đều xin xỏ, nếu không được thì tổ chức cướp lại hàng hoặc chửi bới, dọa nạt, ném đá vào lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ.

Pháo lựu đạn bị lực lượng chức năng thu giữ tại Lạng Sơn

“Theo dõi” biên phòng để tuồn gà lậu

Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), ông Nguyễn Tiến Bộ cho biết, tình hình buôn lậu qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp. Thủ đoạn của bọn buôn lậu ngày càng tinh vi, phương thức thay đổi liên tục. Theo ông Nguyễn Tiến Bộ, do địa hình đồi núi Lạng Sơn có độ dốc cao, thời tiết khắc nghiệt dẫn đến việc cơ động của lực lượng chức năng chậm, không kịp thời truy bắt đối tượng vận chuyển hàng lậu, gia cầm lậu, đối tượng vận chuyển ngược qua biên giới Trung Quốc. 

Thượng tá Ninh Văn Hợp, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) cho biết, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu rất tinh vi. Trước khi vận chuyển hàng lậu, nhất là gia cầm, các đối tượng thường bố trí người theo dõi chặt chẽ hoạt động của các lực lượng chức năng. Ban ngày, chúng thường cho người đi canh đường, quan sát tổ mật phục của đơn vị. Có đối tượng giả làm người “đi bẫy chim”, “kiếm củi”. Ban đêm, chúng cho người theo dõi ở khu vực cổng Đồn và Trạm kiểm soát biên phòng Hữu Nghị. Khi vận chuyển gia cầm lậu, chúng thường cho một người gánh xuống trước để thăm dò xem có lực lượng mật phục hay không. Nếu thấy an toàn, đối tượng mới cho từng tốp (khoảng 5 người) gánh gà xuống. 

Thượng tá Ninh Văn Hợp kể: “Khi phát hiện có lực lượng ngăn chặn, chủ đầu nậu dùng điện thoại hoặc hô hoán thông báo cho các đối tượng đi sau. Số gia cầm lậu được gánh quay ngược trở lại bên kia biên giới hoặc tẩu tán giấu vào các bụi cây. Chúng còn đổ gà con khắp nơi nhằm gây khó khăn cho việc thu gom, bắt giữ. Hầu hết các đối tượng khi bị bắt đều xin xỏ, nếu không được thì tổ chức cướp lại hàng hoặc chửi bới, dọa nạt, ném đá vào lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ”.

Thuê cả trẻ em vận chuyển

Dịp cận Tết, trên địa bàn Lạng Sơn, tình hình buôn lậu và vận chuyển trái phép pháo nổ cũng gia tăng. Vì lợi nhuận cao nên các đối tượng không từ một thủ đoạn nào để qua mắt các cơ quan chức năng. Thay vì đi theo các đường mòn xuyên núi qua lối cửa khẩu Tân Thanh, năm nay, các đối tượng buôn lậu chọn các cửa khẩu vùng xa trung tâm như cửa khẩu Pò Mã (huyện Tràng Định) để tuồn vào trong nước số lượng pháo lớn. 

Chỉ trong hơn 3 tháng (từ tháng 7 đến 10-2013), cán bộ, chiến sĩ  Đồn Biên phòng Pò Mã đã thu giữ hơn 700kg pháo lậu, trong đó vụ lớn nhất thu được 558kg pháo lậu. Gần đây nhất, CAH Lộc Bình đã bắt quả tang 3 đối tượng ở tỉnh Bắc Giang có hành vi vận chuyển 102kg pháo về xuôi tiêu thụ. Tại huyện Đồng Đăng, các chủ đầu nậu thường thuê đối tượng vận chuyển là người ngoại tỉnh đi theo các lối mòn sang chợ Lũng Vài (Trung Quốc) mua pháo rồi thuê người vận chuyển qua biên giới.

Thượng tá Ninh Văn Hợp cho biết, các đối tượng buôn lậu thường vận chuyển hàng bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như cất giấu pháo lẫn với các loại hàng hóa, mang vác qua đường mòn biên giới, sau đó, sử dụng các loại phương tiện giao thông để vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Các đối tượng này cũng tranh thủ thời điểm các lực lượng chức năng thay ca trực để thuê cửu vạn là cư dân biên giới xé lẻ hàng hóa, lén lút vận chuyển qua các đường tránh, đường mòn, lối tắt hai bên cánh gà cửa khẩu để tập trung hàng. Một vụ thường có nhiều đối tượng tham gia và luôn thay đổi quy luật, thời gian. 

Trung tá Vũ Huy Phước, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cho biết, để tránh bị khởi tố, đối tượng xé lẻ, chỉ vận chuyển dưới 10 kg pháo, sau đó, thuê trẻ em vận chuyển. Ngoài ra, chủ hàng cho đối tượng khác vận chuyển, trong khi người vận chuyển không biết đó là pháo nên không khởi tố được. Do đó, hàng bắt được thường vô chủ, nên bắt và xử lý đối tượng buôn lậu rất khó khăn.

Hàng loạt biện pháp mạnh đã được các lực lượng chống buôn lậu triển khai để ngăn chặn hàng lậu, gà lậu tuồn vào Việt Nam. Lạng Sơn đã cho xây dựng tường đá và rào dây thép gai ở một số tuyến trọng điểm trên khu vực biên giới, đồng thời, bố trí các chốt chặn 24/24h để chặn các đối tượng buôn lậu. Dù vậy, nói như ông Nguyễn Tiến Bộ, để giảm sức ép ở biên giới, cần tăng cường kiểm tra trong nội địa, đặc biệt là quản lý, kiểm soát chặt chẽ các khu chợ đầu mối, để hàng lậu không còn đất sống.