Dân “bơ phờ” di tản vì sạt lở đất

ANTĐ - Mưa lũ ở thượng nguồn cộng với việc xã lũ của các thủy điện trên địa bàn tỉnh TT- Huế trong 2 ngày 5 và 6-11, khiến vùng hạ du ngập nặng, nhiều khu vực trên sông Hương bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa tính mạng và tài sản hàng trăm hộ dân.
Dân “bơ phờ” di tản vì sạt lở đất ảnh 1
Sạt lở vẫn tiếp diễn nghiêm trọng trong khi lãnh đạo xã vắng mặt để người dân “bơ vơ”
Sáng 6-11, chúng tôi có mặt tại thôn Long Hồ Thượng, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà chứng kiến cảnh bà con đang tất bật di chuyển đồ đạt chống chọi với nạn sạt lở.

Xã Hương Hồ là địa phương có điểm sạt lở nặng nhất với chiều dài hơn 40m, bề ngang khoảng 20m tính từ mép sông Hương vào. Trong tổng số 500 hộ dân của xã Hương Hồ, thì có đến 100 hộ sinh sống ở bên bờ sông Hương. Trong đó, gần 10 hộ dân ở khu vực bến đá bị sạt lở nặng, ăn vào sát mép làm nhà bị nứt do sụt lún.

Sạt lở ở thôn Long Hồ Thượng, xã Hương Hồ

Đến trưa 6-11, hàng chục hộ dân phải di dời bàn ghế, giường tủ cùng những tài sản có giá trị đi nơi khác, tránh bờ sông lở sẽ “nuốt chửng.” Bà Hoàng Thị Ca, một hộ dân Hương Hồ cho biết: “Từ sáng 6-11 đến trưa cùng ngày, gần 20m đất ven bờ sông Hương trước mặt nhà tui đã đổ ùm xuống sông. Giờ điểm sạt lở chỉ cách nhà non 3m, cả gia đình lo lắm, đêm nay không biết đi đâu mà ở nữa”.

Ông Hồ Văn Thành- Phó thôn Long Hồ Thượng cho biết: “Mặc dù đoạn sông này đã có làm kè, rọ đá từ trước nhưng do nước thượng nguồn đổ về nhiều cộng với việc trong thời gian qua khu vực sông này bị lấy cát một cách ồ ạt, làm dòng chảy thay đổi nên sạt lở càng nặng. Hiện tại, người dân di dời tài sản lên khu vực an toàn.”

Người dân khẩn trương di  dời đồ đạt, tài sản “chạy” sạt lở

Mặc dù tình trạng sạt lở tại thôn Long Hồ Thượng diễn biến rất phức tạp, có nguy cơ “nuốt” hàng trăm ngôi nhà dân hai bên bờ sông Hương, đoạn qua Bến Đá. Thế nhưng, theo người dân ở đây phản ánh, đến trưa cùng ngày 6-11, họ vẫn không thể liên lạc với lãnh đạo xã nhằm có sự chỉ đạo, hỗ trợ về phương án di dời.

Trước đó, trong ngày 5-11, người dân ở Thừa Thiên – Huế bất ngờ hứng chịu một cơn lũ lớn. Do mưa to ở thượng nguồn, lượng mưa đo được ở các huyện miền núi cực lớn trên 500mm, có nơi đến 680mm, khiến mực nước ở các sông, suối dâng cao, kết hợp với độ dốc của vùng đồi chảy xiết.

Người dân huy động ghe thuyền để làm phương tiện đi lại giao thông

Trong khi đó ở khu vực đồng bằng, mặc dù trời nắng ráo, không mưa nhưng mực nước ở các sông dâng cao một cách bất ngờ, làm nhiều tuyến đường ở thành phố chìm trong biển nước, đặc biệt là các tuyến đường ven sông. Trong đó có phố cổ Bao Vinh nằm bên sông Hương hoàn toàn bị nước lũ cô lập; các tuyến đường Phan Chu Trinh, Phan Đình Phùng, Hải Triều,… bị nước lũ sông An Cựu nhấn chìm hơn 1m. Các địa phương vùng trũng ở các huyện Phú Vang, Quảng Điền, Hương Trà, Phong Điền cũng ngập chìm trong nước lũ.

Nước lũ vẫn còn ngập nhiều tuyến đường ở các huyện

Ông Phan Thanh Hùng, chánh văn phòng Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, nước lũ lên nhanh ở hạ lưu là do các thủy điện tiến hành xã nước theo đúng quy trình để điều tiết nước trước khi đón một lượng nước mới đang. Tuy nhiên, thượng nguồn lại xuất hiện mưa lớn và liên tục nên đã làm phía hạ lưu ngập rất nhanh.

Tin từ Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh TT-Huế ngày 06-11 cho biết, tại huyện miền núi Nam Đông, em Nguyễn Hữu Khang (SN 1997, học sinh lớp 8 trường THCS Long Quảng, xã Thượng Long) đã bị trượt chân và mất tích khi đi qua một khe suối đang chảy xiết. Hiện đơn vị đang cùng chính quyền địa phương huy động mọi phương tiện triển khai tìm kiếm.