Đàm phán TPP bế tắc, thị trường Việt Nam nổi sóng

ANTĐ - Hiếm có một hiệp định thương mại đa phương nào lại có tác động mạnh mẽ đến kinh tế thế giới như Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), đến mức ngay khi nó chưa ra đời, kết quả của những phiên đàm phán đã có tạo ra những phản ứng không tưởng của thị trường thế giới nói chung và của các nước thành viên tương lai nói riêng, trong đó có Việt Nam. 
Đàm phán TPP bế tắc, thị trường Việt Nam nổi sóng ảnh 1

Cuộc đàm phán cuối tháng 7-2015 vừa qua được hy vọng là phiên kết thúc đàm phán của cả 12 nước tham gia TPP để hiệp định có thể đi vào đời sống năm 2016. Nhưng cuộc đàm phán đã phải tạm dừng mà chưa đạt được kết quả cuối cùng. Sáng 1-8, đại diện Thương mại Mỹ - Michael Froman cùng các nhà đàm phán của 11 nước tham gia TPP đã chủ trì buổi họp báo thông báo kết quả cuộc họp cấp Bộ trưởng 4 ngày tại Hawaii.

Thông tin muộn trong tuần về sự đổ vỡ của vòng đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khiến thị trường thế giới và đặc biệt là thị trường Việt Nam nổi sóng lớn. Giá cổ phiếu trên hầu hết thị trường chứng khoán trôi dốc, nhiều thị trường rơi vào thảm họa. Và quan trọng hơn, nhiều tập đoàn kinh tế, nhiều định chế đầu tư buộc phải tính lại các bài toán đầu tư và nền kinh tế thế giới đang lo lắng trước cơn suy thoái mới.

 Thị trường lao dốc

 Ngay phiên giao dịch đầu tuần, ngày 3-8, thị trường chứng khoán Việt Nam đã rơi vào hoảng loạn, mặc dù, nghiêm chỉnh mà nói, hoảng loạn vốn là một trạng thái bình thường của thị trường chứng khoán Việt Nam, tuy nhiên, đợt hoảng loạn đã gây ra những hậu quả lớn. Kết thúc ngày giao dịch 3-8, VN-Index giảm 11,59 điểm (-1,87%), xuống 609,47 điểm. Tương tự, HNX-Index cũng giảm 1,82 điểm (-2,13%), xuống 83,31 điểm. Tại sàn HoSE ghi nhận có tới 174 mã cổ phiếu giảm giá và chỉ vỏn vẹn 48 mã tăng. Nhà đầu tư lo sợ cắt lỗ rất mạnh tay trên toàn thị trường, không riêng gì các cổ phiếu liên quan đến TPP.

Kết thúc phiên giao dịch 4-8, chỉ số VN-Index giảm thêm 8,71 điểm (-1,43%) xuống 600,76 điểm, xóa tan toàn bộ thành quả tăng giá trong nhiều tuần gần đây. HNX-Index giảm 0,17% xuống 83,17 điểm. Mặc dù có phiên hồi kỹ thuật, chủ yếu do giá các cổ phiếu nhỏ, không liên quan đến TPP trong phiên giao dịch ngày 5-8, tuy nhiên xu hướng giảm là tất yếu. Và đúng như vậy, phiên giao dịch ngày 6-7,chỉ số VN-Index giảm thêm gần 4 điểm ( 0,61%). Sự thất vọng về TPP tưởng chừng được xoa dịu sau phiên giảm mạnh liền trước nhưng trên thực tế đã tiếp tục lan rộng trên thị trường.

Trên thị trường thế giới, ngay phiên giao dịch đầu tuần 3-8, tác động của sự  đổ vỡ vòng đàm phán TPP cũng làm cho thị trường sụt giảm rất mạnh. Ngoài gây sức ép giảm cho thị trường chứng khoán, sự thất bại của vòng đàm phán TPP còn kéo giá hàng hóa cơ bản giảm sâu hơn. Giá dầu thô Brent có thời điểm giảm 0,8%, còn 51,77 USD/thùng, thấp nhất từ tháng 3. Giá dầu thô ngọt nhẹ cũng giảm hơn 0,6%, còn 46,83 USD/thùng. Với đà giảm này, ngoài đợt giảm giá xang dầu ngày 4-8 vừa qua chúng ta lại có quyền hy vọng sắp tới sẽ tiếp tục lại có một đợt giảm giá xăng dầu bán lẻ trong nước.

Giá vàng cũng liên tục lập đáy mới. Trên thị trường thế giới, sau một tuần giảm mạnh, phiên giao dịch sáng ngày 6-8, giá vàng Comex giao tháng 12 vừa bốc hơi 5,3 USD/ounce về mức 1.085,50 USD/ounce. Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá mua - bán vàng tại TP.HCM ở mức 32,68 - 32,80 triệu đồng/lượng, giảm 30.000 đồng/lượng chiều mua vào và 30.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên sáng 5-8. Tuy có giảm, nhưng giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá trên thị trường thế giới trên 4 triệu đồng/lượng.

Độ chênh lệch này cho thấy giá vàng trong nước sẽ giảm mạnh thêm. Tại các cửa hàng vàng bạc, số người bán vàng cắt lỗ đang gia tăng. Đáng tiếc, mặc dù có nhiều tư vấn, trong tuần trước, nhiều nhà đầu tư nhỏ đã mở hầu bao mua vàng vào để tiếp tục nhìn thấy tiền của mình theo gió bay đi. Dự báo, giá vàng sẽ tiếp tục giảm, ít nhất cho đến quý I-2016.

Những hậu quả đối với nền kinh tế Việt Nam

TPP được đánh giá là hiệp định của thế kỷ XXI với kỳ vọng tạo ra một tiêu chuẩn, khuôn khổ cơ bản cho quá trình hội nhập khu vực, thậm chí của cả thế giới. Là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, việc chúng ta có thể tiếp cận các thị trường lớn như Hoa Kỳ với mức thuế suất bằng 0 hoặc thấp như vậy sẽ mang lại một lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn và một triển vọng hết sức sáng sủa cho nhiều ngành hàng của chúng ta, kéo theo đó là lợi ích cho một bộ phận lớn người lao động hoạt động trong các lĩnh vực phục vụ xuất khẩu.

Lợi ích này không chỉ dừng lại ở những nhóm mặt hàng mà Việt Nam đang có thế mạnh xuất khẩu (ví dụ như dệt may, giầy dép…), nó còn là động lực để nhiều nhóm mặt hàng khác hiện chưa có kim ngạch đáng kể có điều kiện để gia tăng sức cạnh tranh. Nói một cách khác, lợi thế này không chỉ nhìn từ góc độ hiện tại mà còn được nhìn thấy ở cả tiềm năng trong tương lai. Về lý thuyết Việt Nam sẽ được tiếp cận thị trường dịch vụ của các nước đối tác thuận lợi hơn, với ít các rào cản và điều kiện hơn. Trong thực thi các FTA, thị trường nội địa thường được hiểu là nơi chịu thiệt hại.

Tuy nhiên, đối với trường hợp của Việt Nam, nhiều chuyên gia nhấn mạnh rằng chúng ta có thể “có lời” từ TPP ngay cả ở thị trường nội địa, nơi vốn được xem là “chỉ chịu thiệt” từ các FTA nói chung. “Khoản lời” này có được nhờ việc chúng ta sẽ được nhập khẩu nguyên liệu rẻ hơn, hưởng các dịch vụ cạnh tranh với giá rẻ hơn, chất lượng tốt hơn, chưa kể chúng ta còn có cơ hội tiếp cận công nghệ, phương thức quản lý trong một môi trường kinh doanh với sự cải tiến về thể chế, quản lý Nhà nước phù hợp với tiêu chuẩn TPP.

Nghiên cứu cho thấy, Việt Nam có thể là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Hiệp định sẽ giúp Việt Nam cân bằng quan hệ thương mại với các thị trường trọng điểm, tránh phụ thuộc nhiều vào một quốc gia/khu vực duy nhất. TPP tạo cơ hội cho ngành xuất khẩu hưởng các ưu đãi thuế quan. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có thể tiếp cận các thị trường rộng lớn như Mỹ, Nhật Bản. Theo bản phân tích kinh tế vĩ mô Việt Nam của Ngân hàng HSBC, thu nhập của Việt Nam đến năm 2020 sẽ tăng khoảng 10% nếu vào được TPP. Một nghiên cứu đánh giá về tác động của TPP lên các nền kinh tế, thì GDP của Việt Nam có thể tăng 35,7% trong thập niên tới.

Chính vì những hy vọng lớn như vậy, từ năm 2012, khi chúng ta bắt đầu đàm phán TPP, hàng loạt các dự án sản xuất đã bắt đầu được khởi động đón đầu TPP. Đó là một trong những lý do, mặc dù nền kinh tế suy giảm nhưng đầu tư nước ngoài lại tăng trưởng nổi bật, đồng thời xuất khẩu của khối FDI luôn tăng cao.

Sự thất vọng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nếu chúng ta không thể hoặc chậm trễ tham gia TPP. Trước hết, đầu tư nước ngoài và đầu tư nội địa sẽ giảm, nhiều dự án FDI sẽ buộc phải co nhỏ hoặc rút vốn ra khỏi Việt Nam. Thứ hai, tăng trưởng xuất khẩu sẽ chậm lại do không mở rộng được thị trường. Không thể so sánh FTA (Hiệp định thương mại tự do với các nước, các khu vực) với TPP vì quy mô của TPP rất lớn, chiếm tới 40% GDP toàn cầu và 1/3 thương mại toàn thế giới. Đó chính là lý do để mọi tin tức, mọi chuyển động của TPP đều tác động mạnh tới thị trường.

TPP vẫn có hy vọng

Mặc dù vòng đàm phán cuối tháng 7-2015 của 12 nước tham gia TPP chưa đạt đích cuối, nhưng vòng đàm phán này đã chứng kiến thành công lớn của Việt Nam. Tại Hawaii, Việt Nam đã hoàn tất toàn bộ đàm phán song phương với các nước có liên quan, sau khi Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng tiến hành đàm phán và trao đổi bên lề với đại diện Thương mại Mỹ, Bộ trưởng phụ trách đàm phán TPP của Nhật Bản - hai nước lớn nhất trong TPP, cùng lãnh đạo của Malaysia, Mexico, Singapore, Canada.

Vòng đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương sẽ nhóm họp cấp Bộ trưởng tiếp theo vào ngày 22 đến 25-8 trùng với  Hội nghị cấp cao ASEAN tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ngày 4-8, tại Singapore, Ngoại trưởng John Kerry khẳng định Mỹ sẽ không làm chậm nỗ lực đàm phán TPP. Những hy vọng mới về vòng đàm phán tiếp theo sẽ có thể cứu rỗi thị trường. Tuy nhiên, những biến động thị trường trong tuần đầu tháng 8-2015 sẽ là bài học bổ ích không chỉ cho các nhà đầu tư mà còn cho các nhà quản lý kinh tế, đặc biệt quản lý Nhà nước.