![]() |
Đoàn Trung Quốc tham gia cuộc họp với Mỹ ở Geneva, Thụy Sĩ |
Chưa có tín hiệu giảm thuế
Các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc đã dành 2 ngày cuối tuần qua cho các cuộc đàm phán tại Geneva, Thụy Sĩ nhằm xoa dịu cuộc chiến thương mại đe dọa “làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu”. Đây là cuộc họp trực tiếp đầu tiên giữa quan chức cấp cao hai nước kể từ khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới áp “cuộc chiến” thuế quan lên hàng hóa của nhau lên tới hơn 100%.
Trong ngày gặp nhau đầu tiên, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer đã trao đổi với nhau trong khoảng 8 giờ. Không bên nào đưa ra bất kỳ tuyên bố nào cũng như cung cấp thông tin về nội dung các cuộc thảo luận. Các tín hiệu cụ thể hướng tới việc giảm thuế vốn rất được giới đầu tư mong chờ cũng hoàn toàn không được hé lộ. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Trump đã lên tiếng ca ngợi cuộc đàm phán. Trên nền tảng Truth Social, ông Trump cho biết qua đàm phán đã “thiết lập lại hoàn toàn theo cách thân thiện và mang tính xây dựng”. Ông viết: “Một cuộc họp rất tốt đẹp hôm nay với Trung Quốc tại Thụy Sĩ. Nhiều điều đã được thảo luận, nhiều điều đã được nhất trí”.
Căng thẳng giữa Mỹ và các đối tác thương mại lớn leo thang đáng kể sau khi ông Trump nhậm chức nhiệm kỳ hai. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng Mỹ luôn phải đối mặt với thâm hụt thương mại, cho rằng điều này thể hiện nước Mỹ đang bị “lợi dụng” và đối xử bất công. Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại Mỹ - Trung đạt 4.898 tỷ nhân dân tệ (668 tỷ USD) năm 2024. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc rất lớn, lên tới 361 tỷ USD. Chính vì thế, ông Trump tìm cách gây sức ép để buộc Trung Quốc từ bỏ mô hình kinh tế trọng thương, yêu cầu Trung Quốc đóng góp nhiều hơn vào tiêu dùng toàn cầu, một sự thay đổi đòi hỏi những cải cách nhạy cảm về mặt chính trị. Hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ bắt đầu bị áp thuế tới 145%, nhảy vọt từ mức 10% mà ông Trump áp đầu tháng 2, một số sản phẩm thậm chí chịu thuế lên đến 245%.
Bắc Kinh lập tức “ăn miếng, trả miếng”, áp thuế 10-15% với một số mặt hàng Mỹ, sau đó tăng lên 125% với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ nền kinh tế số một thế giới, tuyên bố “đối đầu đến cùng” với Washington. Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ trước những gì họ coi là sự can thiệp từ bên ngoài, muốn
Washington giảm thuế quan, làm rõ những mặt hàng mà Mỹ muốn Trung Quốc mua nhiều hơn và đối xử với Trung Quốc như một đối tác bình đẳng trên trường quốc tế. Giới chức Trung Quốc liên tiếp kêu gọi chính quyền Mỹ “sửa chữa sai lầm” bằng cách hủy bỏ các mức thuế đơn phương. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định nước này “sẽ không hy sinh nguyên tắc để đạt thỏa thuận với Mỹ”.
Các động thái này đã làm rung chuyển thị trường và đe dọa đẩy giá thiết bị sản xuất cũng như hàng hóa tiêu dùng lên cao. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo chịu tổn thất nghiêm trọng vì cuộc thương chiến này. Thương mại song phương Mỹ - Trung bị đình trệ. Nhiều dấu hiệu tổn thương đã bắt đầu xuất hiện, cả về sản xuất, tiêu dùng lẫn tăng trưởng GDP. Trong quý 1-2025, kinh tế Mỹ tăng trưởng âm lần đầu tiên trong vòng 3 năm. Các nhà xuất khẩu Trung Quốc thì đang chật vật xoay xở trước việc hàng tồn kho ngày càng nhiều, dù họ tuyên bố cứng rắn và cho biết sẽ tìm kiếm thị trường khác ngoài Mỹ.
Trước mắt, cả hai bên đều tìm cách giảm thiểu tác động kinh tế từ thuế nhập khẩu. Mỹ đã tạm miễn áp thuế đối ứng với thiết bị điện tử, máy tính, đồng thời nới lỏng thuế với ô tô. Trong khi đó, Trung Quốc được cho là vẫn đang miễn thuế nhập khẩu với một số loại dược phẩm, chip và động cơ máy bay từ Mỹ. Nước này đã lập một “danh sách trắng” các mặt hàng Mỹ được miễn thuế bổ sung.
Mới chỉ là nỗ lực hạ nhiệt
Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người tiêu dùng cả Mỹ và Trung Quốc đều mong muốn hai nước cải thiện tình hình và kỳ vọng cuộc gặp lần này sẽ mang lại những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn hoài nghi về khả năng đạt được đột phá trong cuộc đàm phán ở Geneva.
Ông Scott Kennedy, chuyên gia về hoạt động kinh doanh với Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nhận định: “Rất khó để cuộc họp ngày 10-5 mang lại bất kỳ kết quả đột phá nào, ngoài việc xác định liệu hai bên có thể thiết lập một quy trình đàm phán và các nội dung nghị sự sẽ là gì”. Bản thân Bộ trưởng Tài chính Mỹ Bessent cũng thừa nhận điều đó trong cuộc phỏng vấn với Fox News: “Tôi nghĩ các cuộc thảo luận cuối tuần này sẽ tập trung vào việc hạ nhiệt căng thẳng, chứ không nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại lớn”.
Bên cạnh đó, gần như không ai cho rằng vòng đàm phán đầu tiên này có thể đưa mức thuế Mỹ - Trung quay về như trước nhiệm kỳ hai của ông Trump. Ông Wendy Cutler, Phó Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á (ASPI) nhận định: “Tôi chỉ kỳ vọng ở mức thấp thôi. Vì mức thuế hiện rất cao và căng thẳng cũng vậy. Áp thuế thì dễ, nhưng gỡ bỏ khó hơn nhiều”. Còn bà Lynn Song, Kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc Đại lục tại ngân hàng ING, dự đoán: “Thuế quan đối với hàng hóa Mỹ có khả năng được Nhà Trắng giảm về khoảng 60%, phù hợp với cam kết trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ của ông Trump”. Bà cho rằng, mức thuế này vẫn đủ cao để cản trở nhiều sản phẩm có thể thay thế, nhưng cũng cho phép nhập khẩu những sản phẩm không có lựa chọn thay thế với ít áp lực hơn.
Theo ông Bill Reinsch, nhà nghiên cứu tại Trung tâm chiến lược và nghiên cứu Quốc tế (CSIS), một trong những trở ngại lớn với cả Mỹ và Trung Quốc là khác biệt trong chiến lược đàm phán. Trao đổi với hãng tin AFP, ông Reinsch cho biết: “Ông Trump chọn cách tiếp cận từ trên xuống, muốn gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nghĩ rằng nếu hai lãnh đạo đồng thuận, họ có thể đạt một thỏa thuận lớn, sau đó chỉ đạo cấp dưới xây dựng nội dung chi tiết. Trung Quốc lại có hướng đi ngược lại. Họ muốn các vấn đề được giải quyết trước, đạt đồng thuận ở cấp chuyên viên trước khi lãnh đạo hai bên gặp mặt”.
Ông Wendy Cutler, Phó Chủ tịch Viện Chính sách xã hội châu Á (ASPI), cho rằng kết quả thực tế tốt nhất từ cuộc gặp tại Geneva là hai bên đạt được “một lộ trình cho các cuộc tiếp xúc tiếp theo”. Theo ông Culter, điều quan trọng là việc này có thể tạo đà cho một cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình. Trước đó, hôm 9-5, Tổng thống Mỹ nói rằng có thể cân nhắc gọi cho ông Tập, tùy theo kết quả cuộc gặp. Còn bà Tôn Vận, Giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington, tỏ ra bi quan vì cảm thấy cuộc họp tại Geneva sẽ không mang đến bất kỳ kết quả thực chất nào. Theo bà Tôn Vận, “kịch bản tốt nhất là cả hai bên đồng ý hạ nhiệt thuế quan cùng một lúc”. Bà cho rằng ngay cả một đợt giảm nhỏ cũng sẽ gửi đi một tín hiệu tích cực.
Cùng chung quan điểm với bà Tôn Vận, ông Stephen Olson, thành viên cấp cao thỉnh giảng của chương trình nghiên cứu kinh tế khu vực tại Viện Iseas-Yusof Ishak của Singapore, cho biết: “Những căng thẳng mang tính hệ thống trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung sẽ không sớm được giải quyết”. Ông chia sẻ: “Cuộc gặp ở Geneva sẽ chỉ mang đến những tuyên bố như “đối thoại thẳng thắn và mong muốn duy trì đối thoại”.