Dâm ô trẻ em: Nỗi đau khắc họa trên từng thước phim

ANTD.VN - Dâm ô trẻ em đã trở thành một trong những chủ đề nóng không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Vấn nạn này đã nhiều lần được khai thác và đưa vào phim ảnh, vừa tái hiện những vụ việc kinh hoàng, vừa là một sự hỗ trợ đối với các nạn nhân, đồng thời cũng mang thông điệp kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ trẻ em.

The Celebration (1998)

Dâm ô trẻ em: Nỗi đau khắc họa trên từng thước phim ảnh 1

Cảnh phim trong The Celebration 

Ra mắt vào năm 1998, bộ phim lần đầu khiến cả châu Âu chấn động khi đưa vấn nạn dâm ô trẻ em lên màn ảnh. Nội dung kể về buổi tiệc sinh nhật lần thứ 60 của doanh nhân thành đạt tên Helges (do Henning Moritzen thủ vai), gia đinh ông gồm 4 người con: 2 anh em song sinh Christian (Ulrich Thomsen) và Linda, cậu con trai thứ Michael (Thomas Bo Lasen) và cô con út Helena.

Trước hàng loạt những vị khách quý, con trai trưởng nhà Helges, Christian bất ngờ lên tiếng tố cáo tội ác của cha mình, người đã nhiều lần bạo hành tình dục anh và cô em gái song sinh Linda. Linda trước đó đã tự tử không lý do và để lại cho cô em Helena một lá thư kể lại quá khứ đau khổ từng bị cha lạm dụng. Sự việc đã khiến những người có mặt tại buổi tiệc không khỏi sửng sốt. Hơn thế, vợ của Helges dường như biết toàn bộ sự việc nhưng chưa từng một lần nói ra và mặc kệ các con mình bị chính người cha của chúng xâm hại.

Bộ phim được lấy cảm hứng từ câu chuyện của chàng trai tên Allan đến từ Jutland (Đan Mạch). Allan từng liên lạc tới show truyền thanh trên kênh P1 đài truyền hình Đan Mạch để kể về quá khứ đau buồn của mình và em gái song sinh bị cha lạm dụng.

Đây có thể coi là một trong những bộ phim tiên phong phản ánh vấn nạn dâm ô trẻ em trên thế giới, bởi vậy ngay khi ra mắt, The Celebration đã tạo được tiếng vang không nhỏ tại châu Âu.

The Myterious Skin (2004)

Dâm ô trẻ em: Nỗi đau khắc họa trên từng thước phim ảnh 2

Phim The Mysterious Skin

Bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Scott Heim.

Khác với việc chỉ phản ánh vấn nạn ấu dâm thông thường, The Mysterious Skin lại đi sâu vào khai thác những di chứng còn sót lại đối với những nạn nhân.

Nội dung phim kể về hai nhân vật: Neil McCormick (Gordon Levitt) và Brian Lackey (Bradley Corbet) bị lạm dụng tình dụng bởi chính thầy giáo dạy bóng rổ khi lên 8. Sự việc trên đã để lại những chấn động tâm lý không hề nhỏ đối với 2 đứa trẻ.

Brain mắc chứng mất trí nhớ tâm lý. Cậu bé dường như quên hết mọi chuyện trong 5 tiếng đồng hồ bị cưỡng hiếp, nhưng vùng ký ức ấy vẫn là nỗi ám ảnh với Brain. Mỗi khi bất giác nghĩ tới những thứ từng xảy ra với mình năm 8 tuổi, Brain lại có các triệu chứng đau đầu, hoảng loạn và chảy máu cam, dù không thể nhớ rõ đó là chuyện gì.

Về phần Neil, cậu bé không bao giờ quên những gì từng xảy ra với mình năm xưa, để rồi lớn lên Neil đã lựa chọn con đường trở thành “trai bao”.

Hiện thực mà Mysterious Skin phản ảnh khiến người xem không khỏi xót xa trước những di chứng mà ấu dâm mang lại cho trẻ em.

Hope (2013)

Dâm ô trẻ em: Nỗi đau khắc họa trên từng thước phim ảnh 3

Hình ảnh So Won bị cưỡng hiếp và đánh đập dã man, nguyên nhân khiến cô bé xa lánh cả cha mình. Đến cuối phim cô bé cuối cùng cũng chịu mở lòng đối với cha

Bộ phim tái hiện lại vụ án có thật tại Hàn Quốc năm 2008.

Trong phim, nạn nhân là cô bé 8 tuổi So Won bị lạm dụng tình dục kinh hoàng khiến nhiều bộ phận trên cơ thể bị hỏng. Sau sự việc trên, So Won bị chấn động tâm lý nặng nề, khiến cô bé e sợ tất cả những người đàn ông tới gần kể cả cha mình. Không những thế, tại thời điểm ấy, dư luận Hàn Quốc cũng có không ít ý kiến trái chiều đổ lỗi cho nạn nhân khi tạo điều kiện cho kẻ hiếp dâm như vậy.

Về phần hung thủ, hắn phủ nhận mọi tội danh của mình chỉ với câu nói “Tôi không nhớ gì hết”, cuối cùng tên tội phạm ấu dâm chỉ nhận mức án 12 năm tù giam, khiến người xem không khỏi phẫn nộ.

Toàn bộ sự việc trên là có thật tại Hàn Quốc. Thời điểm ấy, bộ máy luật pháp Hàn còn chưa chú trọng tới những vụ án ấu dâm nên đưa ra một bản án khá nhẹ tay với loại tội phạm này.

Cuối phim, Hope mang tới màu sắc tươi sáng khi So Won đã dần mở lòng với cha mình, cảnh phim đã lấy đi không ít nước mắt của người xem.

Tuy nhiên câu chuyện thực tế lại không “có hậu như vậy”. Cảm hứng bộ phim được xây dựng dựa trên sự việc xảy ra với cô bé Na Young, khi đó cũng vừa tròn 8 tuổi bị người đàn ông tên Cho Doo Soon hãm hiếp và tra tấn dã man.

Sau sự việc Na Young bị trầm cảm nặng và cơ thể có nhiều di chứng, bị tổn thương giọng nói, trật khớp vai phải, cơ quan nội tạng bao gồm ruột, buồng trứng, hậu môn bị hỏng. Về phần kẻ gây án, hắn cũng chỉ nhận mức án 12 năm tù giam do uống say không làm chủ được hành vi của mình. Vụ việc được phanh phui khiến dư luận Hàn Quốc không khỏi phẫn nộ.

Silenced (2011)

Dâm ô trẻ em: Nỗi đau khắc họa trên từng thước phim ảnh 5

Phân cảnh đầy ám ảnh trong phim Silenced, cô bé Yeon Doo (Kim Hyun Soo) trốn trong nhà vệ sinh trường học khi bị thầy hiệu trưởng tấn công tình dục

Silenced được chuyển thể từ tiểu thuyết Dogani của nhà văn Kong Ji Young, xuất bản năm 2009. Bộ phim kể về thầy giáo Kang In Ho (Gong Yoo thủ vai), giáo viên mỹ thuật biết dùng thủ ngữ, đã chuyển tới dạy học tại trường dành cho trẻ em câm điếc tại Mujin.

Tại đây, anh phát hiện ra những sự thật kinh hoàng bị chính những giáo viên trường cũng như những nhà lãnh đạo khu vực che dấu: đó là vấn nạn bạo hành đi kèm với lạm dụng tình dục đối với những trẻ em khuyết tật tại đây.

Những kẻ đứng sau sự việc này, không ai khác chính là hiệu trưởng và ban lãnh đạo nhà trường. Chúng lợi dụng những khuyết tật của trẻ em tại đây, không ít lần thực hiện hành vi đồi bại của mình, thậm chí đánh đập dã man những đứa trẻ tội nghiệp nếu các em không đáp ứng yêu cầu của chúng.

Thầy giáo In Ho đã đưa vụ việc ra ánh sáng khiến dư luận cả nước chấn động. Nhưng đến cuối cùng, anh nhận ra mình hoàn toàn bất lực khi chính tòa án xét xử đã thông đồng với những tên tội phạm này.

Trái ngược với Hope, Silenced mang màu sắc u tối ngay từ những thước phim đầu tiên, phô bày chân thực cảnh tượng bạo hành dã man cũng như những hành vi man rợn của kẻ dâm ô đối với các nạn nhân.

Bộ phim được xây dựng dựa trên vụ việc có thật xảy ra từ năm 2000 đến 2005 tại trường học dành cho trẻ em khiếm thính Gwangju Inhwa, thuộc thành phố Gwangju, Hàn Quốc. Sự thật này chỉ bị phơi bày khi một nhân viên của trường không thể chịu được, đã báo lên Trung tâm tư vấn bạo hành người tàn tật vào tháng 6/2005.

Có hơn 10 giáo viên tại trường dính líu vào vụ việc, nhưng chỉ 4 người bị kết án với mức án rất nhẹ khoảng 1-2 năm tù giam. Vụ việc tưởng như đã chìm vào quên lãng, do những nạn nhân khiếm thính hầu hết là trẻ mồ côi, không có điều kiện theo đuổi kháng án tới cùng, cho tới năm 2011, Silenced đã phá vỡ sự im lặng, lật lại vụ việc.

Sau khi Silenced được công chiếu, dư luận Hàn Quốc đồng loạt lên án, yêu cầu xét xử lại vụ án, trả lại công bằng cho những nạn nhân khiếm thính

Chưa đầy 1 tháng sau khi ra mắt, bộ phim đã kêu gọi được hơn 22.000 chữ ký của cộng đồng mạng Hàn Quốc yêu cầu lật lại vụ xét xử. Trước sức ép lớn của dư luận, trường Gwangju Inhwa đã bị buộc phải đóng cửa. Đồng thời, Cảnh sát đã thành lập một nhóm điều tra đặc biệt, tiến hành khám xét lại ngôi trường.

Văn phòng Giáo dục thành phố Gwangju đã thực hiện các biện pháp xử phạt hành chính với những giáo viên liên quan trong vụ việc, đình chỉ công tác hoặc thu hồi giấy phép giảng dạy họ. Trong khi đó, những giáo viên khác không dính líu gì vào vụ lạm dụng học sinh sẽ được tái tuyển dụng.

Bộ phim cũng lần đầu khiến chính phủ Hàn Quốc lưu tâm và sửa đổi chế tài xử phạt với tội phạm ấu dâm.