Đam mê mang lại sự khác biệt

(ANTĐ) - Vậy cũng đã 2 năm kể từ ngày chị trở về. Chị đã từng nói nếu không phải là Việt Nam thì cũng sẽ là một quốc gia nào khác, miễn ở nơi đó công việc chị cống hiến sẽ mang lại ý nghĩa tốt đẹp nhất cho sự an sinh của xã hội.

Đam mê mang lại sự khác biệt

(ANTĐ) - Vậy cũng đã 2 năm kể từ ngày chị trở về. Chị đã từng nói nếu không phải là Việt Nam thì cũng sẽ là một quốc gia nào khác, miễn ở nơi đó công việc chị cống hiến sẽ mang lại ý nghĩa tốt đẹp nhất cho sự an sinh của xã hội.

 

Việt Nam đã níu chân chị ở những vị trí đạo diễn, biên tập viên, MC của Đài Truyền hình Việt Nam; và nay là các dự án nhằm bảo vệ môi trường và sự biến đổi khí hậu tại Việt Nam… Chị chia sẻ thích là người phỏng vấn chứ không phải là người được phỏng vấn; nhưng hôm nay một người trẻ luôn khát khao được cống hiến Theresa Trâm Phương Nguyễn đã đồng ý ngồi ở vị trí mà chị vốn không thích…

- Theresa này, công việc hiện nay của chị ra sao rồi?

- Hiện nay tôi đang là cộng tác viên của một số dự án khác nhau của các tổ chức phi Chính phủ. Tôi đang thực hiện một bộ phim ngắn nói về vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, lũ lụt ảnh hưởng đến người dân ở miền núi Quảng Trị như thế nào. Cách làm phim hơi khác một chút đó là, thay vì là người đạo diễn, viết kịch bản rồi đến đấy thực hiện thì tôi hợp tác với trẻ em của một xã miền núi, trong vòng khoảng 1 tuần, tôi dạy các em các cách đơn giản để làm phim, viết kịch bản, sau đó tôi làm nên một bộ phim mà tiếng nói, câu chuyện hoàn toàn là của các em kể ra chứ không còn là của tôi nữa.

- Trong quãng thời gian đã qua, chị đã thử sức để làm truyền hình tại Việt Nam, tại sao chị lại bỏ cuộc chơi vậy?

- Mục đích của tôi làm truyền hình cũng giống như mục đích tôi đang có bây giờ. Sau khi làm truyền hình khá lâu, tôi có cảm giác rằng mình không thể nào đạt tới được mục đích, nó thật khó trong môi trường làm truyền hình ở Việt Nam hiện nay. Nhận xét của tôi đó là cách làm truyền hình ở Việt Nam khác với cách làm truyền hình trên thế giới. Ngày mới về, tôi đã từng nói rằng nó chưa chuyên nghiệp, còn bây giờ tôi “edit” lại cho chính xác hơn là nó quá đơn giản.

- Vậy mục đích của chị từng ấp ủ là gì?

- Tôi muốn kể những câu chuyện có ích cho xã hội, đó là nói chung; nói rõ hơn nữa là vấn đề môi trường không chỉ liên quan và ảnh hưởng đến Việt Nam mà nó mang tính toàn cầu. Khi về lại Việt Nam tôi mới phát hiện ra tôi đặc biệt hứng thú với vấn đề môi trường.

- Một cái duyên đặc biệt nào đưa chị về Việt Nam?

- Trước khi về Việt Nam tôi đang sinh sống và học tập tại Australia. Tôi tốt nghiệp ngành Báo chí tại trường University of Technology, Sydney, Australia. Ngày đó có một chị làm ở VTV4 Đài Truyền hình Việt Nam có sang Australia học Thạc sỹ, chị ấy và tôi học cùng trường nhưng khác lớp, trong một lần học cùng một môn tôi mới biết chị ấy là người Việt Nam, chị ấy biết tôi là người gốc Việt, 2 chị em nói chuyện và chị đã gợi ý tôi về Việt Nam làm việc.

- Nghe đâu chị đã bỏ một cơ hội làm việc khá tuyệt vời tại Australia để trở về?

- Đúng vậy, vào thời điểm đó tôi gửi hồ sơ vào một Hãng Truyền hình lớn nhất của Australia, vượt qua gần 200 ứng viên tham gia thi và phỏng vấn, tôi may mắn là 1 trong 6 người được chọn. 

- Chị có phải suy nghĩ lâu không để đưa ra quyết định quay về?

- Tôi hoàn toàn không nghĩ đến việc sẽ quay trở về Việt Nam làm việc, cũng như chưa bao giờ nghĩ đó là một cơ hội nằm trong sự lựa chọn của tôi. Đến khi tôi quyết định sẽ làm về lĩnh vực truyền hình thì tôi cảm thấy về Việt Nam ý nghĩa hơn là ở Australia.

- Chị có hối hận về quyết định đó hay không?

- Hoàn toàn không! Tôi rất yêu công việc của tôi. Càng ở lâu tôi càng hiểu được nền văn hóa, cách làm việc ở Việt Nam, hiểu công việc tôi làm ở đây có giá trị. Tôi ngày một tự tin hơn! Ngày mới trở về, tôi làm việc ở VTV4 hoàn toàn không phải sử dụng tiếng Việt, chỉ dùng tiếng Anh hàng ngày, 6 tháng đầu tôi không nói tiếng Việt. Dần tôi học thêm tiếng Việt, đó là giai đoạn khó khăn nhất khi sống ở Việt Nam. Đã không ít lần tôi muốn diễn đạt suy nghĩ của mình mà không nói được.

- Chị muốn chia sẻ điều gì về lĩnh vực truyền hình ở Việt Nam?

- Những người làm truyền hình ở Việt Nam cần phải đi sâu hơn nữa thay vì mở rộng ra khi đề cập đến bất kỳ một vấn đề gì để tránh dẫn đến việc tiếp cận bị sai hướng. Đơn giản như việc kể một câu chuyện, đôi khi chúng ta giới thiệu vòng vo rồi mới vào vấn đề. Điều đó dẫn đến việc một phóng sự truyền hình ở Việt Nam luôn dài hơn một phóng sự ở nước ngoài. Tiêu chuẩn phóng sự ở nước ngoài có độ dài từ 1 phút 20 giây đến 1 phút 50 giây. Một phóng viên luôn luôn phải đặt mình vào vị trí của người xem, người nghe, người đọc; và mình chán thì chắc chắn người ta cũng sẽ chán trước mình; làm phóng viên luôn luôn phải chán mình trước.  

- Theo góc nhìn của chị, vấn đề môi trường ở Việt Nam hiện nay ra sao?

- Ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội có hoạt động về môi trường của thanh niên rất mạnh. Vấn đề môi trường vô cùng rộng lớn, không chỉ gói gọn trong một hoạt động mà ở tầm quốc gia. Không thể giải quyết vấn đề này một mình được, nên đóng góp của cộng đồng phải bắt nguồn từ những việc nhỏ như là đừng vứt rác ra đường, xuống sông hồ Hà Nội, tiết kiệm nước, năng lượng, không chặt phá cây xanh… Những hành động nhỏ này đã được tuyên truyền rất nhiều, nhưng tất cả mọi người đừng nhìn môi trường dưới góc độ quá to tát, mà giải pháp cho vấn đề này lại từ những việc nhỏ nhất. Ngày nào đường phố, sông hồ Hà Nội còn rác thì giải pháp lớn lao về môi trường vẫn chưa được giải quyết.

- Vậy mấu chốt vấn đề cần phải giải quyết ở đây là gì, thưa chị?

- Tôi tin bất kỳ một người dân nào cũng đã được nghe về vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Giờ chúng ta phải làm sao để người ta nghe, nhớ, hiểu và cuối cùng là hành động. Tôi nghĩ giải quyết vấn đề môi trường ở đây phụ thuộc nhiều vào truyền thông, chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc đưa ra thông tin, nhưng thông tin được truyền đến người dân chưa thuyết phục và khiến họ muốn hành động.   

- Với sức lực của một người phụ nữ, chị nghĩ bản thân sẽ phải làm công việc này đến bao giờ?

- Suốt cả cuộc đời, đến khi tôi chết. Bất cứ một vùng miền, một quốc gia nào trên thế giới này không chỉ riêng Việt Nam cần làm cho vấn đề môi trường tốt đẹp lên, dù không nhiều mà chỉ có thể giúp được chút sức lực bé nhỏ tôi cũng sẽ đến làm việc, đặc biệt là các nước nghèo. Tôi muốn làm và mong cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, tôi có một sợi dây kết nối với Việt Nam đặc biệt ý nghĩa hơn bất kỳ quốc gia nào khác; nhưng điều đó không có nghĩa rằng tôi sẽ ở lại đây suốt cả cuộc đời.

- Thú thật nhìn chị ban đầu tôi đã nghĩ đến một nghệ sỹ?

- Tôi gắn bó với cây đàn piano từ năm lên 9 tuổi, cũng đến gần 10 năm gắn bó với âm nhạc. Tôi đã từng sang London học nhạc, hát, khi ở đó tôi đã từng chơi nhạc để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Đến giờ không còn tiếp tục theo con đường âm nhạc nhưng tôi dùng những kiến thức âm nhạc mà tôi học được để phục vụ cho quá trình làm phim.

- Còn rất trẻ, vậy mà nhìn lại quãng thời gian đã qua, con đường học tập của chị quả là đa quốc gia?

- (Cười) Tôi học ở Đan Mạch, dĩ nhiên rồi, còn lại tôi học tại Vương Quốc Anh, Australia, Scotland, Đức, Hà Lan… Về Việt Nam tôi học về văn hóa, ngôn ngữ, học những bài học mà không học được ở trong trường. Tôi thích viết lách, ngoài viết báo tôi còn làm thơ nữa. Bây giờ tôi vẫn đang học, đối với tôi, học là một con đường mà càng đi sâu mình càng hiểu nhưng không bao đến được điểm cuối cùng. Tôi đã học và sống ở rất nhiều nơi trên thế giới, vì vậy tôi được hấp thu nhiều nền văn hóa khác nhau nên có lẽ tôi giống một công dân toàn cầu.

- Sinh ra và tuổi thơ chị là hai tiếng “Đan Mạch” - một quốc gia thuộc vùng Scandinavia ở Bắc Âu, vậy gia đình chị bên đó nuôi dưỡng hai tiếng “Việt Nam” trong chị như thế nào?

- Quê ngoại tôi ở Thái Bình, di cư năm 1954, mẹ tôi sinh ra ở Sài Gòn. Tôi lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ và ông bà ngoại, giờ ông bà ngoại tôi mất rồi, chính vì vậy tôi được nghe kể và tiếp xúc với văn hóa Việt Nam từ bé qua những câu chuyện người lớn kể, qua phim ảnh và đặc biệt tôi thích nghe nhạc Việt Nam bởi từ bé mẹ hay hát cho tôi nghe nhiều ca khúc Việt Nam. Tôi tự tin vào khả năng nấu đồ ăn Việt Nam, có khi còn giỏi hơn không ít người Việt Nam chứ chẳng đùa, bởi tôi có thể nấu nướng được đồ ăn ba miền Bắc - Trung - Nam (Cười)

- Chị có thể chia sẻ về gia đình mình hiện nay?

- Năm 1980 gia đình tôi tới Đan Mạch sinh sống. Năm 1983 tôi chào đời và lớn lên tại ở thành phố Aarhus lớn thứ nhì của Đan Mạch, nằm bên Vịnh Århus, phía đông bán đảo Jutland. Bố tôi là kỹ sư còn mẹ là một thông dịch viên. Tôi có một cô em gái sinh năm 1986. Hiện nay gia đình bên nội tôi vẫn sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. 

- Theo chị thành công của một người trẻ sẽ đến từ đâu?

- Làm bất cứ việc gì mà cố gắng hết sức mình đã là thành công rồi. Ngoài ra để thành công, người trẻ cần phải quyết liệt theo đuổi đam mê một cách có định hướng. Đam mê sẽ mang lại sự khác biệt.

- Cảm ơn và chúc chị may mắn, thành công!

Quân.Trần

(Thực hiện)