Khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm Quý Tỵ 2013:

Đậm màu sắc dân gian truyền thống

ANTĐ - Một chuỗi các sự kiện tái hiện các nghi lễ, các loại hình diễn xướng dân gian với điểm nhấn là Lễ đón Bằng công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, đã tạo bầu không khí vui tươi, đậm bản sắc trên quê hương đất Tổ vua Hùng.

Đậm màu sắc dân gian truyền thống ảnh 1
Những sinh hoạt thường nhật của cư dân lúa nước thời Vua Hùng 
được tái hiện tại Lễ hội đường phố

Rộn ràng vào hội

Những ngày này, trên quê hương đất Tổ Phú Thọ, không khí lễ hội tràn ngập khắp các ngả đường, bởi cờ hoa, các hoạt động thể thao sôi động, các chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia, hưởng ứng. Bên cạnh những nghi lễ truyền thống, Ban tổ chức đã đưa nhiều nét mới vào mùa lễ hội năm nay như Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ lần thứ nhất; chương trình Hát Xoan làng cổ gắn với điểm du lịch di sản văn hóa; triển lãm ảnh nghệ thuật “Văn hóa đất Tổ - cội nguồn dân tộc Việt Nam” và long trọng tổ chức Lễ đón Bằng công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” và Khai mạc lễ hội Đền Hùng năm Quý Tỵ 2013 với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương” đầy ấn tượng, chính thức mở màn cho chuỗi các hoạt động văn hóa nghệ thuật mùa lễ hội năm nay. 

Cũng trong ngày khai mạc 13-4, Lễ hội đường phố đã được tổ chức tại các tuyến phố chính thành phố Việt Trì, do 3.000 nghệ nhân, diễn viên quần chúng đến từ 13 huyện thuộc tỉnh Phú Thọ biểu diễn. Đúng với chủ đề "Văn hóa đất Tổ Hùng Vương hội tụ và tỏa sáng", lễ hội đường phố đã tái hiện các sinh hoạt thường nhật gắn liền với các hoạt động nông nghiệp của cư dân lúa nước như bơi chải, diễn tấu cồng chiêng, múa trống đu, trò chơi dân gian bắt chạch trong chum, kéo lửa thổi cơm thi, rước nước… 

Các tiết mục dàn dựng công phu, mang đậm nét truyền thống như một bữa tiệc nghệ thuật mà con dân Phú Thọ dâng lên các Vua Hùng, nhằm bày tỏ lòng thành kính, tri ân tới những người đã có công dựng nước, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng Ban tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm 2013 đánh giá: “Lễ hội đường phố là dịp để các nghệ nhân, diễn viên các địa phương trong tỉnh gặp gỡ, giao lưu, học hỏi và giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của địa phương mình. Đồng thời, đây cũng là dịp để tỉnh Phú Thọ giới thiệu tới bạn bè quốc tế tiềm năng văn hóa dân gian, dân ca, dân vũ, diễn xướng dân gian, trang phục truyền thống của nhân dân các dân tộc cùng chung sống trên địa bàn tỉnh”. 

Siết chặt “4 Không”

Để đảm bảo lễ hội diễn ra trang nghiêm, vui tươi lành mạnh, Ban tổ chức lập ra và thực hiện quyết liệt tiêu chí “4 Không”: Không ùn tắc; Không ăn xin, cờ bạc; Không “chặt chém” du khách; Không để xuất hiện hình ảnh phản cảm... trong suốt thời gian diễn ra lễ hội (từ ngày 13 đến 19-4, tức mùng 4 đến 10-3 Âm Lịch). Ông Phạm Bá Khiêm, Phó Gíam đốc Sở VH-TT&DL Phú Thọ, thành viên Ban tổ chức lễ hội, cho biết: “Chúng tôi đã thành lập ban kiểm tra liên ngành và thiết lập đường dây nóng để ngăn chặn lộn xộn trong buôn bán, trông giữ xe; xử lý các hành vi buôn bán hàng cấm, hàng giả, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lợi dụng để “chặt chém” du khách; xử nghiêm nạn trộm cắp… Riêng việc bày bán thịt tươi tràn lan đã được dẹp, tránh gây phản cảm chốn tâm linh”. Đây được xem là việc làm thiết thực khi số du khách hành hương về hội năm nay dự kiến cao kỷ lục: 3 triệu người. 

Ngoài ra, theo ghi nhận của phóng viên, các quầy bán đồ ăn, quầy lưu niệm được Ban tổ chức quy hoạch khá quy củ; tuyến đường từ cổng khu di tích tới đền thông thoáng, hai bên đường có các tiểu cảnh bằng đá ong hài hòa, đẹp mắt… Tuy nhiên, dù không còn xuất hiện cảnh ăn xin, ăn mày đeo bám, song nạn “chặt chém” du khách vẫn khá phổ biến. Tại các quầy bán đồ ăn, giải khát ngay gần cổng đền đều “hét” giá các mặt hàng cao gấp đôi, gấp ba giá thị trường. Bên cạnh đó, việc để các hộ kinh doanh mặc sức mở nhạc mạnh vô hình trung làm mất đi không gian trang nghiêm chốn linh thiêng. Đồng thời, việc các du khách hành hương tự ý để đồ đạc, trải chiếu nằm tràn lan quanh khuôn viên đền, từ đền Hạ đến đền Thượng ít nhiều gây hình ảnh phản cảm. Đây là điều Ban tổ chức cần có phương án khắc phục, nhằm góp phần vào thành công chung của lễ hội cũng như để xứng danh với vùng đất có tới 2 di sản được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới.