Đâm hỏng cầu An Thái do xem thường quy định, chạy sai luồng

ANTĐ - Đại diện Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT) cho biết, ngoài việc hết hạn đăng kiểm, tàu Thành Luân 28 gây ra vụ đâm hư hỏng cầu An Thái (Kinh Môn, Hải Dương) còn chạy sai luồng, gây ra hậu quả nghiêm trọng về giao thông.

Đâm hỏng cầu An Thái do xem thường quy định, chạy sai luồng ảnh 1

Nhiều vi phạm dẫn đến vụ việc tàu Thành Luân 28 đâm vào dầm cầu An Thái

Tàu tải trọng lớn đi vào sông nhỏ

Theo ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa, tàu Thành Luân 28 công suất 694 CV, trọng tải 3.162 tấn đã chạy sai luồng vào khu vực sông giới hạn tải trọng tối đa 600 tấn dẫn đến việc đâm vào dầm cầu An Thái. Tàu này vi phạm một loạt các quy định về ATGT.

Trước đó, tàu Thành Luân 28 dài 67m, rộng 12m  xuất phát từ sông Cấm (Hải Phòng), theo luồng sông Cấm - sông Vận - sông Kinh Thầy để lên bến của Công ty TNHH Hà Bình, đóng tại huyện Nam Sách (Hải Dương) để sửa chữa, bảo dưỡng. Sau khi bảo dưỡng xong, dù không có lệnh xuất bến, thuyền thưởng Trần Huy Du (39 tuổi, trú tại Giao Thủy, Nam Định) cùng 6 thuyền viên đã đưa tàu về Hải Phòng.

Đêm 6-3, khi chạy đến ngã ba giao cắt giữa sông Kinh Thầy và sông Kinh Môn, thay vì cho tàu rẽ về đường cũ, thuyền trưởng Du lại rẽ vào sông Kinh Môn. Nhánh sông này chỉ cho phép tàu dưới 1.000 tấn hoạt động, trong khi tàu Thành Luân 28 là tàu sông pha biển, tải trọng lớn, chiều cao đã vượt quá chiều cao tĩnh không của cầu An Thái nên đã gây ra vụ đâm va. 

Liên quan đến công tác khắc phục cầu An Thái, từ 14h ngày 9-3, xe ô tô con, ô tô chở khách từ 16 chỗ ngồi trở xuống, xe máy, xe thô sơ, người đi bộ đã được lưu thông qua cầu. Các loại phương tiện chở khách, xe tải vẫn phải đi qua đường Phà Mây hoặc đi vòng theo QL18 qua Chí Linh.

Ông Lê Đình Long, Giám đốc Sở GTVT Hải Dương cho biết: “Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ làm việc với đơn vị tư vấn để xem có thể “nới” cho một số chủng loại phương tiện khác lưu thông qua cầu An Thái, giảm lưu lượng phương tiện dồn về Phà Mây gây ách tắc nhiều ngày qua hay không”.   

Hiện các công nhân vẫn hối hả ngày  đêm thi công để có thể lao lắp dầm trong thời gian sớm nhất phục vụ công tác giải phóng tàu Thành Luân 28 ra khỏi cây cầu. Dự kiến, vào ngày 12 hoặc 13-3, công tác kéo chiếc tàu Thành Luân 28 đang mắc kẹt sẽ được tiến hành.

Truy trách nhiệm đơn vị, cá nhân sai phạm

Theo Cục Đường thủy nội địa, tàu Thành Luân 28 khi nhập cảng, rời cảng đều không có giấy phép. 10 ngày trước khi xảy ra vụ đâm va trên (ngày 26-2), chủ cảng đóng tàu Hà Bình đã bị cảng vụ xử phạt hành chính về hành vi tiếp nhận tàu không làm thủ tục nhập cảng tại cơ quan cảng vụ.

Cụ thể, ngày 18-2, khi đại diện cảng vụ Đường thủy nội địa Kinh Môn phát hiện tàu neo trong vùng nước của cảng Hà Bình đã yêu cầu thuyền trưởng làm thủ tục nhập cảng, tuy nhiên thuyền trưởng không thực hiện. Cùng ngày, đại diện Cảng vụ lập biên bản thống nhất với Giám đốc cảng Hà Bình là ông Phạm Ngọc Anh về việc không cho phương tiện lên đà nếu phương tiện chưa có giấy phép vào cảng. Đến ngày 25-2 tàu vẫn được cho lên đà bất chấp cam kết trước đó của chủ cảng.

Ngoài ra, thuyền trưởng còn bỏ qua quy định về an toàn kỹ thuật phương tiện, bởi tàu đã hết hạn đăng kiểm từ ngày 22-1-2016, đến cuối tháng 2-2016 mới đưa vào xưởng sửa chữa, mời cơ quan đăng kiểm đến kiểm tra. Tuy nhiên, sau khi lên đà, tàu mới được kiểm tra ở trạng thái chìm, chưa kiểm tra tàu ở trạng thái nổi, thử máy, nên chưa đủ điều kiện để cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật để tham gia giao thông.

Về vấn đề thiệt hại sau vụ đâm va, ông Lê Đình Long thông tin, hiện lực lượng chức năng vẫn đang tập trung vào công tác khắc phục, hỗ trợ giao thông đi lại cho người dân trong “ốc đảo” Kinh Môn nên chưa tính toán đến thiệt hại.

Song, trao đổi về việc đơn vị, cá nhân nào phải đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ chi phí thiệt hại trong vụ việc này, Giám đốc Sở GTVT Hải Dương cho biết, cơ quan điều tra sẽ làm rõ trách nhiệm của chủ tàu và các tổ chức, cá nhân có liên quan để quy trách nhiệm đền bù thiệt hại.