Đảm đương trọng trách

ANTĐ - Được xác định là lực lượng chiến lược trong ngành công an, thừa hành chức năng QLHC về ANTT ở cơ sở;  lực lượng CAPT xã về ANTT đang ngày đêm bám địa bàn, đảm đương trọng trách giữ gìn an ninh nông thôn tại các thôn xóm, khu dân cư…

Hướng dẫn công an xã thực hiện các văn bản pháp luật theo đúng quy định

So với lực lượng CSKV ở các đơn vị CAP cấp quận, lực lượng công an phụ trách (CAPT) xã về ANTT (gọi tắt là CAPT xã) ở các đơn vị Công an đồn, trạm thuộc cấp huyện quản lý địa bàn rộng và đông dân cư hơn. Do vậy, để nắm chắc được tình hình, quản lý nhân khẩu, quản lý đối tượng chặt chẽ cũng như giải quyết vụ việc xảy ra tại địa bàn kịp thời, CAPT xã phải thường xuyên có mặt ở địa bàn bất kể tối ngày.

Không chỉ bám sát địa bàn nắm tình hình, CAPT xã còn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân nâng cao cảnh giác phòng ngừa tội phạm; đôn đốc, hướng dẫn các công an viên, lực lượng dân phòng, đội ngũ trưởng phó thôn thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra tạm trú, tạm vắng, đảm bảo an ninh nông thôn (ANNT). Theo thống kê của CATP Hà Nội, từ năm 2007 đến nay, do bám sát địa bàn, lực lượng CAPT xã đã thu được gần 50 nghìn nguồn tin có giá trị do nhân dân cung cấp, phục vụ hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm và TNXH. Thông qua các nguồn tin tố giác tội phạm của nhân dân, CAPT xã đã trực tiếp và phối hợp với các lực lượng bắt 74 đối tượng truy nã… Điều đáng ghi nhận, CAPT xã đã làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết hiệu quả các vụ việc liên quan đến ANNT ngay từ cơ sở, không để phát sinh phức tạp. 

Đơn cử, những năm trước ở huyện Thanh Trì, tình hình ANNT tương đối phức tạp về nhiều mặt. Bên cạnh những phức tạp về hình sự, ma túy, TNXH, còn có vấn đề “nổi cộm” là người dân tập trung khiếu kiện đông người, vượt cấp, nội dung chủ yếu liên quan đến việc đền bù giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng tới sự ổn định ANTT và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Do bám sát địa bàn, lắng nghe ý kiến của nhân dân, nắm được “mấu chốt” nguyên nhân sâu xa dẫn đến phức tạp là vì một số cán bộ cơ sở (thôn, xã) có vi phạm về quản lý kinh tế, quản lý đất đai, quy chế dân chủ; mặt khác những vấn đề mới phát sinh trong  phạm vi thôn, xóm, xã không được quan tâm, giải quyết dứt điểm, CAPT xã đã báo cáo cấp trên kịp thời xây dựng giải pháp ổn định tình hình ANNT, như kiện toàn đội ngũ cán bộ ở cơ sở, bãi miễn những trưởng thôn không đủ tư cách, tập trung giải quyết những khiếu kiện, vướng mắc của người dân, từng bước thu hẹp các bất đồng và mâu thuẫn… Nhờ đó, đã góp phần ổn định tình hình ở những nơi được coi là “nóng” của huyện. 

Tuyên truyền, vận động nhân dân phòng ngừa tội phạm

Kết quả đánh giá của CATP về hoạt động của lực lượng CAPT xã cũng cho thấy, không chỉ làm tốt chức năng tham mưu, giải quyết kịp thời những vấn đề nổi cộm, không để phát sinh phức tạp ở cơ sở, CAPT xã còn chủ động kiến nghị các biện pháp cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong công tác đăng ký quản lý cư trú. Cụ thể, trong thời gian đầu thực hiện sáp nhập tỉnh Hà Tây về Hà Nội, xuất phát từ thực tiễn địa bàn, CAPT xã đã đề xuất cấp trên chỉ đạo việc tiếp nhận hồ sơ về hộ khẩu ở 110 xã có trụ sở cách trung tâm huyện từ 5km trở lên được giao cho công an xã, thị trấn, góp phần cải cách hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân.

Thượng tá Nguyễn Văn Sửu, Phó Trưởng CAH Thanh Trì cho biết, do địa bàn rộng, xa trung tâm chỉ huy nên CAPT xã thường xuyên phải độc lập tác chiến ngay tại cơ sở. Khi đó, CAPT xã trực tiếp phân loại, xác định vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của CAH thì bàn giao cho đơn vị nghiệp vụ. Đối với vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền công an xã giải quyết thì CAPT xã tham mưu cho công an xã giải quyết theo đúng pháp luật.