"Đám cháy" bùng phát từ mâu thuẫn trong lòng xã hội Pháp

ANTD.VN - Tưởng chừng chỉ là phản ứng thông thường trước quyết định tăng giá nhiên liệu, nhưng cuộc biểu tình của những người phản đối đã bùng phát thành vụ bạo loạn tồi tệ nhất tại Thủ đô Paris kể từ năm 1968, trở thành thách thức lớn nhất với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong 18 tháng cầm quyền.

Những người biểu tình đụng độ với cảnh sát tại Thủ đô Paris

Khi khói từ các đám cháy do người biểu tình đốt phá và đạn hơi cay của cảnh sát tan đi, người Pháp mới giật mình trước cảnh hoang tàn giữa Thủ đô Paris hoa lệ. Khải Hoàn môn, biểu tượng chiến thắng của nước Pháp, nơi đặt “Ngọn lửa chiến sĩ vô danh”, bị đập phá và bôi nhọ. Bức tượng nàng Marianne tượng trưng cho nền Cộng hòa Pháp bị đập vỡ đầu. 

“Paris bốc cháy”, “Chiến trường Paris”, “Chiến tranh ở Khải hoàn môn”…. Tất cả những từ ngữ mà báo chí châu Âu mô tả Paris hôm thứ bảy (1-12) đều không cường điệu. Cảnh tượng bạo lực khó có thể tưởng tượng này buộc người ta phải đi tìm lời giải đáp cho căn nguyên dẫn đến cơn giận dữ kinh hoàng của phong trào “Áo vàng” tập hợp những người biểu tình không đảng phái, không nghiệp đoàn.

Bức tranh đối lập với Paris hoa lệ hay “kinh đô ẩm thực” Lyon

Nước Pháp là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới là điều không ai nghi ngờ. Với tổng sản phẩm quốc nội 2.583 tỷ USD (số liệu năm 2017), Pháp là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới. Đời sống văn hóa đa dạng, hệ thống giáo dục chất lượng, vẻ đẹp mơ mộng của những thành phố xinh đẹp khiến ai đến Pháp cũng chẳng muốn rời đi.

Nói về cơ hội làm giàu ở Pháp ư? Theo nghiên cứu của Bloomberg Billionaires Index, chỉ trong nửa năm 2018, 13 người giàu nhất tại Pháp đã “bỏ túi” tổng cộng 27,6 tỷ USD, tương đương mức tăng 12%, đưa Pháp trở thành quốc gia có tài sản của các tỷ phú tăng mạnh nhất thế giới. Con số này gấp đôi mức tăng của nhóm tỷ phú giàu nhất tại Nhật - quốc gia đứng thứ hai.

 Không một đảng phái nào tại Pháp định hướng phong trào “Áo vàng”. Cũng không công đoàn nào tại Pháp điều khiển “Áo vàng”. “Áo vàng” là sự quy tụ của rất nhiều tầng lớp: người lao động lương thấp, hợp đồng ngắn, người về hưu bị tăng CSG (tiền đóng góp xã hội), công nhân đường sắt đang bị đe dọa sa thải, học sinh- sinh viên phản đối tăng học phí và đòi cải cách đầu vào đại học. Họ xuống đường vì một mục tiêu đã trở thành khẩu hiệu nổi tiếng của nước Pháp: “Tự do, bình đẳng, bác ái”.

Nhưng chỉ cần đi ra khỏi Paris đến nhiều thành phố nhỏ hay các vùng nông thôn xa xôi nghèo khó, người ta sẽ chứng kiến bức tranh đối lập. Sau nhiều thập kỷ phát triển không đồng đều, sự giàu có kinh tế tích tụ về các vùng đô thị lớn quanh Paris, Lyon, Toulouse…, để lại phía sau một nước Pháp nông thôn rộng lớn về lãnh thổ nhưng trống rỗng về của cải.

Tại những nơi này, một nỗi lo sợ thầm lặng đang len lỏi vào từng ngôi nhà. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra như: “Chuyện gì xảy ra khi tôi hết tiền từ ngày 20 của tháng? Tôi lấy gì để bỏ vào tủ lạnh khi không còn xu nào trong tài khoản và hóa đơn tiền điện vẫn cần phải trả? Tôi nên bỏ bữa ăn nào trong ngày hôm nay?”.

Cuộc sống “chạy ăn từng bữa” đã khiến nhiều người dân nghèo Pháp cảm giác bị bỏ rơi, bị bủa vây bởi đói nghèo và bất công xã hội. Nghiêm trọng hơn, những người này nhận ra rằng, suốt bao năm qua thuế liên tục tăng, trợ cấp xã hội cắt giảm, sức mua ngày càng kém đi và tiếng nói của họ thì ngày càng bị phớt lờ, khinh miệt. Và họ quyết định xuống đường để bày tỏ sự phản kháng của mình. 

Chính vì thế “Áo vàng” trước hết là một phong trào phản kháng của người dân bị gạt ra khỏi “con tàu” hướng tới thịnh vượng. Những người mặc “Áo vàng” xuống đường để biểu thị điều mà báo chí Pháp gọi là “colère populaire” - một sự tức giận của quần chúng. Họ phản đối tình trạng bất bình đẳng ngày càng tăng và làm xói mòn cuộc sống của họ. Đó là một tập hợp của những người tạo nên một nước Pháp khác, không phải ở Paris hoa lệ hay “kinh đô ẩm thực” Lyon. 

Cảnh đốt phá tại Thủ đô Paris

Bức xúc tích góp từ nhiều năm

Không phải bây giờ các cuộc phản kháng đó mới xảy ra. Cảnh tượng bạo lực tại Thủ đô Paris cuối tuần trước gợi người ta nhớ đến cuộc bạo loạn hồi năm 2005 từng khiến cả nước Pháp hỗn loạn, mà nguyên nhân là sự phân hóa giàu nghèo, bất công xã hội. Bùng phát ở ngoại ô Paris, các vụ bạo lực sau đó đã lan khắp cả nước Pháp, từ vùng Normandy ở phía bắc đến các khu nghỉ dưỡng trên bờ Địa Trung Hải ở miền Nam. Tổng thống Pháp khi đó là ông Jacques Chirac đã ngay lập tức có cuộc gặp lãnh đạo giới doanh nghiệp và nghiệp đoàn để thảo luận về khả năng tuyển dụng thanh niên ở các khu vực nghèo nhằm tháo “ngòi nổ” mâu thuẫn xã hội.

Kể từ khi lên nắm quyền từ cách đây 18 tháng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm định hình lại nền kinh tế và cải cách các cơ quan công quyền. Trong số những biện pháp cải cách của ông có nhiều biện pháp gây tranh cãi. Trước hết là việc cho phép nới lỏng các luật về thuê và sa thải người lao động, quyết định đã khiến chỉ số tín nhiệm dành cho ông chủ Điện Elysée đang giảm xuống mức thấp. 

Ông Macron cũng là người kiên định chủ trương tăng thuế nhiên liệu mà ông cho là cần thiết để giảm sự phụ thuộc của Pháp vào nhiên liệu hóa thạch và tài trợ các khoản đầu tư năng lượng tái tạo được - nền tảng cho những cải cách quốc gia của ông. Theo quyết định của ông Macron, thuế xăng sẽ tăng thêm 6,5 cent/lít dầu diesel và 2,9 cent/lít kể từ ngày 1-1-2019 nhằm đối phó với tình trạng Trái đất nóng lên.

Viễn cảnh một “nước Pháp xanh” mà ông Macron vẽ lên trên cơ sở Pháp sẽ đầu tư mạnh vào sản xuất điện gió và điện Mặt trời. Khi Chính phủ Pháp đưa ra chính sách tăng thuế đánh vào xăng dầu, mà mục đích là để có thêm tiền tài trợ cho chiến lược dài hơi về chuyển đổi sang các ngành năng lượng xanh, họ không ngờ rằng chỉ vài chục cent tăng lên trên mỗi lít nhiên liệu lại đủ để làm tràn cả ly nước giận dữ, làm bùng lên một vấn đề xã hội tiềm ẩn lâu nay của nước Pháp, đó là sự không thỏa mãn của nhiều người dân với các chính sách cải tổ nền kinh tế tự do 40 năm qua. 

Tất cả những mặc cảm, bức xúc, giận dữ… đó không phải do vị Tổng thống trẻ Emmanuel Macron tạo ra mà là tích góp bao năm qua từ các đời Tổng thống trước đó của các ông Chirac, Sarkozy, Hollande. Nhưng ông Macron là người phải đối mặt với sự bùng phát hiện nay. Không những thế, những người xuống đường biểu tình chỉ trích ông Macron là Tổng thống của người giàu. Họ cáo buộc ông, một người có lập trường trung dung ủng hộ giới doanh nghiệp, là dửng dưng trước những vất vả của người dân Pháp bình thường. 

Nhiều người biểu tình cho rằng ông Macron đang cân bằng ngân sách của mình trên lưng họ trong khi không chịu lắng nghe những lo lắng của họ. Trong dòng người biểu tình, một dòng chữ viết nguệch ngoạc với nội dung “Elysée của người dân” được căng lên, chế giễu Điện Elysée của Tổng thống Macron. Nhiều người biểu tình thì giơ những biểu ngữ như: “Macron, đừng xem chúng tôi như những kẻ ngốc nữa!”. Những khẩu hiệu đó đã nói lên tất cả.