Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt: Ngành đường sắt còn đủng đỉnh

ANTĐ - TNGT đường sắt diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các nút giao cắt giữa đường sắt với đường ngang dân sinh. Trong khi ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người dân còn chưa cao thì ngành đường sắt dường như vẫn đứng ngoài cuộc trong việc đảm bảo trật tự ATGT đường sắt tại các địa phương.
Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt: Ngành đường sắt còn đủng đỉnh ảnh 1

Tai nạn đường sắt rình rập tại các đường ngang dân sinh bởi sự mất an toàn và ý thức của người dân còn kém - Ảnh: THUẦN THƯ

Địa phương ráo riết

Tại buổi làm việc của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội với UBND TP Hà Nội về ATGT đường sắt trên địa bàn TP Hà Nội chiều 8-9, ông Hồ Trọng Ngũ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhìn nhận, TNGT đường sắt đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Nếu ngành đường sắt và các địa phương không tìm ra nguyên nhân và có những giải pháp triệt để, hữu hiệu hơn thì rất khó đạt được chỉ tiêu về ATGT năm 2015 mà Quốc hội đề ra.

Riêng trên địa bàn Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội cho hay, có 584 đường ngang giao cắt với đường sắt, trong đó 181 vị trí có người gác và rào chắn hoặc đèn tín hiệu, còn tới 403 vị trí do địa phương hoặc người dân sinh sống hai bên đường tự mở, không có rào chắn, đèn tín hiệu. Hầu hết các đường ngang đều có tầm nhìn hạn chế, độ dốc lại quá lớn so với quy định.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 15 vụ TNGT đường sắt, làm chết 11 người, bị thương 5 người. So với cùng kỳ năm 2014 tăng 2 vụ, tăng 3 người bị thương. Ngoài ra, đã phát hiện, xử lý 7.200 trường hợp vi phạm quy định về giao thông đường sắt, phạt tiền hơn 850 triệu đồng. 

Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, lực lượng công an các quận, huyện thường xuyên tổ chức tuyên truyền về ATGT đường sắt cho dân cư sinh sống dọc các tuyến đường sắt. Ngoài ra, lực lượng CSGT phối hợp với công an các quận, huyện phân luồng, điều tiết giao thông tại các nút giao với đường sắt. Trong 32 cụm loa tuyên truyền về giao thông mà CATP lắp đặt, có 10 cụm loa được lắp đặt tại các nút giao giữa đường sắt với đường ngang dân sinh. Theo đánh giá của ông Hồ Trọng Ngũ, Hà Nội đã chủ động và vào cuộc quyết liệt trong việc đảm bảo trật tự ATGT đường sắt. 

Ngành đường sắt vẫn đủng đỉnh

Tuy nhiên, ngành đường sắt vẫn chưa thực sự chủ động vào cuộc, làm tròn vai mà luật đã phân cấp, quy định. Ông Uông Đức Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín phản ánh, trên địa bàn huyện có 174 đường ngang giao cắt, nhưng chỉ có 5 đường ngang có gác chắn do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) quản lý. TNGT đường sắt trên địa bàn diễn biến rất phức tạp, nhưng ngành đường sắt vẫn khá dửng dưng.

“Huyện đã tổ chức giải phóng mặt bằng dân cư hai bên đường sắt để VNR cắm mốc giới an toàn, thi công các công trình ATGT đường sắt. Nhưng đến nay, thi công xong rồi mà VNR không trả tiền cho dân, hiện vẫn nợ người dân 3,9 tỷ đồng tiền GPMB. Chúng tôi kiến nghị Trung ương bố trí vốn cho VNR để VNR có kinh phí chi trả tiền cho dân”, ông Uông Đức Ngọc đề xuất. 

Tương tự, ông Nguyễn Đức Hải, Phó chủ tịch UBND quận Hoàng Mai thông tin, quận đã cắm mốc giới để GPMB dân cư hai bên đường sắt, nhưng đến nay VNR vẫn không có kinh phí chi trả nên không triển khai tiếp được. “Nếu VNR chưa có kinh phí thì theo tôi, giải pháp trước mắt, đối với những đường ngang dân sinh nào bất hợp pháp thì VNR rào lại, bàn giao cho địa phương quản lý”, ông Nguyễn Đức Hải đề xuất.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị, Bộ GTVT cần rà soát lại Luật Đường sắt, đối chiếu vào việc quản lý Nhà nước xem cái gì ngành đường sắt làm được, cái gì không làm được, phân cấp trách nhiệm cho các ngành, địa phương rõ hơn. “Vai trò của các địa phương với đường sắt quốc gia chỉ là phối hợp nên rất bị động. Hà Nội thời gian qua rất chủ động trong việc đảm bảo ATGT đường sắt, hầu như toàn Hà Nội “mời” đường sắt sang làm việc, phối hợp”, ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay. 

Kết luận buổi làm việc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Hồ Trọng Ngũ cho biết: “Chúng tôi cơ bản đồng ý với những kiến nghị, đề xuất của Hà Nội và sẽ tham vấn cho Quốc hội, Chính phủ trong việc sửa đổi, bổ sung quy định về ATGT đường sắt theo hướng rõ ràng, cụ thể hơn trong trách nhiệm các ngành, địa phương”.