Đảm bảo minh bạch, công bằng cho chiến dịch tiêm vaccine quy mô lớn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội đang khẩn trương hoàn tất mọi công tác chuẩn bị cho chiến dịch tiêm vaccine quy mô nhất trong lịch sử, nhằm trang bị cho công dân của mình thứ vũ khí quan trọng trước “giặc” Covid-19. Sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng đó là để chiến dịch diễn ra được an toàn, công khai, minh bạch và công bằng theo đúng quy định.
Hiện thành phố Hà Nội đã sẵn sàng cho chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 quy mô lớn an toàn và hiệu quả nhất

Hiện thành phố Hà Nội đã sẵn sàng cho chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 quy mô lớn an toàn và hiệu quả nhất

Phương án kỹ lưỡng, chu đáo

Tình hình dịch Covid-19 ở thành phố Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, nhất là TP.HCM và các tỉnh phía Nam, đang diễn biến rất phức tạp với số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng cao. Vào trưa 22-7, Hà Nội lại ghi nhận thêm 34 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi đã công bố 17 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong sáng cùng ngày.

Như vậy, tính trong đợt dịch Covid-19 thứ 4 hiện nay (tính từ 29-4 đến trưa 22-7), toàn thành phố đã ghi nhận 605 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó riêng từ ngày 5-7 đến nay là 336 trường hợp mắc mới. Các trường hợp nhiễm bệnh tiếp tục gia tăng cho dù Hà Nội đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của mầm bệnh cũng như kiểm soát sự lây lan, xuất hiện các ổ dịch mới trên địa bản.

Những diễn biến nhanh và rất phức tạp của dịch bệnh cho thấy, bên cạnh việc thực hiện “5K” cũng rất cần nhanh chóng thực hiện chiến lược vaccine, khẩn trương tiến hành tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân thành phố. Nhằm thực hiện chiến lược vaccine, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ngày 22-7 đã ký ban hành Phương án triển khai chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 trên địa thành phố. Theo đó, thành phố triển khai chiến dịch tiêm chủng trên quy mô lớn nhằm phòng ngừa chủ động, tạo miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất.

Mục tiêu trước mắt của Hà Nội là triển khai chiến dịch tiêm chủng với yêu cầu thực hiện tối đa 200.000 mũi tiêm/ngày. Có thể nói đây là mục tiêu khá cao, trong bối cảnh cả thành phố đang áp dụng các biện pháp mạnh nhằm phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh nên đòi hỏi sự tham gia, vào cuộc của không chỉ lực lượng y tế mà cả các tổ Covid-19 cộng đồng cũng như lực lượng công an, quân đội…

Theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12-11-2018, để tiêm được 200.000 mũi tiêm/ngày, thành phố cần ít nhất 1.000 dây chuyền tiêm vaccine. Để dự phòng trong trường hợp có dây chuyền tiêm chủng không hoạt động được vì các lý do khác nhau, Hà Nội cần chuẩn bị 1.200 dây chuyền tiêm. Hiện tại, thành phố sẵn có và bố trí thêm trước mắt được 704 dây chuyền tiêm; nên cần bổ sung thêm 496 dây chuyền tiêm mới. Chủ tịch UBND thành phố đã yêu cầu ngành y tế Hà Nội khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, vật tư y tế, con người để thiết lập đủ số dây chuyền tiêm còn lại. 1.200 dây chuyền tiêm phải thật đồng bộ, đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đồng thời xây dựng kịch bản tổ chức tiêm một cách chi tiết, khoa học, bài bản gắn với cơ chế vận hành đồng bộ, thống nhất, thông suốt; triển khai tập huấn, huấn luyện và diễn tập các phương án tiêm chủng.

Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội có nhiệm vụ chủ trì phối hợp rà soát ngay điều kiện tiếp nhận, bảo quản vaccine phòng Covid-19 với số lượng lớn (từ 1 triệu liều trở lên). Hiện khả năng tiếp nhận tối đa của thành phố Hà Nội trong cùng một thời điểm khoảng 1,3 triệu liều vaccine phòng Covid-19 theo quy cách đóng gói của vaccine AstraZeneca. Do đó, Sở Y tế phải tính toán năng lực tiếp nhận tương ứng với các chủng loại vaccine khác nhau; bao gồm cả những vaccine đòi hỏi điều kiện bảo quản phức tạp như Pfizer (bảo quản nhiệt độ -74 độ C); lên phương án vận chuyển, phân phối vaccine cho các điểm tiêm bảo đảm an toàn, chất lượng, kịp thời. Cùng với đó, thành phố huy động 100 tổ cấp cứu cơ động để sẵn sàng đáp ứng trong bất kỳ tình huống sự cố tiêm chủng nào.

Đặt an toàn, hiệu quả tiêm vaccine lên hàng đầu

Trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 22-7, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ, cử tri và nhân dân cho rằng trong bối cảnh khan hiếm vaccine Covid-19 toàn cầu, cam kết của các nhà cung ứng lỏng lẻo, vaccine trong nước chưa sản xuất được, phải có giải pháp thật sự đột phá, khả thi thì mới đạt được tỉ lệ tiêm chủng 75% dân số của cả nước như kế hoạch. Trước những băn khoăn, lo lắng của cử tri và nhân dân, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị, Chính phủ chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm minh bạch, bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine của người dân.

Cùng ngày 22-7, khi tiếp xúc cử tri quận Đống Đa trước kỳ họp thứ 2, HĐND thành phố khóa XVI, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cũng đã giải đáp những câu hỏi, băn khoăn của của cử tri về việc tiêm vaccine phòng Covid-19. Ông nêu rõ, thành phố đã xây dựng Phương án tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 với mục tiêu nhanh nhất, trong thời gian ngắn nhất nhưng phải đảm bảo an toàn; tính toán từng khâu từ khám sàng lọc đến việc đảm bảo “5K”; chỉ đạo toàn hệ thống chính trị phải vào cuộc với trách nhiệm cao nhất... đồng thời truyền thông đầy đủ tới người dân, cơ sở về chiến dịch quan trọng này.

Theo phương án, kế hoạch của thành phố, trong năm 2021, triển khai chiến dịch ngay sau khi tiếp nhận vaccine phòng Covid-19 đảm bảo đúng tiến độ yêu cầu. Khi nguồn vaccine chưa đủ sẽ phân bổ số lượng vaccine cho các quận, huyện, thị xã theo thứ tự ưu tiên: Có ca F0 mới, có nhiều khu công nghiệp, có mật độ dân cư cao, có nhiều địa điểm thường tập trung đông người, nhiều ngành nghề dịch vụ, nhiều trường học, giáp ranh các tỉnh có dịch bệnh diễn biến phức tạp, cửa ngõ giao thông đi lại, có khu cách ly tập trung.... Khi có đủ vaccine sẽ triển khai đồng loạt trên toàn thành phố.

Ngoài ra, căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh thực tế tại thời điểm triển khai chiến dịch sẽ có điều chỉnh, ưu tiên cụ thể cho từng địa phương nhằm đảm bảo tối ưu nhất cho công tác phòng chống dịch bệnh với nguyên tắc: Ưu tiên tiêm trước cho các nhóm đối tượng ở các quận, huyện đang có dịch (theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26-2-2021 của Chính phủ). Kế hoạch cũng đề cập nguyên tắc tiêm mũi 1 bằng loại vaccine nào thì tiêm mũi 2 bằng loại vaccine đó. Với người được tiêm mũi 1 bằng vaccine Covid-19 của AstraZeneca, có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine của Pfizer, khoảng cách từ 8-12 tuần sau tiêm mũi 1.

Nhằm tránh thắc mắc, khiếu nại, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng trong phân bổ vaccine cho các quận, huyện, thị xã sẽ tăng cường công tác truyền thông tới các cấp chính quyền và người dân để đồng thuận theo chủ trương của thành phố. Thành phố yêu cầu, các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm phân bổ vaccine cho các điểm tiêm theo số lượng đối tượng đăng ký và theo đúng nhóm đối tượng đã được hướng dẫn. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, Hà Nội sẵn sàng phương án, kịch bản tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cụ thể tới từng điểm tiêm, bảo đảm công khai minh bạch, đúng đối tượng tiêm, đúng nguyên tắc, đúng quy định và đặt công tác an toàn, hiệu quả tiêm chủng lên hàng đầu.