Đảm bảo an ninh kinh tế, tài chính, tiền tệ góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước

ANTĐ - Trong các giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo việc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng đã nêu: “Để phát triển bền vững, đảm bảo sự ổn định, tăng khả năng độc lập, tự chủ của đất nước, nhất thiết phải tăng cường tiềm lực và đảm bảo an ninh kinh tế, đi đôi với củng cố quốc phòng, an ninh”. 

Đảm bảo an ninh kinh tế, tài chính, tiền tệ tạo nền tảng cho môi trường kinh doanh, sản xuất được ổn định, phát triển

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng tiếp tục khẳng định: “Sự ổn định và phát triển bền vững về mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội là nền tảng vững chắc của quốc phòng - an ninh. Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trên từng địa bàn”. 

Quán triệt các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, những năm qua, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp; kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức; các thế lực thù địch, phản động tăng cường hoạt động chống phá; tình hình tội phạm có xu hướng gia tăng; những yếu tố tác động tiêu cực đến an ninh, trật tự còn nhiều phức tạp. Trước tình hình đó, lực lượng Công an nhân dân đã tập trung thực hiện tốt chức năng tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các ngành kinh tế, tài chính, tiền tệ và các tổ chức kinh tế, xã hội, phát huy vai trò nòng cốt, triển khai quyết liệt nhiều kế hoạch, biện pháp đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bọn phản động và các loại tội phạm trên lĩnh vực kinh tế, tài chính, tiền tệ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước. 

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các chủ trương, giải pháp đảm bảo an ninh kinh tế, tài chính, tiền tệ; kết hợp kinh tế, tài chính, tiền tệ với an ninh, an ninh với kinh tế, tài chính, tiền tệ còn bộc lộ một số thiếu sót, bất cập, nhất là trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Tình hình tội phạm kinh tế, tham nhũng, lãng phí, nhất là trên lĩnh vực tài chính, tiền tệ xảy ra rất phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của Nhà nước, tổ chức và công dân.

Nguyên nhân tình trạng trên có nhiều, nhưng chủ yếu là do cấp ủy, lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức kinh tế, tài chính, tiền tệ chưa nhận thức đúng đắn, đầy đủ vị trí, tầm quan trọng của công tác đảm bảo an ninh kinh tế, tài chính, tiền tệ, còn chủ quan, sơ hở, mất cảnh giác, chưa chú trọng bảo vệ bí mật nhà nước; đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, nhân viên bị suy thoái, xuống cấp, thậm chí móc nối với đối tượng bên ngoài để thực hiện hành vi phạm tội.

Trong thời gian tới, tình hình kinh tế, tài chính, tiền tệ thế giới, khu vực còn diễn biến phức tạp; các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống tiếp tục gia tăng, trong đó an ninh kinh tế, tài chính, tiền tệ và an ninh mạng đang đặt ra nhiều thách thức lớn đối với lợi ích và an ninh của nhiều quốc gia. Nước ta vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp. Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại. Do tác động của những khó khăn về kinh tế - xã hội và ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài, tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, tiền tệ sẽ diễn biến phức tạp với tính chất và mức độ nguy hiểm hơn so với trước đây.

Để đảm bảo an ninh kinh tế, tài chính, tiền tệ, cần đổi mới nhận thức, tư duy về vị trí, tầm quan trọng của công tác đảm bảo an ninh kinh tế, tài chính, tiền tệ trong chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia; theo đó, an ninh kinh tế, tài chính, tiền tệ là nền tảng và là cơ sở quan trọng cho việc hoạch định chiến lược an ninh quốc gia. Đây là trách nhiệm của các cấp, các ngành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, trong đó lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt, có ý nghĩa góp phần tạo ra tiền đề, môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Vì vậy, cần xem đây là bộ phận cấu thành quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cũng như chiến lược phát triển trong từng ngành, lĩnh vực kinh tế, tài chính, tiền tệ của đất nước.

Cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả phương châm, nguyên tắc là “chủ động phòng ngừa, giữ vững bên trong là chính”, “tự bảo vệ mình là chính”. Xác định “chủ động phòng ngừa, giữ vững bên trong” không đơn thuần chỉ là bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, mà là một nội dung cốt lõi của từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ngay trên từng địa bàn; đi liền đó là hệ thống các giải pháp thiết thực, khả thi, phục vụ có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về cơ cấu lại nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội. Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch công tác công an đảm bảo an ninh, trật tự trong quá trình thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ động nắm tình hình việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về kinh tế, tài chính, tiền tệ; kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót để tham mưu với Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục. Tham mưu, phối hợp giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện, đình công, lãn công, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng lao động và quyền lợi của người lao động, đồng thời đấu tranh vô hiệu hóa hoạt động lợi dụng kích động công nhân đình công, lãn công của các thế lực thù địch, phản động. Chủ động phối hợp giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vấn đề kinh tế - xã hội phức tạp nảy sinh có liên quan đến an ninh, trật tự, các vụ kiện, tranh chấp kinh tế, thương mại quốc tế, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia và của doanh nghiệp Việt Nam. 

Quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và quy định của Nhà nước về công tác tổ chức, cán bộ, bảo vệ an ninh chính trị nội bộ. Chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp bảo vệ chặt chẽ an ninh chính trị nội bộ, vô hiệu hoá hoạt động thâm nhập, tác động, thông qua kinh tế nhằm chuyển hóa nội bộ, thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động. Tăng cường bảo vệ bí mật nhà nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cũng như ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp và của cán bộ, công nhân viên đối với công tác này; coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cơ quan, tổ chức kinh tế, tài chính, tiền tệ, trong đó phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. 
Chủ động nắm tình hình, sớm phát hiện những biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ cơ quan, tổ chức kinh tế, tài chính, tiền tệ để giải quyết, xử lý kịp thời. Tập trung phát hiện những cán bộ, đảng viên có biểu hiện mơ hồ về lập trường chính trị, có quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch; có lối sống thực dụng, phẩm chất đạo đức không lành mạnh, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để đấu tranh, xử lý theo các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tăng cường công tác trao đổi, phối hợp giữa cơ quan Công an với các cơ quan, tổ chức kinh tế, tài chính, tiền tệ trong đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Xây dựng các quy định, quy trình, quy chuẩn, hệ thống bảo đảm an toàn, an ninh mạng; hệ thống phát hiện, cảnh báo các dấu hiệu bất thường liên quan đến công tác bảo mật; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong rà soát, phát hiện và phòng ngừa sự cố, khắc phục lỗ hổng bảo mật. Tổ chức kiểm tra, đánh giá toàn diện công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin tại các cơ quan, tổ chức kinh tế, tài chính, tiền tệ; từ đó đề ra các giải pháp khắc phục và phòng ngừa nguy cơ mất an ninh, an toàn mạng, bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng. 

Tiếp tục thực hiện các biện pháp công tác công an góp phần thực hiện có hiệu quả các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Tăng cường công tác phát hiện, đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, quản lý sử dụng đất đai, vốn, tài sản của Nhà nước; phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, xử lý, đảm bảo đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không để oan sai, thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, hạn chế thiệt hại xảy ra.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông đại chúng, các ngành kinh tế, tài chính, tiền tệ trong công tác tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, công nhân viên và nhân dân về các phương thức, thủ đoạn phạm tội của số đối tượng hoạt động "tín dụng đen", lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về kinh tế, tài chính, tiền tệ, phát hiện kịp thời những sơ hở, thiếu sót, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành bổ sung, sửa đổi, có biện pháp khắc phục, không để tội phạm lợi dụng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tài sản của Nhà nước, tổ chức và công dân.

Nghiên cứu, hoàn thiện bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về an ninh, an toàn đối với hoạt động kinh tế - kỹ thuật, dịch vụ tài chính, tiền tệ, nhất là ở những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và các lĩnh vực nhạy cảm, then chốt của nền kinh tế. Hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn này phải tương thích với chuẩn quốc tế, phù hợp với từng ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ; là cơ sở quan trọng cho việc tạo lập, quản lý, giám sát an ninh, an toàn hoạt động của các loại thị trường, nhất là thị trường vốn, tiền tệ và các thị trường khác. Khẩn trương thiết lập, vận hành hệ thống quản lý, giám sát, cảnh báo các hiểm họa, các nguy cơ đe dọa gây mất an ninh, an toàn hoạt động kinh tế - kỹ thuật, dịch vụ tài chính, tiền tệ.

Đảm bảo an ninh kinh tế, tài chính, tiền tệ và phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực này là nhiệm vụ hết sức quan trọng, vừa cấp bách, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, đòi hỏi quyết tâm cao, sự kiên trì, bền bỉ, sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Công an với các cấp, các ngành kinh tế, tài chính, tiền tệ. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả cơ chế phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị; nâng cao trách nhiệm, vai trò chủ động của các ngành, đoàn thể, cán bộ, công nhân viên các cơ quan, tổ chức đối với việc khắc phục các sơ hở, thiếu sót trong hoạt động kinh tế, quản lý tài chính, tiền tệ; phòng ngừa, phát hiện đấu tranh với tội phạm kinh tế, tội phạm tham nhũng, lãng phí và các vi phạm pháp luật khác là nhiệm vụ chiến lược, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.