Đại tướng Jong Un có thoát được cái bóng của người cha?

ANTĐ - Sau khi đám tang của nhà lãnh đạo lâu năm Kim Jong-il kết thúc, mọi chú ý bắt đầu tập trung vào tương lai của Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của con trai út kiêm người kế nhiệm của ông Jong Il là Jong Un. 
Trong khi đang cố thoát ra khỏi cái bóng của người cha, thì đại tướng Jong Un - nhân vật kế nhiệm chưa qua thử thách, lại bị nặng gánh là thực thi những nhiệm vụ khó khăn như chống đỡ nền kinh tế, đảm bảo có được sự ủng hộ vững chắc của người dân và thiết lập vai trò lãnh đạo có uy tín trong số hàng loạt công việc cần làm khác. 

Đại tướng Jong Un, người đã được chỉ định là lãnh đạo kế tiếp ở Triều Tiên và được nội bộ công nhận từ tháng 1/2009, đã được giới thiệu với thế giới bên ngoài là người kế nhiệm nhà lãnh đạo Kim Jong Il vào tháng 9/2010 trong hội nghị của đảng cầm quyền Lao động ở Triều Tiên.

Bề ngoài, quá trình chuyển giao quyền lực từ cha sang con diễn ra suôn xẻ với việc truyền thông quốc gia Triều Tiên gọi đại tướng Jong Un là lãnh đạo tối cao của đảng cầm quyền lẫn quân đội gồm 1,2 triệu binh sĩ.

Trong một bài viết đăng ngày 28/12 của nhật báo chính thức của đảng Lao động là Rodong Sinmun có đoạn, các quan chức cấp cao của Triều Tiên cam kết trung thành với đại tướng Jong Un và khẳng định, họ sẽ "tuân thủ sự lãnh đạo của ông" nhằm đạt được mục tiêu trở thành một quốc gia hùng mạnh.

Bất chấp việc giới truyền thông liên tục đề cập tới đại tướng Jong Un là lãnh đạo kế tiếp của Triều Tiên, các chuyên gia vẫn cho rằng việc cấp bách với nhân vật này hiện thời là xây dựng một vai trò lãnh đạo mạnh nhằm đảm bảo sự trung thành của tầng lớp lãnh đạo và người dân với chính ông.

Trong giai đoạn ngắn, đại tướng Jong Un sẽ lãnh đạo đất nước một cách suôn sẻ với những người bảo hộ, vốn trợ giúp cho ông trong việc điều hành các vấn đề nhà nước, song giới phân tích nhận định rằng, sự ủng hộ với đại tướng Jong Un sẽ bị xói mòn trong trường hợp có tranh giành quyền lực.

Chuyên gia về Triều Tiên tại đại học Kwandong, ông Chung Kyu-sup cho rằng vào thời điểm này, đại tướng Jong Un vẫn đi theo các chính sách được vạch ra từ thời cha mình và tránh ra những quyết định có thể gây hại tới sự ổn định của đất nước. "Về cơ bản, cộng đồng quốc tế sẽ vẫn theo dõi sát sao việc chuyển giao quyền lực sang thế hệ thứ ba và hệ thống lãnh đạo độc nhất ở Triều Tiên, ít có khả năng Bình Nhưỡng sẽ thực thi ngay việc cải tổ, mở cửa và tuyên bố từ bỏ tham vọng hạt nhân".