Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản bác bỏ luận điệu sai trái của Trung Quốc

ANTĐ - Ngày 19-6, tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản đã đăng tải bài viết của Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng phản bác những luận điệu và hành động sai trái của Trung Quốc tại biển Đông liên quan tới việc thăm dò dầu khí trái phép của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Bản tin phát thanh ngày 20-6-2014 do Báo An ninh Thủ đô sản xuất
Trong bài viết, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng nhấn mạnh: Việt Nam đã công bố nhiều bằng chứng chính thống thể hiện chủ quyền đối với quần đảo này. Ít nhất từ thế kỷ 17, Việt Nam đã khai thác sản vật trên quần đảo này và bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền của quốc gia khác qua lại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Các hoạt động này đều được ghi lại trong các văn bản chính thức của nhà nước thời kỳ này. 
Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định có chủ quyền “không thể tranh cãi” từ thời kỳ Bắc Tống, nhưng “tư liệu lịch sử” của Trung Quốc không có căn cứ rõ ràng. Trong các tài liệu cũng không có sự nhất quán về tên quần đảo và cách giải thích, và không chứng minh được chủ quyền của Trung Quốc.  

Liên quan đến việc Trung Quốc vu cáo Việt Nam đâm tàu của Trung Quốc hơn 1.500 lần và cản trở các hoạt động của Trung Quốc, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng nói: “Thật khó tin trong thời đại hiện nay, những cáo buộc xuyên tạc và thiếu căn cứ này vẫn còn có thể tồn tại”. 

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản bác bỏ luận điệu sai trái của Trung Quốc ảnh 1
Giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương 981) Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam


Đại sứ Đoàn Xuân Hưng một lần nữa nhấn mạnh, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương 981) trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế như Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc và vi phạm Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông giữa Trung Quốc và Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN).

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng đồng thời chỉ rõ, từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, không có nước nào công nhận quần đảo Hoàng Sa là của Trung Quốc. Tuyên bố Cairo, tuyên bố Postdam và Hiệp định San Francisco đã liệt kê tất cả các vùng lãnh thổ được hoàn trả cho Trung Quốc nhưng không bao gồm quần đảo Hoàng Sa. Chính quyền Tưởng Giới Thạch đã tham gia vào quá trình thảo luận để đưa ra hai tuyên bố này nhưng cũng không đề cập gì đến quần đảo Hoàng Sa. 

Năm 1974, lợi dụng chiến tranh tại Việt Nam, Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực từ chính quyền miền Nam Việt Nam. Hành động chiếm lãnh thổ nước khác bằng vũ lực vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng khẳng định: Chính phủ Việt Nam rất coi trọng quan hệ với Trung Quốc nhưng sẽ kiên quyết áp dụng mọi biện pháp hòa bình mà luật pháp quốc tế cho phép để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ hòa bình và công lý. Việt Nam mong muốn nhân nhân thế giới, trong đó có nhân dân Nhật Bản tiếp tục ủng hộ nhân dân Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản bác bỏ luận điệu sai trái của Trung Quốc ảnh 2
Các tàu Trung Quốc bám sát, cản trở tàu Cảnh sát biển Việt Nam thực thi pháp luật


Còn tại hiện trường khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương-981), đại diện Cục Kiểm ngư cho biết, gần khu vực tàu cá của ta đánh bắt có khoảng 35-38 tàu cá của Trung Quốc được sự hỗ trợ của 2 tàu Hải cảnh có số hiệu  46102, 44608 tiến hành dàn hàng ngang, ngăn cản, chặn hướng và ép các tàu cá của ta ra xa không cho hoạt động ở gần giàn khoan.
Theo đó, các tàu Trung Quốc gồm: tàu Hải cảnh 44101, 45101, 44102, 2401, 3383; tàu Hải tuần 21; tàu kéo 263, Haishan và tàu Hải giám 2168 thường xuyên bám sát, ngăn cản các tàu của Việt Nam thực thi pháp luật trên vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, các tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư của ta vẫn kiên trì bám trụ, cơ động vòng tránh. Cũng trong sáng 19-6, theo quan sát trên thực địa, hai tàu quân sự loại quét mìn lớp T43 xuất hiện ở hướng Nam giàn khoan Hải Dương-981 trong khoảng cách 18 đến 21 hải lý.
Hiện, lực lượng bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc có khoảng 106-115 tàu các loại; trong đó có 37-39 tàu Hải cảnh, 12-14 tàu vận tải, 17-19 tàu kéo, 35-38 tàu cá và vẫn duy trì 5 tàu quân sự.
Cung cấp thông tin tại hiện trường thực địa, đại diện Cục Kiểm ngư cho hay, trong ngày vị trí của giàn khoan Hải Dương 981 vẫn không có gì thay đổi.