Đại Nghĩa đã từng diễn hài trong nước mắt và nỗi đau mất mát

ANTĐ - Đại Nghĩa đã được khán giả yêu Hài kịch miền Nam biết đến từ lâu, nhưng từ sau cuộc thi Bước nhảy Hoàn vũ năm 2010, khán giả miền Bắc mới thực sự biết đến diễn viên hài Đại Nghĩa và yêu mến anh.

Từ khi mới vào nghề, Đại Nghĩa đã từng đóng vai anh lính chạy ngang sân khấu, từ đó cho đến một vai diễn có tên, rồi vai phụ, vai chính… là một hành trình dài, “gian nan nhưng không nản”. Đại Nghĩa luôn là thế: là người khi đã đam mê thì biết chấp nhận thử thách, biết tìm cách vượt qua trở ngại, biết học hỏi cầu tiến để vươn lên và biết sống chết với niềm đam mê của mình.

Những kỉ niệm hú hồn thời thơ ấu

Đại Nghĩa là con trai duy nhất trong gia đình. Ba Đại Nghĩa là con trai trưởng nên Đại Nghĩa là đứa cháu đích tôn được sự chờ đón của cả họ bên nội. Mẹ Đại Nghĩa trùng hợp thay cũng là con gái lớn nên Đại Nghĩa cũng là đứa cháu đầu tiên được ra đời trong sự mong mỏi của gia đình bên ngoại. Vì những lý do đó nên việc Đại Nghĩa cất tiếng khóc chào đời là một sự kiện lớn với gia đình hai bên nội ngoại.

Là cháu đích tôn nên từ nhỏ Đại Nghĩa được cả gia đình cưng chiều, yêu mến, đi đâu cũng được nâng niu, chiều chuộng. Cũng vì thế mà từ nhỏ Đại Nqhĩa đã khiến gia đình được vài phen hú hồn. Năm Đại Nghĩa 2 tuổi, một sự cố lớn đã xảy ra. Lúc đó, bà ngoại Đại Nghĩa làm giám đốc một xưởng may, đã tổ chức cho công nhân đi chơi ở Vũng Tàu bằng chiếc tàu lớn vào dịp cuối năm. Tuy nhiên chuyến tàu hôm đó gặp nạn, do bị sự cố nên dần chìm xuống.

May mắn sao lúc ba Đại Nghĩa lên boong tàu ngồi hóng gió, ông đã phát hiện chiếc tàu đã bị chìm một phần đuôi. Ông vội báo động để mọi người thoát ra ngoài. Những người trên tàu lúc này trở nên nhốn nháo và hỗn loạn, chen lấn nhau để chui ra, nhưng càng hỗn loạn thì chiếc tàu càng mất thăng bằng và chìm nhanh hơn. Trong lúc hoảng loạn, may mắn sao ba Đại Nghĩa đã kéo được mẹ con Đại Nghĩa ra rồi đẩy lên bờ. Sau khi đưa vợ con vào bờ an toàn, ông lại tiếp tục nhảy xuống để cứu những người khác. Chuyến đi hôm đó đã làm người chị họ của Đại Nghĩa thiệt mạng. Đó là một kĩ niệm tuổi thơ kinh hoàng với Đại Nghĩa.

Cuộc đời Đại Nghĩa có vài lần chết hụt như thế. Lúc khoảng 3-4 tuổi, Đại Nghĩa cầm cái bánh cam đi lên lầu bằng cầu thang sắt (giữa các bậc thang có khoảng trống), không biết đi đứng làm sao mà đến bậc cuối cùng bị lọt qua cái khoảng trống của cầu thang. Cũng may, Đại Nghĩa nhanh tay chụp kịp thành bậc thang. Vậy là một tay Đại Nghĩa bám vào bậc thang, còn tay kia... vẫn cầm cái bánh cam chứ không chịu buông. Cậu bé Đại Nghĩa bị treo lơ lửng một tay, phía dưới là hồ nước bằng đá, mấy cái lu đựng vôi và mấy cây chổi quét cắm bên trong chĩa cán lên nhọn hoắt.

 

Nếu hôm đó mà tuột tay rớt xuống thì có lẽ giờ này Đại Nghĩa không còn có cơ hội diễn hài cho khán giả xem. Ba mẹ nghe tiếng hét, chạy ra thấy Đại Nghĩa như vậy thì hốt hoảng vô cùng. Ba chạy lên kéo con trai hay nghịch dại ra, còn Đại Nghĩa khóc quá trời nhưng cái bánh cam... vẫn còn nguyên trong tay. Một lần đi bơi với người em họ, vì mải đùa giỡn mà cả hai anh em cùng chìm xuống và bị sặc nước. May sao ba Đại Nghĩa ngồi trên bờ phát hiện ra kịp nên cứu kịp thời. Nên nếu nói ba là ân nhân cứu mạng của Đại Nghĩa cũng không có gì sai.

Đại Nghĩa học rất giỏi các môn xã hội, nhưng đặc biệt e ngại các môn tự nhiên. Với các môn xã hội, bao giờ Đại Nghĩa cũng là học trò cưng của thầy cô. Nhưng với các môn tự nhiên thì Đại Nghĩa chịu chết. Dù học hành rất chăm chỉ, thuộc đủ các công thức, định lý, nhưng hễ bảo áp dụng vào giải bài tập là Đại Nghĩa mặt nghệt ra, không sao làm nổi. Vì thế mỗi kì kiểm tra các môn tự nhiên luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với Đại Nghĩa.

Ba là chuyên viên thiết kế mẫu mã giày dép và hàng thêu của Liên hiệp xã thành phố, mẹ là chủ tiệm may nên ngay từ khi ra đời, câu con trai duy nhất Đại Nghĩa đã có dịp tiếp xúc với thế giới nghệ thuật muôn màu sắc. Và cũng vì thế, ước mơ tuổi thơ của Đại Nghĩa luôn thay đổi: khi thì lãng mạn đẹp đẽ, lúc lại phá cách phóng khoáng như nét cắt, đường may của mẹ và đa dạng với nhiều “gam màu” như trong bảng vẽ của ba. Có thể nói Đại Nghĩa chịu nhiều ảnh hưởng của ba - một người đa tài, yêu âm nhạc, thích thơ văn, hội họa. Sau này ba mẹ Đại Nghĩa sang sống ở Mỹ, chỉ có Đại Nghĩa ở lại Việt Nam. Ba Đại Nghĩa cũng đã qua đời, những hình ảnh về ba thì vẫn còn nhiều trong trí nhớ của Đại Nghĩa. Đại Nghĩa bồi hồi nhớ lại: “Những thành công của tôi ngày hôm nay có được đều từ những nỗ lực của bản thân chứ không hề được trải thảm, và tất cả đều có dấu ấn của ba tôi.

Ba là người ảnh hưởng tôi rất nhiều, từ máu nghệ thuật đến các sở thích của tôi và dạy tôi biết đủ thứ. Những sải bơi đầu tiên, những nét vẽ nghuệch ngoạc của tôi đều do ba tôi dạy. Sau này, khi tôi nhận được kịch bản, ba thường là người góp ý cho nhân vật của tôi, có khi còn cặm cụi làm đạo cụ cho tôi diễn nữa. Những bài tập làm văn tôi được cô giáo khen cũng là do ba tôi đã cho tôi đọc sách từ rất sớm Tôi thuộc Kiều đến độ cô giáo ngạc nhiên, đọc “Hồng lâu mộng” và mê mẩn Giả Bảo Ngọc đến độ đọc được vanh vách nhiều bài thơ và lời thoại trong tác phẩm này. Thú vui nuôi kiến của tôi cũng bắt đầu từ ba. Hồi đó, ba hay chăm chút cây cảnh trong nhà, thấy đàn kiến chạy ngang ba đem bánh vụn cho ăn. Ba tôi còn lấy mật ong pha loãng với nước, chia thành nhiều chén rồi chế ít phẩm màu khác nhau vào cho những con kiến uống rồi ba lấy kính lúp rủ tôi xem những con kiến có bụng màu xanh, đỏ, tím, vàng...

Đến giờ tôi vẫn tiếp tục thú vui này. Hồi nhỏ, tôi rất thích những lúc ba nói chuyện với bạn bè, tôi sẽ ngồi gần đó “hóng chuyện”. Không biết từ đâu mà ba tôi biết vô số chuyện văn nghệ, văn hóa, xã hội... Những lúc dạy tôi, ba như một người bạn, còn lúc tôi phạm lỗi ba rất nghiêm khắc. Và tôi biết chắc một điều là ba thương con trai của ba nhất trên đời và cũng tự hào về nó nữa. Ba thích hình ảnh những chú ngựa chỉ vì tôi tuổi con ngựa. Ba sống ở Texas ( Mỹ) nên sưu tập rất nhiều tượng ngựa rất đẹp, một số để ở nhà, một số gởi về cho tôi”.

Nếu có kỉ niệm nào đáng nhớ nhất trong cuộc đời diễn viên của Đại Nghĩa thì chính là kỉ niệm ngày ba mất. Có lần trả lời phỏng vấn, Đại Nghĩa đã nói, là diễn viên hài thì phải biết giấu tiếng khóc vào trong lòng, vào phía sau, để phía trước là một gương mặt luôn cười và luôn nói những câu gây cười để mua vui cho khán giả. Đại Nghĩa nhớ ngày ba mất, Đại Nghĩa vẫn còn phải chạy đi quay cho xong bộ phim hài chiếu Tết, vì không thể làm ảnh hưởng đến cả đoàn phim. Trên đường đi diễn, Đại Nghĩa vừa đi vừa khóc khi nghĩ đến một phần quan trọng của gia đình 3 người vốn bé nhỏ nhưng yên ấm của mình đã mất đi mãi mãi. Hôm đó vừa diễn vừa cười, nhưng lòng Đại Nghĩa hoàn toàn tan nát, đau đớn. Đại Nghĩa nói phải biết giấu nỗi buồn của mình là thế. Những khán giả ở dưới, họ không thể cảm nhận được nỗi đau ấy của Đại Nghĩa. Đại Nghĩa chỉ an ủi duy nhất một điều là trước khi ra đi mãi mãi, ba đã hoàn toàn an lòng về cậu con trai duy nhất của mình. Những món quà ba tặng, đặc biệt là những con ngựa ba gửi về từ Texas là những thứ mà Đại Nghĩa giữ gìn và đặc biệt nâng niu.

Từ chính kịch đến hài kịch

Đại Nghĩa cho biết khiếu nghệ thuật của anh có từ rất sớm. Thời học cấp một và cấp hai, anh đã tích cực tham gia khá nhiều chương trình văn nghệ trong trường. Đến năm lớp 9, với một vai diễn trong buổi văn nghệ, Đại Nghĩa mới “bỗng dưng” nổi tiếng toàn trường với biệt danh “Con chim xanh”, đi đến đâu bạn bè cũng gọi anh bằng biệt danh đó đến nỗi anh mắc cỡ không dám bước ra khỏi lớp luôn. Đó cũng là lần đầu tiên Đại Nghĩa nếm mùi vị của sự “nổi tiếng”.

Tuy ca hay, đàn giỏi nhưng ba lại không thích các loại hình sân khấu nên trong suốt quãng đời thơ ấu, Đại Nghĩa chưa bao giờ được đến rạp coi hát. Thời điểm ấy cũng là lúc phim bộ Hồng Kông chiếm giữ thị trường giải trí và ảnh hưởng không ít đến cậu bé Đại Nghĩa. Không đi chơi, không bạn bè, đi học rồi về nhà, ôn bài xong là lên giường nằm... nên trong mắt ba mẹ và mọi người Đại Nghĩa luôn là đứa con ngoan, trò giỏi. Không ai biết được rằng mỗi khi cậu bé Đại Nghĩa nằm im một mình cũng là lúc đang thả hồn vào một thế giới khác: Nơi đó, Đại Nghĩa là một anh hùng trượng nghĩa, đi khắp nơi trừ gian diệt bạo như trong... những bộ phim kiếm hiệp Hồng Kông.

 

Say mê phim bộ Hồng Kông và thần tượng các diễn viên Lương Triều Vỹ, Lê Mỹ Nhàn... nên ngoài “cầm, kỳ, thi, họa”, Đại Nghĩa đã biết được rằng trong thế giới nghệ thuật còn có những loại hình khác tồn tại, đó chính là điện ảnh, sân khấu và ca diễn. Năm 1994, CLB Điện ảnh Tân Sơn Nhất tuyển sinh khóa 1 đào tạo diễn viên, Đại Nghĩa đã lén ba mẹ đi ghi danh xin học. Trong thời gian theo học lớp diễn viên, thỉnh thoảng Đại Nghĩa được thầy cô cho đi biểu diễn giao lưu với các CLB kịch nói, đi đóng quần chúng trong các bộ phim... Dù chỉ là thỉnh thoảng nhưng gieo vào lòng Đại Nghĩa một tình yêu, đam mê ngày càng lớn dành cho sân khấu và điện ảnh.

Cơ duyên đã đưa đẩy Đại Nghĩa đến với sân khấu và nghệ thuật. Ngày xưa, anh thích nghệ thuật lắm mà lúc ấy, Sân khấu và Điện ảnh là hai trường tách biệt nên Đại Nghĩa không biết là nên chọn thi vào trường nào. Nếu chọn trường Điện ảnh thì anh được đi đó đi đây cùng đoàn phim nhiều hơn, được biết nhiều thứ hơn. Tuy nhiên, Đại Nghĩa đã chọn Sân khấu vì Đại Nghĩa muốn diễn, muốn sống trọn vẹn cùng nhân vật suốt 3 tiếng đồng hồ trên sân khau. Tất cả những gì Đại Nghĩa suy nghĩ, cảm nhận về nhân vật đều được bộc lộ ngay lúc ấy trên sân khấu.

Nhưng cũng rất may mắn rằng năm Đại Nghĩa thi thì trường Sân khấu và trường Điện ảnh sát nhập làm một là trường CĐ Sân khấu & Điện ảnh TP. HCM như bây giờ. Do đó, giờ đây Đại Nghĩa đã vừa có thể đóng phim và cũng vừa có thể diễn kịch. Khi đi thi vào Cao đẳng Sân khấu & Điện ảnh TP. HCM, Đại Nghĩa được 27 điểm, thừa 7 điểm so với điểm chuẩn nhưng bị đánh trượt vì... điểm năng khiếu kém. Nhưng cuối cùng, may mắn, anh lại được gọi bổ sung và trở thành bạn cùng khóa với những tên tuổi như Chí Bảo, Kinh Quốc, Đức Thịnh... Từ đây, anh bắt đầu tham gia học hỏi và dần trở thành diễn viên trên những sân khấu kịch lớn nhất TP. Hồ Chí Minh.

Đại Nghĩa kể, khi thi trượt vào trường Sân khấu, Đại Nghĩa buồn khủng khiếp, không muốn gặp ai dù cũng nhận được nhiều lời động viên. Nhiều đêm Nghĩa không ngủ được với những câu hỏi tại sao mình lại trượt. Một tháng sau đó, Đại Nghĩa được gọi vào nhập học vì trường thiếu chỉ tiêu. Tâm trạng của Đại Nghĩa lúc này vừa mừng, lại vừa mặc cảm với các bạn. Đại Nghĩa quyết tâm học cho mọi người thấy anh xứng đáng là sinh viên của trường. Hết học kỳ 1 thì cảm giác đó không còn, Đại Nghĩa đã vượt lên để trở thành một trong những sinh viên xuất sắc của khóa. Đại Nghĩa học với sự thích thú say mê vì được khám phá một bộ môn nghệ thuật mà mình yêu thích và liên tục nhận được học bổng của trường. Vì đã học trước hai năm ở câu lạc bộ Điện ảnh nên Đại Nghĩa rất tỉnh táo để biết rằng con đường này rất nhiều cực nhọc chứ không hề bị ảo tưởng bởi hào quang của những người đã nổi tiếng. Đại Nghĩa, Đức Thịnh, Thanh Vân, Kim Ngân là những sinh viên siêng học nhất lớp. Cũng nhờ làm nghệ thuật mà tính cách Đại Nghĩa ngày càng cởi mở vui vẻ hơn, khác với hình ảnh cậu bé Đại Nghĩa nhút nhát thuở đầu.

Khi là sinh viên Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP. HCM, Đại Nghĩa không ngừng cố gắng và ghi điểm xuất sắc ở những vai bi kịch. Ngày ra trường, anh mong ước có được một vai chính kịch, nhưng bước vào nghề mới thấy mình nhỏ bé giữa “thánh đường nghệ thuật”. “Tôi cứ ngỡ những gì góp nhặt từ những vai diễn được đánh giá cao trong trường đủ cho mình có vốn liếng để đến với nghề. Nhưng không phải vậy, hơn 2 năm đầu tiên, tôi không có cơ hội được đóng những vai mà mình luôn mơ ước” - Đại Nghĩa hồi tưởng.

Và cũng trong suốt thời gian ấy, anh chỉ đóng những vai diễn rất nhỏ, xuất hiện năm, ba phút, có khi chỉ một câu thoại trên sân khấu. Để những vai nhỏ xíu ấy không dễ bị lãng quên, Đại Nghĩa buộc phải tự sáng tạo, tìm cái duyên cho những vai diễn. Vậy là từ (Anh chàng xỏ lá), (Mười hai bà mụ), (Công chúa ngủ trong rừng), (Sông dài)... đến (Na Tra đại náo thủy cung), (Sơn Tinh - Thủy Tinh), (Cậu bé rừng xanh), (Bạch Tuyết và bảy chú lùn)..., Đại Nghĩa đã luôn khiến khán giả phải nhớ đến những nhân vật của anh. Cứ thế, dần dần nâng tầm và đến bây giờ, kể từ những vai nhỏ ngày nào anh đã có một vị trí lớn trong lòng khán giả. “Tôi đi chậm theo thời gian, chờ đợi và xem những vai diễn nhỏ là những viên sỏi đầu tiên cho con đường của mình. Nhỏ bé đó, ít ỏi đó nhưng tất cả góp nhặt lại sẽ là cả một hành trang. Tôi trân trọng con đường mình đi, tất cả những gì đã trải, đã làm để có thể là tôi - của - hôm - nay, với tôi đều có ý nghĩa vô cùng” - (thằng Mó) của vở kịch (Chuyện làng Ung) chia sẻ.

 

Duyên phận đã khiến Đại Nghĩa gắn bó với các vai hài, dù khi ở trường, Đại Nghĩa chỉ đóng chính kịch và ghi điểm ở những vai này. Bản thân Đại Nghĩa cũng bất ngờ, vì khi ở trường, Đại Nghĩa không nghĩ mình biết diễn hài. Đại Nghĩa quan niệm rằng: “Khi học trong trường thì được quyền lựa chọn vai để tập, vì đó là thời gian tập. Nhưng khi ra sân khấu chuyên nghiệp thì mình không còn quyền lựa chọn nữa. Đạo diễn giao cho vai nào thì phải nhận vai đó và cố gắng hết mình để hoàn thành một cách tốt nhất. Cũng may bản thân mình khi học ở trường, tuy đóng nhiều vai bi nhưng không bị đóng khung trong một dạng vai chính kịch mà được tập nhiều loại vai khác nhau, từ vai già, vai đồng, vai con nít... Khi ra trường mình không thấy quá khó khăn khi đạo diễn giao cho nhiều dạng vai khác nhau vì mình tự tin có thể làm tốt và thực tế đã chứng minh điều đó”.

Có được danh tiếng như ngày hôm nay là một thành công với Đại Nghĩa, nhưng Đại Nghĩa không vì thế mà kênh kiệu. Đại Nghĩa nói anh xuất thân từ trường Cao Đẳng Sân khấu Điện ảnh và cũng rất khó khăn để có được thành tựu như ngày hôm nay, nên anh rất hiểu và quý những diễn viên trẻ - những người đang đi trên con đường mà anh đã từng đi qua. Đại Nghĩa rất trân trọng những cố gắng và nỗ lực của họ, vì thế không bao giờ anh “chèn ép” những bạn trẻ mới vào nghề dù khi Đại Nghĩa mới vào nghề, anh cũng đã nghe rất nhiều về những câu chuyện đàn anh đàn chị đi trước “chèn ép” đàn em như cái kiểu “mẹ chồng - nàng dâu”, rồi khi năm tháng trôi qua “nàng dâu” trở thành “mẹ chồng” lại tiếp tục “chèn ép” những “nàng dâu” mới.

Đại Nghĩa đã tự nhủ với mình từ lúc đó rằng phải sống làm sao để mình không phải là một “nàng dâu” trong thế giới showbiz này, và lại càng không muốn mình trở thành “mẹ chồng” của bất cứ một ai. Giờ Đại Nghĩa đã có thể đóng vai “mẹ chồng”, nhưng anh không bao giờ chịu nhận vai đó, mà luôn nhận vai “đàn anh” và vai “ga lăng” với những đàn em mới vào nghề. Quan niệm về cuộc sống và nghề nghiệp đã khiến Đại Nghĩa vừa được khán giả yêu mến, vừa được lòng bạn bè trong nghề.