Đại lý "lách luật" để bán SIM kích hoạt sẵn

ANTD.VN - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Trương Minh Tuấn yêu cầu tiếp tục hạn chế tin nhắn rác, SIM rác và chấm dứt hoàn toàn SIM kích hoạt sẵn.

SIM kích hoạt sẵn vẫn được mua bán phổ biến 

Theo báo cáo của Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), sau gần 1 năm các doanh nghiệp: VNPT, Viettel, MobiFone, Gmobile, Vietnamobile  ký cam kết thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối, tổng số thuê bao có dấu hiệu nghi vấn là hơn 28 triệu thuê bao.

Sau đó đã có khoảng 4 triệu SIM thuê bao đã đi đăng ký lại thông tin, hoặc bị hủy, khóa. Tổng số thuê bao bị khóa tài khoản, thu hồi là hơn 24 triệu SIM thuê bao. Số lượng SIM có sẵn tài khoản khủng, SIM được khuyến mại vượt mức giảm rõ rệt.

Tuy nhiên, từ tháng 1-2018, Đoàn kiểm tra liên ngành do Cục Viễn thông chủ trì đã thanh tra, kiểm tra trên địa bàn TP Hà Nội. Kết quả cho thấy việc mua bán SIM kích hoạt sẵn vẫn còn diễn ra khá phổ biến.

Theo Cục Viễn thông, sau một thời gian triển khai cam kết nêu trên, các doanh nghiệp viễn thông nhận được nhiều khiếu nại từ người sử dụng dịch vụ. Cụ thể là: Thuê bao có thông tin đầy đủ, hợp lệ nhưng sử dụng ít vẫn bị khóa trong khi các SIM phát tán tin nhắn rác với số lượng lớn lại không bị chặn;

"Bên cạnh đó, các đại lý, điểm bán SIM đã nắm được lịch trình, tiêu chí cụ thể của việc lọc, khóa SIM và có thể tìm cách "lách luật"- Cục Viễn thông cho biết. Trong khi đó, thực tế cho thấy đa số các SIM kích hoạt sẵn đều có thông tin không chính xác và dễ bị người mua biến thành SIM rác.

Để ngăn chặn tình trạng SIM rác, SIM số ảo gây lãng phí tài nguyên và phát tán tin nhắn rác, Chính phủ đã ban hành Nghị định 49/2017/NĐ-CP về quản lý thuê bao điện thoại đi động quy định. 

Theo Nghị định này, ngoại trừ việc yêu cầu chủ thuê bao phải đăng ký thông tin cá nhân chính xác thì hoạt động đăng ký SIM của các đại lý cũng bị siết chặt nhằm ngăn chặn tình trạng SIM kích hoạt sẵn bán tràn lan. Các hộ kinh doanh sẽ không được bán SIM di động.

Nghị định 49/NĐ-CP, việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung chỉ được thực hiện tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông do doanh nghiệp thiết lập hoặc điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông khác thiết lập được doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng ủy quyền. SIM thuê bao di động chỉ được cung cấp tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông.

Thực hiện quy định này, các doanh nghiệp viễn thông đã thanh lý tất cả các điểm đăng ký thông tin thuê bao, điểm mua bán SIM không phù hợp với quy định, thay vào đó bằng các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của chính doanh nghiệp hoặc ủy quyền.

Tính đến tháng 3-2018, tổng số điểm cung cấp dịch vụ viễn thông do doanh nghiệp thiết lập là 316.449 điểm (gồm 3.254 điểm cố định, 313.195 điểm lưu động, tỷ lệ lưu động chủ yếu là của VNPT-VNP); Số điểm cung cấp dịch vụ viễn thông được ủy quyền là 29.882 điểm.

Trước thực trạng nêu trên, tại cuộc họp về việc quản lý thông tin thuê bao nhằm ngăn chặn SIM rác, tin nhắn rác ngày 10-4, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu, các đơn vị, các doanh nghiệp cần quyết liệt ngăn chặn tin nhắn rác, SIM rác và chấm dứt hoàn toàn SIM kích hoạt sẵn trên thị trường.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, hiện nay, tội phạm công nghệ cao ngày càng nhiều với thủ đoạn tinh vi nên các cơ quan có liên quan và các doanh nghiệp viễn thông cần nêu cao trách nhiệm trong hoạt động này. 

Nghị định 49/NĐ-CP của Chính phủ quy định, hành vi bán SIM di động mà không được doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng ủy quyền giao kết hợp đồng theo mẫu; Bán, lưu thông trên thị trường thiết bị đầu cuối không dùng SIM đã được nhập sẵn thông tin thuê bao; Mua bán, trao đổi hoặc sử dụng SIM đa năng, thiết bị có chức năng kích hoạt sẵn dịch vụ cho SIM thuê bao không cần phải bẻ SIM để nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước… sẽ bị phạt 30-40 triệu đồng.