Đại lộ Thăng Long: Chỉ thu phí khi Chính phủ đồng ý

ANTĐ - Chiều 17-2, xung quanh vấn đề thu phí đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, Người phát ngôn, Chánh Văn phòng UBND TP Nguyễn Thịnh Thành cho biết, việc có triển khai thu phí hoặc thu phí vào thời điểm nào là tùy thuộc vào hình thức đầu tư và phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về thu phí đường cao tốc Đại lộ Thăng Long (Hà Nội), UBND TP Hà Nội đã khẩn trương triển khai xây dựng Đề án thu phí sử dụng đường bộ trên tuyến đường trên (phần đường cao tốc). Cụ thể, để giải quyết một phần khó khăn về nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng thành phố, Hà Nội đã có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép thu phí trên Đại lộ Thăng Long. Hình thức áp dụng dự kiến là thu phí khép kín (hoặc thu phí đóng). Phí được trả theo loại xe và chặng đường đã đi. Sau khi được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và hoàn thành dự án đầu tư hệ thống thu phí, TP mới tính toán thời điểm thu phí. Nguồn vốn đầu tư hệ thống thu phí bằng nguồn vốn ngân sách thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết, mục đích thu phí đường cao tốc Đại lộ Thăng Long nhằm hoàn vốn đầu tư tuyến đường Đại lộ Thăng Long cho ngân sách, đồng thời, tạo nguồn thu để TP tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn. Tiếp đó, việc thu phí sẽ tạo nguồn thu để thực hiện công tác quản lý, duy tu, duy trì cơ sở hạ tầng như hệ thống chiếu sáng, cây xanh, đảm bảo an toàn giao thông, cứu hộ, cứu nạn... Cùng với đó, việc thu phí trên đường cao tốc là nhằm thu phí dịch vụ đối với những đối tượng tham gia giao thông muốn có dịch vụ chất lượng cao (tăng tốc độ chạy xe, rút ngắn thời gian lưu thông trên đường, cung cấp đầy đủ các thông tin về tình trạng giao thông trên tuyến đường cho người lái xe trong quá trình lưu thông..). Trường hợp người tham gia giao thông không sử dụng đường cao tốc thì có thể đi vào đường gom (không thu phí).

Về đề xuất của TP Hà Nội, có ý kiến cho rằng, Đại lộ Thăng Long được đầu tư từ nguồn ngân sách, chủ phương tiện đã đóng phí bảo trì đường bộ để duy tu và hoàn vốn tuyến đường nên nếu lập trạm thu phí là “phí chồng phí”. Trước những ý kiến nhiều chiều xung quanh đề xuất thu phí Đại lộ Thăng Long nói trên, chiều 17-2, Người phát ngôn, Chánh Văn phòng UBND TP Nguyễn Thịnh Thành đã chính thức thông tin tới báo chí. Theo đó, việc thu phí nhằm tạo nguồn thu để thực hiện công tác quản lý, duy tu, bảo trì cơ sở hạ tầng. Trong đó, có việc thiết lập hệ thống điều hành giao thông thông minh trên Đại lộ Thăng Long. Kinh phí để đầu tư hệ thống này có thể từ nguồn vốn ngoài ngân sách dưới hình thức hợp tác công tư (PPP) hoặc hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BOT).

Ông Nguyễn Thịnh Thành nhấn mạnh, đến nay, Đề án thu phí trên Đại lộ Thăng Long (phần đường cao tốc) vẫn đang trong quá trình báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo. Việc có triển khai thu phí hoặc thu phí vào thời điểm nào là tùy thuộc vào hình thức đầu tư và phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Nếu được Thủ tướng Chính phủ cho phép, UBND TP Hà Nội sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng phương án cụ thể đảm bảo dự án đạt hiệu quả phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô và đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân. “UBND TP Hà Nội trân trọng các ý kiến đóng góp, phản ánh của công luận, dư luận nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với những vấn đề liên quan đến công tác quản lý, điều hành của TP” – ông Nguyễn Thịnh Thành nói. 

Tuyến đường Đại lộ Thăng Long có chiều dài 29,8km (phần đường cao tốc), được đầu tư xây dựng với tổng kinh phi từ nguồn ngân sách TP hơn 5.687 tỷ đồng. Theo phương án được phê duyệt khi đầu tư, tuyến đường được xây dựng theo phương thức có thu phí để hoàn vốn đầu tư.