Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019: Thông điệp về từ bi, hòa bình và thiện tâm

ANTD.VN -Với sự tham dự của 3.000 đại biểu, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (LHQ) Vesak 2019 đã chính thức khai mạc sáng nay tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Tam Chúc, xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Buổi lễ có sự hiện diện của Hoà thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp Chủ Trung ương Giáo hội  Phật giáo Việt Nam; Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự, Chủ tịch Uỷ ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak LHQ; Hoà thượng, GS-TS PhraBrahmapundit, Chủ tịch Ủy ban tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak LHQ cùng chư tôn đức tăng ni lãnh đạo Giáo hội Phật giáo, các Ban, viện Trung ương, chư tôn đức lãnh đạo Ban trị sự 63 tỉnh thành và chư tôn đức khách quốc tế đồng tham dự.

Về phía lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Đại lễ có sự tham dự của Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà XHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc

Về phía khách quốc tế có sự hiện diện của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar U Win Myint; Thủ tướng Cộng hoà Dân chủ Liên bang Nepal K.P. Sharma Oli; Phó Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Ấn Độ Shri M; Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bhutan Tashi Dorji; Phó Tổng Thư ký LHQ kiêm Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực Châu Á và Thái Bình Dương Armida Salsiah Alisjahbana; Tổng giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay, các Đại sứ và nhiều chức sắc khác cùng chư vị khách quý, bộ trưởng, trưởng các phái đoàn ngoại giao quốc tế, cùng hàng ngàn đại biểu trong và ngoài nước về tham dự.

Đại lễ chính thức được bắt đầu sau khi toàn thể đại biểu niệm Phật theo truyền thống Nam tông và Bắc tông, đảnh lễ Tam bảo. Chủ đề của Đại lễ Vesak LHQ năm nay mang tên “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”.

Tuyên đọc diễn văn khai mạc, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Vesak 2019 nhấn mạnh: “Thông điệp của Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 tại Việt Nam kêu gọi lãnh đạo Phật giáo thế giới hãy đoàn kết và dấn thân hành động nhập thế, chia sẻ các giải pháp trị liệu đối với các thách thức xã hội trong thời đại của chúng ta. Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 sẽ mang lại tâm thiện lành, trí tuệ tập thể và tiếng nói thống nhất của Phật giáo thế giới, tạo nguồn cảm hứng và hướng tới sự nhập thế xã hội, phụng sự nhân sinh, giải phóng khổ đau, mang lại an vui, thịnh vượng và phát triển bền vững cho nhân loại trên hành tinh này”.

Hoà thượng, GS.TS. Phra Brahmapundit Chủ tịch sáng lập Ủy ban Tổ chức Quốc tế Vesak LHQ

Hoà thượng, GS.TS. Phra Brahmapundit khẳng định, những lời dạy minh triết và đạo đức của Đức Phật vượt qua mọi ranh giới, vì tâm trí của tất cả là như nhau, những đau khổ của con người đều giống nhau và tiềm năng giải thoát của tất cả là như nhau.

"Lần này, chúng tôi có thêm niềm tin đầy đủ ở Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà đăng cai tổ chức Vesak LHQ 2019 (lần thứ ba). Chúng tôi muốn cảm ơn tất cả những người đã đóng góp vào sự thành công của đại lễ Vesak của 16 năm trước. Tôi cầu chúc đại lễ Vesak LHQ 2019 của chúng ta trong tương lai được thành công mỹ mãn. Hãy để giáo pháp của Đức Phật là ngọn hải đăng cho thế giới, chuyển hóa vô minh và khổ đau trong tâm chúng ta, mang lại sự phát triển vào năng lực bền vững cho nhân loại và quan trọng hơn, cho hòa hợp và hòa bình thế giới”- Hoà thượng, GS.TS. Phra Brahmapundit nói.

Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc

Trong bài phát biểu trước toàn thể Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc Đại Lễ Vesak năm 2019 được tổ chức tại Việt Nam, với sự tham gia của lãnh đạo các tông phái Phật giáo đến từ nhiều quốc gia, cùng những người yêu kính Phật giáo khắp nơi là cơ hội để gặp gỡ, tưởng niệm, tôn vinh đức Phật.

Đó còn là cơ hội để chúng ta cùng suy ngẫm về chân lý hoà bình, bất bạo động, về tinh thần khoan dung, lòng từ bi để cùng phát huy, đưa những chân lý đó vào thực tiễn cuộc sống, hướng tới một xã hội giảm thiểu xung đột và khổ đau, thiết lập mối quan hệ hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa các quốc gia, dân tộc và cùng xây dựng một thế giới hoà bình, an lạc cho toàn nhân loại.

Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar thực hiện nghi lễ truyền thống tắm Phật

Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar U Win Myint cũng cho rằng: Thông điệp từ bi, trí tuệ, vô ngã, vị tha của đức Phật Thích Ca chính là hướng đi mà tất cả chúng ta đều phải noi theo để đạt được an lạc, hòa bình, hạnh phúc cho mình và thế giới. Đại lễ Vesak LHQ 2019 lần thứ 3 tổ chức tại Việt Nam đã khẳng định uy tín, vị thế và giá trị của đạo Phật trên bản đồ Phật giáo Việt Nam nói riêng và Phật giáo trên thế giới nói chung. Đáp ứng nguyện vọng của LHQ, vì xã hội bền vững, phát triển và hòa bình.

 Thủ tướng nước Cộng hoà Dân chủ Liên bang Nepal KP Sharma Oli  (ảnh Ngộ Dũng)

Trong thông điệp chào mừng, Thủ tướng nước Cộng hoà Dân chủ Liên bang Nepal KP Sharma Oli cũng đánh giá cao công tác tổ chức Đại lễ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ông cho biết, Việt Nam là đất nước xinh đẹp, hiếu khách và thân thiện. Với tất cả sự nhiệt thành đón tiếp, tổ chức và truyền tải thông điệp nhân văn của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chúng ta có quyền hy vọng các giá trị, văn hóa tâm linh của giáo lý đạo Phật sẽ giúp thế giới thay đổi tích cực, xã hội hòa bình, môi trường sinh thái được cải thiện…

Toàn cảnh Lễ khai mạc  Đại lễ Vesak 2019 (ảnh Ngộ Dũng)

Ban tổ chức cho biết đã nhận được hơn 500 bài tham luận của học giả quốc tế và Việt Nam, cùng làm rõ chủ đề của Vesak 2019 - Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững.

Nhiều diễn đàn về chủ đề này cũng sẽ diễn ra trong suốt thời gian Đại lễ như: Lãnh đạo có trách nhiệm vì xã hội bền vững; cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục, gia đình hòa hợp; Phật giáo và cách mạng công nghiệp 4.0; cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm.

Đại lễ Vesak 2019 còn có các hoạt động văn hóa như nghi lễ tắm Phật truyền thống; cầu nguyện quốc thái dân an; hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới; triển lãm cổ vật phật giáo; diễu hành xe hoa…

Sự kiện năm nay được tổ chức quy mô hơn những năm trước với nhiều quốc gia tham dự nhất, nhiều tham luận nhất.

Chùa Tam Chúc, Ba Sao, Kim Bảng Hà Nam được lựa chọn là nơi diễn ra các hoạt động của Đại lễ (ảnh Mạnh Hà)

Theo quan niệm Phật giáo, lễ Phật đản là ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chào đời tại vườn Lâm Tỳ Ni vào 15/4 âm lịch năm 624 trước Công Nguyên. Ngày 15/12/1999, tại hội nghị lần thứ 54, Đại hội đồng LHQ chính thức công nhận và thừa nhận Lễ kỷ niệm ngày Vesak vào 15/4 âm lịch. Nghị quyết hội nghị viết, ngày trăng tròn tháng tư (15/4) là ngày thiêng liêng nhất của phật tử bởi "Lời dạy của Đức Phật và thông điệp về từ bi, hòa bình và thiện tâm của ngài đã chuyển hóa hàng triệu người".

Sẽ có rất nhiều các hoạt động văn hoá được tổ chức trong suốt thời gian diễn ra Đại lễ

Năm 2008, lần đầu Việt Nam đăng cai Vesak và ra tuyên ngôn Hà Nội, kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực đảm bảo hòa bình thế giới, cải thiện chất lượng sống cho tất cả mọi người.