Đại lễ Vesak 2019: Lắng nghe, chia sẻ để sống tốt hơn

ANTD.VN -Sáng nay, các hoạt động của Đại lễ Phật đản Vesak 2019 tiếp tục diễn ra với các hội thảo nhóm, nhiều vấn đề của xã hội đều được soi chiếu và lý giải dưới góc nhìn Phật giáo. Chuyên đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục đạo đức toàn cầu” thu hút được đông đảo các nhà nghiên cứu Phật học, các nhà giáo dục tham dự.

Trong phiên thảo luận sáng nay, đã có rất nhiều các tham luận tập trung vào các vấn đề cụ thể như giáo dục lòng từ bi, vị tha cho giới trẻ, xây dựng đạo đức hiếu nghĩa, xây dựng lối sống gia đình, tâm linh Phật giáo và xã hội đương đại…

Khơi dậy tính Phật trong mỗi con người

Cùng với một số tôn giáo lớn khác, Phật giáo được xem là một trong những nhân tố quan trọng góp phần định hình nên các quan niệm, chuẩn mực và hệ giá trị đạo đức trong xã hội.

Đại đức Thích Huệ Đạo- Ban Phật giáo quốc tế tỉnh Tiền Giang cho rằng, kinh tế phát triển, công nghệ phát triển vừa là cơ hội, nhưng cũng là thích thức cho toàn nhân loại với các vấn nạn như ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, xung đột sắc tộc, tôn giáo, đói nghèo, thất học, bạo lực tràn lan…Tuy nhiên, Đại đức Thích Huệ Đạo khẳng định, đạo Phật có thể giúp xã hội giải quyết những điều đó, bởi tôn giáo này giúp con người thay đổi suy nghĩ, lời nói, hành động, hài hòa giữa mọi người với nhau và với cả môi trường tự nhiên.

Phật giáo khẳng định tất cả mọi người đều có “Phật tính”, mọi người sẽ đạt được hạnh phúc nếu thực hành điều thiện, lánh xa điều ác, chuyên cần trau dồi đạo đức trong cuộc sống của chính mình. Đức Phật cho rằng: con người đóng vai trò quyết định trong quá trình giác ngộ và giải thoát. Con người có thể thay đổi số phận của mình. Khi mê thì con người đau khổ, nhưng khi bắt đầu nhận biết mình mê thì con người có thể tự làm chủ lấy mình.

Đạo đức Phật giáo đề cao việc rèn luyện trí tuệ và giải thoát con người. Mục tiêu tối hậu của đạo đức Phật giáo chính là giải thoát, là chấm dứt hết mọi khổ đau xuất phát từ “vô minh”. Trong Bát chánh đạo mà Ngài đã dạy thì Chánh kiến là đứng đầu tiên. Điều này nói đến yếu tố trí tuệ là kim chỉ nam cho sự giải thoát. Đức Phật đã từng nói rằng: “Như Lai chỉ là người chỉ đường, mỗi người phải tự đi đến, không ai đi thế cho ai được”. Đó là con đường của tự lực mỗi người. Vai trò của trí tuệ đưa đến sự giải thoát, giác ngộ, nhận chân đúng sai, biết lắng nghe, chia sẻ để sống tốt hơn. Nhờ có trí tuệ nên con người hiểu rõ vô thường, vô ngã, hiểu rõ cần làm gì để phát triển xã hội bền vững, hiểu rõ cần làm gì để có sự hài hòa giữa mọi người với nhau trong xã hội, sự hài hòa giữa con người với tự nhiên trong quá trình lao động sản xuất.

PGS.TS Hoàng Thị Thơ, Nguyên Trưởng Phòng Triết Học Phương Đông, Viện Triết Học, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam cho biết thêm, Đức Phật coi “Ahimsha” (không làm hại, không sát sinh, là khoan dung …) là một trong những tiêu chuẩn hoàn thiện của một người thông thái, một người đã làm chủ được bản thân trên con đường tới Niết Bàn. Phật giáo cho rằng con người phải sống dựa vào tự nhiên, nhờ tự nhiên để thỏa mãn các nhu cầu tối thiểu như thức ăn, thức uống, thức mặc và ở… nhưng không phải để thỏa mãn sự tham lam.

 Phật đã sớm giáo dục tinh thần cộng sinh theo nguyên tắc trung đạo khi khuyên các gia chủ muốn làm giàu phải học cách làm giống như con ong lấy phấn hoa làm mật, không nên tham lam, và phải biết sống cộng sinh với tự nhiên. Con ong chỉ lấy phấn hoa mà không bao giờ làm xấu đi vẻ đẹp và làm giảm hương thơm của bông hoa.

Gợi ý về một triết lý giáo dục toàn diện

Tiến sĩ Lê Ngọc Phương- Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia, TP.HCM  nêu thực trạng khủng hoảng của ngành giáo dục khi liên tiếp xảy ra những sự kiện chấn động dư luận như: gian lận điểm thi THPT quốc gia tại tỉnh Hà Giang và Sơn La, cô giáo bắt học sinh uống nước vắt giẻ lau bảng ở Hải Phòng, cô giáo yêu cầu học sinh cả lớp tát vào mặt bạn 231 cái khiến học sinh phải nhập viện ở Quảng Bình hay phụ huynh yêu cầu giáo viên phải quỳ 40 phút, nam sinh tỉnh Quảng Bình đâm thủng bụng thầy giáo…

Những sự việc đau lòng kể trên đã khiến nhiều người đặt ra vấn đề cấp thiết, “Triết lý giáo dục của Việt Nam là gì?”. Theo tiến sĩ Lê Ngọc Phương, một khi xác định được triết lý giáo dục, toàn bộ nền giáo dục mới có mục đích, phương hướng để theo đuổi. “Nhiều người còn ngờ rằng, giáo dục Việt Nam dường như đang rơi vào kỳ khủng hoảng. Tuy nhiên, chúng tôi lại tin rằng, quốc gia nào cũng có những cuộc “khủng hoảng” riêng. Và khủng hoảng đôi khi là một dấu hiệu của sự trưởng thành nếu nó là nền tảng để tái sắp xếp và tái lập sự phát triển”- Tiến sĩ Phương nói.

Trong bối cảnh ngày nay, nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới đã áp dụng triết lý giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên. Cho dù các trụ cột của triết lý này được diễn giải như thế nào đi chăng nữa thì chúng đều không ra khỏi những phạm trù cơ bản là tri thức, đạo đức, thể chất và đó cũng là sứ mệnh, là hồn cốt triết lý của giáo dục nói chung ở nhiều quốc gia hiện nay.

 Tuy nhiên, việc xây dựng đạo đức cho sinh viên tưởng chừng như là một truyền thống cũ kỹ và đơn giản, thế nhưng đó lại là một phương diện gặp nhiều khó khăn nhất, yếu kém nhất, bởi bối cảnh thời đại đã khiến người học và người dạy hiện nay đối mặt với nhiều thách thức, nhiều áp lực của cuộc sống hiện đại. Chẳng hạn sự vô cảm, sự thờ ơ, sự chạy theo tiền bạc dễ dàng khiến cho cuộc hành trình, rèn luyện về tinh thần, đạo đức bị bỏ quên.

Tiến sĩ  Lê Ngọc Phương bày tỏ quan điểm nên áp dụng tinh thần của Phật giáo vào các cấp học như là một dạng đạo đức học ứng dụng và thực hành. Tuy nhiên, Tiến sĩ Phương cũng cho biết thêm, Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, vì thế sẽ không khả thi nếu muốn đưa vào Phật giáo vào chương trình như một môn học bắt buộc. Vì thế, có thể áp dụng các hình thức phù hợp hơn như là tổ chức hội thảo, chuyên đề, tọa đàm, trao đổi, thảo luận những vấn đề xung quanh việc tìm kiếm và thực hành đạo đức từ các triết lý, tôn giáo khác nhau. Mà trong cuộc đối thoại này, chắc chắn tinh thần Phật học sẽ được nhắc đến một cách tự nhiên và công bằng nhất…