Đại lễ tưởng niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân viên tịch

ANTD.VN -Sáng nay, 27/10/2019, tức ngày 29/9 năm Kỷ Hợi, tại Hội trường lớn Bảo tàng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Phân ban Ni giới TƯ đã tổ chức Đại lễ tưởng niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân viên tịch cùng chư vị Tổ sư Ni tiền bối hữu công.

Quang lâm chứng minh đại lễ có: Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nghiệp – Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó chủ tịch thường trực HĐTS GHPGVN, Phó trưởng Ban thường trực Ban tăng sự TƯ GHPGVN. Về phía Phân ban Ni giới TƯ có: Ni trưởng Thích Nữ Tịnh Nguyện – Ủy viên thường trực HĐTS, Trưởng Phân ban Ni giới TƯ GHPGVN, Trưởng Ban chỉ đạo đại lễ.

Về phía chính quyền có sự tham dự của ông Ngô Sách Thực – Phó chủ tịch Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Bùi Thị Hòa – Phó chủ tịch TƯ Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; ông Bùi Thanh Hà – Phó trưởng Ban thường trực Ban tôn giáo Chính phủ cùng đại diện cơ quan chức năng, ban ngành TƯ và địa phương.

Ni sư Diệu Nhân thế danh Lý Ngọc Kiều, sinh năm 1042 tại Thăng Long, là trưởng nữ của Phụng Càn Vương Lý Nhật Trung (con trai vua Lý Thái Tông), được phong Thụy Thánh công chúa. Với thiên tư thuần hậu, ngôn hạnh đoan trang, được vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072) nhận làm con nuôi, nuôi dạy trong cung từ nhỏ.

Đến tuổi trưởng thành, vua đem gả công chúa Thụy Thánh cho người họ Lê làm châu mục châu Chân Đăng (nay thuộc Tam Nông, Phú Thọ), vùng phên giậu của đất nước thời bấy giờ. Chồng chết, bà không chịu tái giá, sau đó phát tâm xuất gia tu Phật, được Thiền sư Chân Không (1046 - 1100) ở hương Phù Đổng nhận làm đệ tử, đặt pháp danh là Diệu Nhân, truyền Bồ-tát giới, trở thành người nối pháp đời thứ 17 dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi.

Sau khi xuất gia Ni sư Diệu Nhân dốc hết tư trang, gia sản bố thí cho dân chúng, chuyên chú học hỏi những điều tâm yếu của Phật pháp. Được Thiền sư Chân Không đưa đến trụ trì Ni viện Hương Hải thuộc hương Phù Đổng, huyện Tiên Du, nay là xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, trở thành bậc mẫu mực trong hàng Ni giới đương thời. Năm 1113, Ni sư thị tịch, thọ 72 tuổi, để lại một tâm kệ 7 câu 28 chữ có ý nghĩa nhân sinh và tư tưởng Phật học sâu sắc.

Ni sư Diệu Nhân và Nguyên Phi Ỷ Lan là hai vị Ni - Nữ Phật tử nổi tiếng thời Lý, góp phần tích cực cho Phật giáo thời Lý phát triển rực rỡ và làm nền tảng cho sự phát triển Phật giáo VN.

Ni trưởng Thích Nữ Tịnh Nguyện- Trưởng ban Tổ chức Đại lễ đã dâng lời tưởng niệm chư vị Tổ sư Ni các thời đại, các thế hệ, nguyện noi theo hạnh nguyện của tiền nhân để cùng xây dựng ngôi nhà Phật giáo VN ngày càng xương minh.

Phát biểu tại đại lễ, ông Bùi Thanh Hà -Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ khẳng định những đóng góp của Phật giáo đối với dân tộc, đồng hành cùng dân tộc, trở thành một thiết chế tâm linh không thể thiếu trong đời sống của người dân. Ông Bùi Thanh Hà  đánh giá cao việc tổ chức Đại lễ này, đặc biệt là hội thảo về Ni sư Diệu Nhân, nữ Phật tử đối với Phật giáo VN, phản ánh tinh thần tri ân, báo ân trong truyền thống tốt đẹp của người Việt.

Trước đó, ngày 26-10, cuộc hội thảo với chủ đề “Nữ Phật tử với Phật giáo Việt Nam” đã được tổ chức với sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu tôn giáo nhân dịp tưởng niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân viên tịch. Đây là dịp để khẳng định năng lực tu hành giác ngộ giải thoát của Nữ giới Việt Nam, đồng thời ghi nhận tôn vinh những đóng góp lớn lao, thiết thực của nữ giới trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, qua đó nêu bật lên vai trò vị trí, cũng như những đóng góp quý báu mà nữ giới đã cống hiến cho sự nghiệp phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam.