Đại hội XIII: Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ điều hành phiên thảo luận về các dự thảo văn kiện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Sáng 28/1, thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, điều hành phiên thảo luận về các dự thảo văn kiện tại Đại hội XIII của Đảng.
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên thảo luận sáng 28/1
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên thảo luận sáng 28/1

Đặt người nghèo, hộ nghèo vào vị trí trung tâm của hoạt động giảm nghèo

Sáng 28/1, tại phiên thảo luận văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đồng chí Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái đã trình bày tham luận với chủ đề “Phát huy vai trò, sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững ở tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Theo đồng chí Đỗ Đức Duy, giảm nghèo, chăm lo cho người nghèo và các đội tượng chính sách xã hội là một chủ trương lớn, xuyên suốt, là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; kết quả xóa đói, giảm nghèo là một trong những thành quả nổi bật của thời kỳ đổi mới, góp phần tích cực phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của đất nước.

Yên Bái là tỉnh miền núi thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc, nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc, diện tích tự nhiên gần 6.900 km2, dân số trên 82 vạn người với hơn 30 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 57,4%; dân cư nông thôn chiếm gần 80%, lao động nông nghiệp chiếm gần 60%.

Toàn tỉnh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 2 huyện vùng cao đặc biệt khó khăn (30a) là huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, với trên 90% đồng bào dân tộc thiểu sổ, chủ yếu là người Mông; có 173 xã, phường, thị trấn, trong đó có 80/150 xã đặc biệt khó khăn và 461/1.349 thôn, bản đặc biệt khó khăn[1].

Cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc, Yên Bái bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với rất nhiều khó khăn, thách thức. Kết quả điều tra hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 32,21%, cao thứ 6 toàn quốc; trong đó phần lớn tập trung tại các địa bàn vùng cao, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, riêng tại 2 huyện 30a đều có tỷ lệ hộ nghèo trên 75%, thuộc vào nhóm các huyện nghèo nhất cả nước.

Phân tích nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng tỷ lệ hộ nghèo cao, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái cho biết, 5 năm qua, Yên Bái đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 7,04% (đứng thứ 12 toàn quốc, cải thiện 6 bậc so với đầu nhiệm kỳ). Bình quân giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ giảm hộ nghèo toàn tỉnh đạt 5,03%/năm.

Riêng tại 2 huyện 30a giảm bình quân 8,32%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 7,66%/năm, cao hơn nhiều so với bình quân chung toàn tỉnh và của cả nước. Để có được kết quả ấn tượng kể trên, tỉnh Yên Bái đã thực sự đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp thiết thực, sáng tạo, hiệu quả.

Đồng chí Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái

Đồng chí Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái

Thẳng thắn chỉ ra một số mặt khó khăn, tồn tại, hạn chế, cần được khắc phục trong thời gian tới, đồng chí Đỗ Đức Duy cho biết, tỉnh Yên Bái đã đúc rút được 5 bài học kinh nghiệm quý báu. Trong đó, phải đặt người nghèo, hộ nghèo vào vị trí chủ thể, trung tâm của hoạt động giảm nghèo; các cấp ủy, chính quyền phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo, xác định giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội…

Để thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, Tỉnh ủy Yên Bái kiến nghị, đề xuất một số nội dung cụ thể.

Trong đó, trên cơ sở Nghị quyết được Đại hội thông qua, đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm, dành nguồn lực đầu tư cho các tỉnh miền núi; đề nghị Trung ương nghiên cứu có chính sách đặc thù hỗ trợ các địa phương trong quản lý, phát triển, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước và phát triển kinh tế - xã hội…

Siết chặt kỷ luật hành chính, xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực

Cũng trong sáng 28/1, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã trình bày tham luận của Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ.

Khẳng định kết quả cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và xây dựng nền hành chính nhà nước đã góp phần đổi mới sáng tạo; tạo tiền đề, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của cải cách hành chính thời gian qua.

Theo đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính của một số cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị chưa thực sự quyết liệt, việc quán triệt, tuyên truyền và chỉ đạo tổ chức thực hiện, bố trí nguồn lực cho cải cách hành chính còn hạn chế; chưa có sự đồng bộ trong cải cách hành chính với cải cách lập pháp, cải cách tư pháp; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính còn hạn chế; thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, đặc biệt là các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, xây dựng...

Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Từ đó, Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ đã đề xuất một số nhó giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính nhà nước góp phần đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước giai đoạn tới.

Cụ thể, cần tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả;

Phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, trong đó chủ yếu là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thể chế của nền hành chính Nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cung ứng dịch vụ công của bộ máy hành chính nhà nước; tập trung đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức, viên chức trong thực thi công vụ, giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp…