Đại hội cổ đông VPF lần thứ I: Ghế đã tìm được chủ

ANTĐ - Cuối cùng thì câu chuyện nhân sự VPF, vốn tốn nhiều giấy mực của báo giới, đã đi đến hồi kết, khi những chiếc ghế chủ chốt đã tìm được chủ, sau Đại hội cổ đông VPF diễn ra sáng 14-12.
Đại hội cổ đông VPF lần thứ I: Ghế đã tìm được chủ ảnh 1
Các cổ đông biểu quyết tại Đại hội - Ảnh: Quang Thắng

Bất ngờ ghế chủ tịch Hai chiếc ghế cao nhất và được quan tâm nhiều nhất là Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc, đã lần lượt thuộc về ông Võ Quốc Thắng (chủ tịch CLB ĐT.LA) và ông Phạm Ngọc Viễn (Phó chủ tịch VFF), sau khi được Hội đồng quản trị (HĐQT) tín nhiệm bầu chọn. Trên thực tế, việc ông Thắng ngồi vào chiếc ghế này được coi là một bất ngờ, bởi trước đó, người ta đã chắc mẩm Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng mới là người ngồi vị trí này. Tuy nhiên, theo một số thành viên HĐQT, dù cho ĐT.LA đã bị xuống hạng ở mùa giải vừa qua, nhưng kinh nghiệm và tầm ảnh hưởng của ông Thắng vẫn rất lớn đối với bóng đá Việt Nam. Bên cạnh đó, quan hệ giữa “bầu” Thắng và VFF nhìn chung là tốt, khi ông từng để HLV Calisto ra đi khỏi ĐT.LA trong bối cảnh ĐTQG cần một nhà cầm quân có tài và am hiểu bóng đá Việt Nam năm 2008. Còn ở vị trí Tổng giám đốc, cương vị trực tiếp điều hành VPF, việc ông Phạm Ngọc Viễn được tín nhiệm cũng khiến dư luận an tâm. Ông Viễn từng được xem là “cha đẻ” của V-League cách đây hơn chục năm, với tư tưởng cầu tiến và luôn đổi mới. Người ta hy vọng hai ghế điều hành của VPF sẽ mang lại nhiều hơi thở mới cho bóng đá nước nhà trong thời gian tới. Trong khi đó, các Phó chủ tịch HĐQT gồm các ông Lê Hùng Dũng (Phó Chủ tịch VFF), Nguyễn Đức Kiên (Chủ tịch CLB Hà Nội) và Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch HA.GL), còn các Phó Tổng giám đốc là các ông Phạm Phú Hòa (GĐĐH ĐT.LA), Bùi Xuân Hòa (SHB. Đà Nẵng) và ông Lưu Quang Lãm (Chủ tịch Sài Gòn FC). Với tư cách là người đưa ra đề án thành lập VPF, ông Kiên sẽ phụ trách các vấn đề “nội chính” và trọng tài. Điều này cũng đồng nghĩa với việc quyền lực của ông Kiên sẽ rất lớn, có thể thẳng tay “điều trị” những nhức nhối về trọng tài, điều khiến ông rất bức xúc trong các mùa giải trước. Về nhân sự trực tiếp điều hành giải VĐQG nói riêng (từ năm 2012 sẽ được gọi là Ngoại hạng, thay vì V-League), ông Trần Duy Ly (Cựu Phó Chủ tịch VFF) sẽ ngồi ghế nóng - Trưởng BTC - Giám đốc điều hành, trong khi ở vị trí tương tự tại giải hạng Nhất, ông Nguyễn Hữu Bàng (Phó TTK VFF) sẽ đảm trách.Bắt đầu “hành trình dọn dẹp” Ông Đoàn Nguyên Đức khi nhìn vào “bộ sậu” của VPF đã phải thốt lên: “Đây là một đội hình đẹp!”. Mà đã là đội hình đẹp thì phải luôn hướng tới chiến thắng chứ không bao giờ chấp nhận thủ hòa, hoặc tệ hơn là thua. Sau khi xong vấn đề nhân sự, Đại hội hôm qua đã thông qua rất nhiều vấn đề nóng như chúng tôi từng đề cập, và đặc biệt là vấn đề làm thế nào để “bóng đá đẻ ra tiền”. VPF không đặt vấn đề lợi nhuận, nhưng đây không phải là công ty phi lợi nhuận. Theo đó, VPF vẫn hoạt động theo đặc thù kinh doanh, lấy bóng đá nuôi bóng đá với mục tiêu, các CLB bỏ ra chi phí ít nhất. Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Kiên nói: “VPF sẽ có tương lai xán lạn và không thể có chuyện làm ăn thua lỗ được. Trách nhiệm của công ty là phải bảo toàn vốn cho cổ đông. Vì thế các anh cứ yên tâm”. Một điểm đáng chú ý là các thành viên trong HĐQT đều thống nhất, không nhận một đồng lương nào ở VPF. Công ty cũng quy định các CLB không được thưởng nóng quá 500 triệu đồng/trận, dưới bất kỳ hình thức nào để đảm bảo tránh tiêu cực. Ngay trong ngày hôm nay, VPF sẽ bắt tay vào công việc “dọn dẹp” tàn dư cũ để chuẩn bị cho chặng đường mới. Trong vòng 10 ngày tới đây, VPF sẽ tiến hành đàm phán lại với nhà tài trợ chính Eximbank, bàn lại vấn đề bản quyền truyền hình. Ông Kiên cho rằng vấn đề bản quyền chỉ nên được ký tối đa là 3 năm một, chứ không thể có chuyện kéo dài tới 20 năm.
 Mùa giải 2012 sẽ có 2 suất lên hạng và 2 suất xuống hạng. Đại diện các CLB và đội bóng tham dự V-League cũng như hạng Nhất 2012 đã thống nhất phương án: 2 lên, 2 xuống. Điều này cũng có nghĩa sẽ không có trận tranh vé vớt.