Đại học sàng lọc đầu ra

ANTD.VN - Dư luận xã hội thường cho rằng với quy chế tuyển sinh thông thoáng như hiện nay, việc đỗ đại học không quá khó. Đầu vào dễ dàng thì đầu ra càng “thoải mái” hơn. 

Thế nhưng trong những năm gần đây, một số trường đại học có uy tín đã và đang siết chặt đầu ra như cảnh cáo học vụ, buộc thôi học hàng trăm sinh viên vì điểm kém ngay từ năm đầu chưa… ngồi ấm chỗ trên giảng đường. Đây là tín hiệu đáng lo hay đáng mừng?

Nhìn vào danh sách dài những sinh viên bị đuổi học ở các trường Đại học Bách Khoa, Đại học Luật, Đại học Sư phạm, kể cả Đại học Nông Lâm, dư luận, nhất là giới phụ huynh không khỏi giật mình, “choáng sốc”. Số lượng sinh viên “rơi rụng” ở mỗi trường lên đến hàng trăm, thậm chỉ cả nghìn. Tỷ lệ “đào thải” mỗi khóa ở nhiều trường lên tới 20-30%, ở các trường ngoài công lập tỷ lệ này còn cao hơn nhiều. Vì đâu diễn ra tình cảnh “nửa đường đứt gánh” này?

“Mổ xẻ” nguyên nhân thì có nhiều, ngoài chuyện sinh viên đều có điểm trung bình 2 học kỳ dưới 1, ham chơi hơn ham học, còn có một số nguyên nhân sâu xa tồn tại từ nhiều năm nay. Do “cơn khát” tài chính nên một số trường phớt lờ chất lượng để sinh viên càng nhiều càng tốt, trường càng dồi dào nguồn thu. Thậm chí, có trường tốp dưới mời gọi thí sinh trúng tuyển đầu vào thấp để vét bằng hết thí sinh. Họ không biết sinh viên có học được hay không, chỉ biết thu tiền học phí. Đến cuối năm thứ nhất hoặc năm thứ hai thì gạt bớt cho đến năm thứ tư thì vừa đủ chỉ tiêu được xác định. Rõ ràng chất lượng đầu vào là một yếu tố dẫn đến việc nhiều sinh viên bị buộc thôi học do điểm tích lũy quá thấp. 

Trong số những sinh viên phải bỏ cuộc giữa chừng cũng có nhiều người không đủ sức theo đại học, theo kịp chương trình. Không ít sinh viên cố chen chân vào trường chỉ vì sự “chỉ đạo” của phụ huynh hoặc a dua chạy theo bạn bè vào những ngành “hot”. Vì thế ngay khi chân ướt, chân ráo bước vào năm thứ nhất đã bị ngợp bởi kiến thức quá khó. Nhiều sinh viên “biết phận” đã xin chuyển ngành vì không biết làm gì trong suốt 4 năm đại học. Trong mấy năm gần đây, tỷ lệ thí sinh đăng ký thi tuyển vào các trường cao đẳng, dạy nghề ngày càng nhích lên, chứng tỏ không chỉ lớp trẻ  mà ngay cả các bậc làm cha mẹ cũng đã “tỉnh ngộ” nhận ra rằng, đại học không phải là con đường độc đạo dẫn đến thành công. 

Việc một số trường đại học sàng lọc, siết chặt quá trình đào tạo để có đầu ra chất lượng không chỉ tiết kiệm tiền của nhiều gia đình, thời gian của sinh viên mà quan trọng hơn là cho “ra lò” nguồn lực chất lượng cao đầy đủ kiến thức, kỹ năng bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đầy thách thức.