Đại học Monash công bố sáng kiến mới giúp giảm áp lực trong việc đo huyết áp

ANTD.VN -Đại học Monash, viện đại học ở Melbourne (Úc) nằm trong top 100 đại học danh giá nhất thế giới, vừa công bố một nghiên cứu mang tính đột phá: thiết bị theo dõi huyết áp cầm tay có thể cung cấp dữ liệu liên tục cho người bệnh ngay tại nhà.

Một nghiên cứu lần đầu tiên được thực hiện trên thế giới bởi nhóm nghiên cứu do Phó giáo sư Mehmet Yuce từ Khoa Kỹ thuật Hệ thống Điện và Máy tính của Đại học Monash dẫn đầu, với 43 người Úc trong độ tuổi từ 40 đến 65 và không có vấn đề về tim mạch. Những người tham gia đeo cả thiết bị bắp tay và thiết bị thử nghiệm đặt trên ngực để theo dõi sự khác biệt giữa các chỉ số huyết áp.

Phó Giáo sư Mehmet Yuce, Khoa Kỹ thuật Hệ thống Điện và Máy tính, Đại học Monash 

Theo đó, dữ liệu được ghi lại tại các trạng thái tĩnh và động của cơ thể trong một ngày. Và kết quả này đã được công bố trên tạp chí quốc tế uy tín National Scientific Reports.

Những thay đổi bất thường về huyết áp, chẳng hạn như tăng và giảm huyết áp, là yếu tố hiểm họa đối với nhiều căn bệnh nghiêm trọng trong ngắn hạn và dài hạn, với gánh nặng bệnh tật trên toàn cầu là 1,25 tỷ người. Và hiện nay, tiêu chuẩn vàng để đo huyết áp là máy đo huyết áp bắp tay, thường thấy ở các phòng khám đa khoa và bệnh viện.

 “Trong gần một thế kỷ, ngành y tế đã sử dụng thiết bị đo huyết áp bắp tay. Còn các biện pháp đo huyết áp động mạch xâm lấn thường được sử dụng đối với các bệnh nhân mắc bệnh nghiêm trọng, vốn bất tiện và có khả năng gây nhiễm trùng do thiếu máu cục bộ”, Phó Giáo sư Yuce cho biết.

Hiểu rõ vấn đề này, các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Monash đã sử dụng các cảm biến ra-dar sóng (CWR) và áp lực tĩnh mạch đồ hồng ngoại (PPG) để tính toán các phép đo huyết áp liên tục. Các cảm biến CWR và PPG được lần lượt đặt trên xương ức và dái tai trái của người tham gia thử nghiệm.

Thiết bị theo dõi huyết áp cầm tay do các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Monash có thể cung cấp dữ liệu liên tục cho người bệnh ngay tại nhà

Các công nghệ này có khả năng cung cấp quyền truy cập dữ liệu theo thời gian thực và cung cấp cho bác sĩ cái nhìn tổng quan về cách bệnh nhân thay đổi huyết áp trong suốt một ngày, thay vì tại thời điểm đo.

 “Cảm biến CWR là một hệ thống tiết kiệm năng lượng, liên tục, có khả năng mang trên người và hạn chế tối thiểu việc tiếp xúc với cơ thể nhằm theo dõi trực tiếp các hoạt động của van động mạch chủ. Các bác sĩ rất cần theo dõi những thông tin như vậy để chẩn đoán lâu dài hơn cho bệnh nhân của họ”, Phó Giáo sư Yuce giải thích.

Bằng việc sử dụng công nghệ ra-đa, các nhà nghiên cứu đã có thể tính toán thời kỳ tiền bơm máu (PEP) - độ trễ cơ học liên quan đến sự vận động của tim khi bơm máu - và thời gian truyền mạch đập để ước tính huyết áp ở bệnh nhân khi ngồi, nằm hoặc tập thể dục

Kết quả của những người tham gia ở các tư thế tĩnh như ngồi, đứng, nằm là chính xác đến 93%, trong khi ở tư thế động như việc tập thể dục thì tỷ lệ chính xác là 83%.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các cảm biến ra-dar sóng (CWR) và áp lực tĩnh mạch đồ hồng ngoại (PPG) để tính toán các phép đo huyết áp liên tục

“Các bác sĩ lâm sàng vẫn không thể đo huyết áp liên tục khi bệnh nhân ngủ, cũng như trong thời gian hoạt động như đi bộ hoặc chạy. Điều này có nghĩa là những người có huyết áp cao, thấp hoặc bất thường không thể nhận được thông tin quan trọng về tình trạng sức khỏe của mình liên tục trong cả ngày. Với một thiết bị đo huyết áp có thể mang theo người sẽ đem lại sự thoải mái và nhiều tiện ích cho người dùng khi họ thực hiện các hoạt động trong ngày. Đây sẽ là một sáng kiến mang tính đột phá đáng kể cho ngành y tế ở Úc và trên thế giới”, Phó Giáo sư Yuce cho biết.

Phó Giáo sư Yuce và nhóm nghiên cứu của ông đã chế tạo ra một số mẫu cho thiết bị đo huyết áp này, và sẽ tiến hành các thử nghiệm tiếp theo để có kết quả chính xác hơn và phù hợp hơn trong việc ứng dụng trong ngành y tế.