Đại học không phải con đường duy nhất

ANTĐ - Các em học sinh lớp 12, là tuổi biết suy nghĩ, lựa chọn cho mình một hướng vào đời đúng đắn, vừa sức của mình, không phải tất cả các em đều coi ĐH là con đường duy nhất để lập nghiệp. 
Đại học không phải con đường duy nhất ảnh 1
Thành thạo nghề, có kỹ năng giỏi cũng là cách nhiều bạn trẻ kiếm được công việc ổn định, lương cao
(Trong ảnh: Một giờ học sửa chữa ô tô tại trung tâm dạy nghề)


Nhưng chính các bậc cha mẹ đáng ra phải biết hướng nghiệp đúng đắn cho con em mình thì lại ép các em học ngày, học đêm, học chính khóa, học thêm, học theo kiểu “nhồi” kiến thức để hy vọng con thi đỗ đại học. Hơn nữa các bậc làm cha, làm mẹ lại không biết thi đại học là một cuộc sát hạch tuyển chọn nhân tài, không phải cứ thi là đỗ. Hơn 10 năm đèn sách, “Lều chõng” đi thi lại không đỗ, phụ công cha mẹ, buồn là nhẽ đương nhiên. Ngày xưa tài danh như cụ Tú Xương 7 lần đi thi đều không vượt qua ải “Vũ môn”. Con thi trượt, nếu bố mẹ vì sĩ diện, “đổ thêm dầu vào lửa” bằng thái độ “mắng mỏ, dè bỉu, trách cứ, khinh rẻ, so sánh con với các học sinh khác…”, e rằng chính bố mẹ sẽ đẩy con đến ngõ cụt, không lối thoát. Hậu quả là thực tế đã có em không vượt qua được áp lực những lời đay nghiến của cha mẹ đã có những hành động tiêu cực đáng tiếc xảy ra.

Các cụ ta ngày xưa từng dạy “Học tài thi phận”, đó không phải chỉ là lời an ủi, mà còn qua đó các cụ ngụ ý trấn an các em học sinh để các em bình tĩnh trở lại, rồi mới tính hướng đi mới. Học tập người xưa, các bậc cha mẹ có con thi  trượt ĐH hãy coi đó là “lần thử nghiệm chưa thành công”. Mà đã là “thử nghiệm” thì sẽ còn nhiều lần khác. “Thất bại là mẹ thành công”. Quan trọng nhất cha mẹ cần động viên, hướng cho các cháu lấy lại niềm tin, tin ở chính mình. Bố mẹ cân nhắc kỹ xem con em mình còn hứng thú, say mê, khả năng học lên thì hướng các cháu tiếp tục ôn tập, năm sau thi lại để thực hiện ước mơ vào ĐH. Nhiều em có “đôi bàn tay vàng”, tại sao cha mẹ không hướng các em vào một trường học nghề. Đất nước đang rất cần một thợ thủ công, một công nhân giỏi hơn một kỹ sư đến cơ quan chỉ biết “Ngồi chơi xơi nước”, “sáng vác ô đi, tối vác về”.

Lại nhớ chuyện “Tình bạn cảm động và vĩ đại” giữa Mác và Ăng Ghen, mà nhiều bạn trẻ đã đọc. Có một chi tiết, khi Mác hỏi ý kiến cha về việc chọn ngành, chọn nghề sau khi tốt nghiệp phổ thông. Cha Mác không áp đặt, mà chân thành khuyên bảo: “Con hãy chọn một nghề nào đó mà làm việc nhiều nhất cho nhân loại”. Nghe theo lời cha, Mác không thi vào các trường ĐH danh tiếng, mà theo nhận xét của các thầy “Mác đủ khả năng thi đỗ bất kỳ một trường đại học nào”...