Đại hạn hán kéo dài 300 năm hủy diệt Hy Lạp cổ đại

ANTĐ - Một đợt hạn hán kéo dài 300 năm, có thể là nguyên nhân dẫn đến sự suy tàn của nhiều nền văn minh Địa Trung Hải, trong đó có Hy Lạp cổ đại vào khoảng 3.200 năm trước…
Đại hạn hán kéo dài 300 năm hủy diệt Hy Lạp cổ đại ảnh 1

Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học PLoS ONE hôm 14/8, sự giảm mạnh lượng mưa, kéo theo dịch bệnh, nạn đói khát và nhiều mâu thuẫn khác, có thể là nguyên nhân giải thích được, vì sao nền văn minh Hittite, từng thống trị vùng đất rộng lớn Anatolia, lại biến mất khỏi trái đất. 
Sự biến mất của một đế chế hùng mạnh

Vào thời đại hoàng kim của nền văn minh Hy Lạp cổ, có rất nhiều bằng chứng về một nền văn minh trước đó đã từng bị sụp đổ. Trong thiên anh hùng ca về cuộc chiến thành Troy huyền thoại, nhà thơ Hy Lạp Homer có vẽ nên một bức tranh về một thành phố tráng lệ, mà các nhà khảo cổ đã chứng minh được sự tồn tại của nó.

Đế chế Hittite cổ đại bắt đầu suy tàn khoảng 3.200 năm trước. Cũng vào khoảng thời gian đó, Ai Cập cổ đại cũng bị những tay cướp biển – được gọi là tộc người biển bí ẩn – xâm lược, và nền văn hóa Mycenaean của Hy Lạp sụp đổ. 400 năm tiếp theo đó, những thành phố cổ đại đều bị chôn vùi và không bao giờ được xây dựng lại.

Tuy nhiên, nguyên nhân biến mất của nền văn minh lớn này đến bây giờ vẫn còn là một ẩn số. Một số nhà khảo cổ tin rằng, những khó khăn về kinh tế đã dẫn đến sự suy tàn. Trong khi đó, rất nhiều người khác thiên về những nguyên nhân của tự nhiên như sóng thần, động đất và đại hạn hán.

Các nghiên cứu trước đây chỉ tìm thấy được bằng chứng về một cuộc hạn hán chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn, Chính vì vậy, rất khó để đưa ra kết luận cho cả một thời kì dài như vậy.
Đại hạn hán kéo dài 300 năm hủy diệt Hy Lạp cổ đại ảnh 2
Tàn tích thành lũy của người Mycenaean cổ đại
Trận đại hạn hán

Khi công cuộc nghiên cứu gần kết thúc, nhà khảo cổ David Kaniewski, của đại học Paul Sabatier-Toulouse (Pháp) cùng các đồng nghiệp, đã sưu tập được những lõi trầm tích ở hồ muối Larnaca (Cộng hòa Cyprus). Hồ muối Larnaca này trước đây đã từng là một cảng mở ra biển cho đến khoảng năm 1450 trước Công Nguyên (CN), và trên hơn 100 năm sau đó, hồ này bắt đầu biến thành một đầm phá bị đất bao quanh. Năm 1200 trước CN, nông nghiệp trong vùng cũng trở nên yếu kém và phải đến năm 850 trước CN mới được phục hồi.
Kết quả của nghiên cứu cho thấy, một trận đại hạn hán kéo dài đã gây nên sự sụp đổ của các nền văn minh cổ. Trong bản nghiên cứu đăng trên tạp chí PLoS ONE, các tác giả có ghi lại rằng, sự chuyển đổi khí hậu đã gây nên mất mùa, kéo theo đó là sự khan hiếm và thiếu hụt thức ăn, nước uống, đẩy cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội lên đến đỉnh điểm và buộc người dân trong vùng phải di cư.

Những người phải trải qua thời kì đen tối này có thể đã không nhận thấy được nguyên nhân của thảm họa này. Trận đại hạn hán xảy ra gần 300 năm, và người ta đã không thể nhận ra được rằng, khí hậu đang thay đổi bởi vì nó diễn ra một cách chậm và lặng lẽ trong suốt cuộc đời họ.

Những nền văn minh cổ đại thường đấu tranh vì những nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm, họ thiêu rụi mọi thành phố lớn thời đó. Chính trong những ngày của thời kì đen tối này, người Mycenaen cổ đại đã mất đi hệ thống chữ viết - được gọi là Linear B -  và mối quan hệ giữa các nước ngày càng hạn chế.