Đại gia nào là sở hữu bức tranh trị giá 1,2 triệu Euro của họa sĩ Lê Quốc Lộc?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vừa qua, bức bình phong 8 tấm "Phong cảnh Phnom Penh" của họa sĩ Lê Quốc Lộc đã lên sàn đấu gia quốc tế và được mua với giá 1,2 triệu Euro (khoảng 32 tỷ đồng). Điều thú vị, đại gia sở hữu bức tranh đắt giá này chính là người Việt.

Tác phẩm "Phong cảnh Phnom Penh" của họa sĩ Lê Quốc Lộc được rao bán ở phiên đấu giá "Những tác phẩm nghệ thuật châu Á" của Millon-Asium (Paris, Pháp). Ban đầu tác phẩm được ước tính đạt mức từ 200.000 đến 300.000 Euro. Khi phiên đấu giá diễn ra, giá khởi điểm là 150.000 Euro, sau đó nâng dần và gõ búa ở mức 940.000 euro. Sau khi tính thuế phí, mức giá cuối cùng cho bức tranh là 1,21 triệu Euro.

"Phong cảnh Phnom Penh" là một tác phẩm bình phong 8 tấm bằng chất liệu sơn mài. Theo nhà đấu giá Asium, tác phẩm mang vẻ đẹp tinh xảo và nhẹ nhàng. Tác phẩm chia làm ba phối cảnh: nhà sư đang cầu nguyện, một số người đang ban phước lành cho phụ nữ và những người đang dạo chơi. Các loại cây đặc trưng của Phnom Penh như thốt nốt, cọ, dừa, chuối... được đưa vào trong tác phẩm. Sơn mài được làm từ các nguyên liệu tự nhiên như gỗ, nhựa cây sơn, vàng lá và vỏ trứng, mang đến cảm giác ấm áp, bình yên. Hai tông màu chủ đạo: vàng biểu tượng cho tâm linh và hạnh phúc, đỏ tượng trưng cho sự sống, ấm nồng.

Một trích đoạn trong bức tranh "Phong cảnh Phnom Penh"

Một trích đoạn trong bức tranh "Phong cảnh Phnom Penh"

Bức bình phong thuộc bộ sưu tập của gia đình Kraemer. Henry Kraemer từng giữ chức Lục sự tại Tòa án quân sự Hà Nội, kết hôn với thương gia Nguyễn Thị Lai. Năm 1943, vợ chồng Henry mua bức bình phong tám tấm của Lê Quốc Lộc - khi đó là họa sĩ mới ra trường, chưa có tên tuổi, khó khăn về kinh tế. Năm 1953, gia đình Henry Kraemer mang theo tác phẩm rời Hà Nội về Pháp sinh sống.

Bên cạnh niềm vui mỹ thuật Việt Nam tiếp tục có tác phẩm đạt ngưỡng triệu đô, nhiều người còn tò mò muốn biết đại gia nào đã bỏ ra số tiền lớn đến như thế để sở hữu bức tranh sơn mài này.

Họa Lê Quốc Lộc

Họa Lê Quốc Lộc

Thông tin từ bà Hoàng Anh, Tổng biên tập tạp chí Mỹ thuật cho biết, người sở hữu bức tranh này là người Việt Nam.

Dù biết khá rõ về nhân vật này nhưng bà Hoàng Anh từ chối tiết lộ danh tính và chỉ úp mở cho biết, phiên đấu giá lần này có 3 người Việt cùng tham gia mua bức tranh "Phong cảnh Phnom Penh".

Một người "nhà không có gì ngoài điều kiện", chủ sở hữu của những siêu phẩm nổi tiếng mới được đấu giá gần đây: "Chân dung cô Phượng" của Mai Trung Thứ, "Thiếu nữ đan len" của Lương Xuân Nhị, "Trà đàm" của Mai Trung Thứ... và nhiều bức tranh đắt giá khác.

Bên cạnh đó là một nhà tài phiệt yêu tranh thực thụ, chủ nhân "Thôn nữ Bắc Kỳ" của Nam Sơn, "Hoài cố hương" của Lê Phổ, "Thác Bờ" của Nguyễn Văn Tỵ...

Và một nhà sưu tập chuyên nghiệp có tiếng, anh là một trong những người tiên phong trong việc mua tranh của họa sĩ Việt Nam, thời kỳ Đông Dương từ nước ngoài về Việt Nam.

Bức bình phong 8 tấm "Phong cảnh Phnom Penh" của họa Lê Quốc Lộc được mua với giá 32 tỷ đồng

Bức bình phong 8 tấm "Phong cảnh Phnom Penh" của họa Lê Quốc Lộc được mua với giá 32 tỷ đồng

Cuối cùng, người mà nhà "không có gì ngoài điều kiện" đã mang bức sơn mài, kích thước lớn "Phong cảnh Phnom Penh" về như một điều tất yếu, bổ sung thêm vào bộ sưu tập tốt nhất Việt Nam của mình.

"Đúng là chỉ có người Việt mới tôn vinh được giá trị văn hóa, nghệ thuật Việt bằng những mức giá tuyệt vời. Dù họ mua tranh vì bất cứ động cơ gì, giữ tiền, đầu cơ, đầu tư, biếu tặng, lưu giữ,...thì điều ấy đều thật đáng trân trọng", bà Hoàng Anh nói.

"Chân dung thiếu nữ "của họa sĩ Phạm Hậu đưa mua với giá 4,9 tỷ đồng

"Chân dung thiếu nữ "của họa sĩ Phạm Hậu đưa mua với giá 4,9 tỷ đồng

Họa sĩ Lê Quốc Lộc (1918 - 1987), quê quán Hưng Yên. Ông tốt nghiệp khoa Sơn mài, Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 1937-1943. Ông chuyên vẽ tranh sơn mài bằng kỹ thuật truyền thống, với các chủ đề về quê hương, đất nước. Họa sĩ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 2000 cho các tác phẩm: Qua bản cũ (sơn mài, 1957), Ánh sáng đến (sơn mài, 1957), Tiêu thổ kháng chiến (sơn mài, 1958), Giữ lấy hòa bình (sơn mài, 1962) và Từ trong bóng tối (sơn mài, 1982). Lê Quốc Lộc có 7 người con, trong đó ba người theo con đường hội họa chuyên nghiệp: họa sĩ Lê Huy Văn, Lê Kim Mỹ, Lê Trí Dũng.

Cùng trong phiên đấu giá, bức tranh lụa Chân dung thiếu nữ của họa sĩ Phạm Hậu cũng được bán với giá 188.500 euro, đã bao gồm thuế phí (khoảng 4,9 tỷ đồng). Và người sở hữu bức tranh này chính là nhà tài phiệt yêu tranh thực thụ mà bà Hoàng Anh nhắc đến ở trên.