"Đại gia" Afghanistan ngày làm dự án, tối ở tù

ANTĐ - Hôm 4-11, Khalilullah Frozi - một doanh nhân Afghanistan đã gây sự chú ý đặc biệt khi đứng ra ký hợp đồng cùng với quan chức chính phủ trong dự án xây dựng 8.800 căn nhà ở khu bất động sản hàng đầu của Thủ đô Kabul, tổng vốn đầu tư ban đầu ít nhất 95 triệu USD. Sự kiện đặc biệt ở chỗ, “đại gia” Frozi đang phải thi hành án 15 năm tù về tội lừa đảo và dự án nằm trong thỏa thuận có một không hai giữa tù nhân này với chính quyền.
"Đại gia" Afghanistan ngày làm dự án, tối ở tù ảnh 1

Ông Khalilullah Frozi năm 2010 - thời kỳ đang giữ chức Giám đốc điều hành Kabul Bank 

Lãnh đạo ngân hàng sa cơ 

Sự thật là ông Khalilullah Frozi đang chấp hành bản án 15 năm tù trong vụ lừa đảo, làm thất thoát 1 tỷ USD tiền gửi của ngân hàng Kabul Bank, nơi ông Frozi làm giám đốc điều hành. Sự việc đã khiến Kabul Bank, ngân hàng lớn nhất Afghanistan sụp đổ năm 2010. Tại lễ công bố triển khai dự án có tên “Thành phố thông minh” hôm 4-11, cố vấn pháp lý của Tổng thống Ashraf Ghani, ông Abdul Ali Mohammadi, cảm ơn doanh nhân đã bỏ tiền đầu tư dự án.

Vị này thừa nhận rằng ông Frozi “ở đây mà không phải ở nhà tù Pul-i-Charkhi”, đồng thời giải thích rằng đó là “cơ chế khuyến khích” của Chính phủ: “Mục đích của cơ chế khuyến khích, linh động này không phải là để giữ chân con nợ của Kabul Bank trong tù, mà là để trả lại tiền bạc cho chính phủ và nhân dân”.

Tính đến hết tháng 8-2015, nhà chức trách mới thu hồi được gần một nửa trong tổng số tiền 988 triệu USD bị thâm hụt trong quỹ của Ngân hàng Kabul Bank. Riêng đối với cựu Giám đốc điều hành Frozi, ngoài án 15 năm, ông này còn phải bồi hoàn 137 triệu USD. Theo thỏa thuận với Chính phủ, Khalilullah Frozi sẽ thụ án vào ban đêm, nhưng ban ngày đến văn phòng điều hành dự án để lấy tiền trả nợ.

Trong hơn một tháng nay, ông ta làm việc ở văn phòng đến 16h, sau đó về trại giam. Được biết, ông ta đã trả được 17% số tiền phải nộp, phần còn lại được trả dần trong hơn 7 năm. Với dự án “Thành phố thông minh”, doanh nhân này tuyên bố có thể hoàn nợ sớm hơn: “Tôi sẽ thu được khoảng 300 triệu lợi nhuận trong dự án này để trả nợ trong 13 - 14 tháng, đồng thời dự án sẽ mang lại cho chính phủ thêm 75 triệu USD tiền thuế”. 

Kabul Bank thành lập vào năm 2004 và là ngân hàng tư nhân đầu tiên của Afghanistan. Tuy nhiên, theo kiểm toán viên, ngay từ đầu nó đã hoạt động theo phương thức huy động vốn để làm lợi cho cá nhân. Tiền gửi của khách hàng được lãnh đạo ngân hàng đầu tư vô tội vạ, từ mua một hãng hàng không, một công ty phân phối gas hóa lỏng, mua nhà máy xi măng cổ lỗ sĩ nhất nước này đến xây một tòa trung tâm thương mại - chung cư hoành tráng ở Kabul.

Để thu hút nguồn vốn, mỗi tháng ngân hàng lại mở xổ số, trong đó khách hàng có số tiền gửi từ ít nhất 100 USD được tham gia quay số trúng thưởng căn hộ, xe hơi cùng các khoản tiền mặt lớn. Sau tất cả những hoạt động đầu tư dàn trải đó, ngân hàng bị thua lỗ nặng nhưng các lãnh đạo “đầy túi” vì chỉ tính riêng dự án chung cư, hàng trăm căn hộ được chính ông Frozi và tay chân bán cho ngân hàng với giá cao gấp 3-4 lần giá trị thực.

Hoài nghi cuộc chiến chống tham nhũng

Dự án nhà ở mới nhất ở Kabul cũng làm dấy lên hàng loạt câu hỏi. Ông Frozi vẫn có tiền đầu tư dự án lớn, vậy tại sao Nhà nước không thu hồi hết mà cho trả dần? Tại sao các đối tác kinh doanh trong liên doanh mới không hề nao núng trước tai tiếng của “đại gia” Frozi? Nhiều nhà phân tích cho rằng, câu trả lời là thời kỳ phụ trách Kabul Bank, ông ta rải nhiều tiền để lấy lòng những lớp chính trị gia hay những nhân vật có ảnh hưởng lớn. Những mối quan hệ đó đảm bảo rằng ngay cả trong tù, ông Frozi vẫn được đãi ngộ tốt, ví như thường xuyên theo dõi đội bóng đá yêu thích, cập nhật trên trang facebook những bài thơ hay đăng ảnh các con ông chơi tha thẩn trên đệm trong phòng giam.

Trước đó, chính quyền Afghanistan đã truy tố ông Frozi cùng các đồng phạm như một điều kiện tiên quyết nhằm chứng tỏ sự quyết tâm chống tham nhũng và để tiếp tục nhận được viện trợ quốc tế. Tuy nhiên, 5 năm sau khi xảy ra vụ bê bối tại ngân hàng lớn nhất Afghanistan, việc chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani quay sang hợp tác với một tội phạm kinh tế lớn như ông Frozi có thể hiểu là một phần do áp lực của những nhân vật có ảnh hưởng, một phần là họ cần có một làn sóng đầu tư mạnh để khôi phục đất nước trong bối cảnh Taliban đang trỗi dậy trở lại và Afghanistan có thể rơi vào bất ổn một lần nữa.

Dù vậy, những nhà vận động chống tham nhũng cho rằng điều này dễ bị thiên hạ cười chê. “Nó sẽ gửi một tín hiệu rất tiêu cực đến người dân Afghanistan và thế giới rằng: Dù có là kẻ cướp, cứ đầu tư vào Afghanistan cũng không bị xem xét xem tiền đầu tư có hợp pháp hay không”, Yama Torabi, một chuyên gia chống tham nhũng nói.