Dải Gaza đang bị nhuốm đỏ

ANTĐ - Trong khi cả thế giới chấn động với thảm họa rơi máy bay MH17 cùng cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine như sự đối đầu Đông-Tây quyết liệt thì ở một nơi khác, tại dải Gaza đang có một cuộc đối đầu quân sự khốc liệt và đẫm máu đã cướp đi sinh mạng của hơn 700 người chỉ trong vỏn vẹn khoảng 13 ngày, tức là chưa đầy hai tuần. Bất chấp những lời kêu gọi và nỗ lực hòa giải của quốc tế, tình hình chiến sự tại dải Gaza vẫn tiếp tục leo thang. 

Vụ máy bay Malaysia MH 17 bị bắn rơi đang khiến thế giới phẫn nộ, những lời nói căm phẫn và nguyền rủa được cất lên từ mọi quốc gia để tố cáo những kẻ thủ ác đã gây ra cái chết kinh hoàng cho 298 con người vô tội. Nhưng cuộc tấn công Dải Gaza của Israel làm chết hơn 500 người Palestine, đa phần là trẻ em lại không bị lên án kịch liệt đến như thế. Chiến dịch quân sự của Israel nhằm vào dải Gaza nhằm tiêu diệt các tay súng vũ trang của lực lượng Hồi giáo Hamas và nó đã trở thành cuộc xung đột đẫm máu nhất diễn ra ở dải Gaza trong vòng 5 năm trở lại đây. Nhiều tòa nhà sụp đổ hoàn toàn, có nơi gạch đá tràn ra đường, một số tòa nhà vẫn còn bốc cháy, những cột khói cao ngút. Nhiều thi thể bị cháy đen và khó nhận dạng, một số người bị mất chân tay. Ngay bệnh viện Al-Aqsa ở trung tâm Dải Gaza bị xe tăng Israel bắn trúng.

Sau hơn 2 tuần mở chiến dịch quân sự, quân đội Israel đã thực hiện 2.100 đợt không kích tại Dải Gaza, làm hơn 714 người chết, 3.700 người bị thương, trong đó hơn 80% là thường dân với hơn 1/3 nạn nhân là phụ nữ và trẻ em. Trong khi đó, tính đến ngày 24-7, Hamas đã phóng 2.900 quả rốc két và tiến hành nhiều cuộc tấn công, phục kích làm chết 32 binh sĩ và 3 dân thường Israel. Đây cũng là con số binh lính Israel thiệt mạng lớn nhất kể từ sau cuộc chiến Li-băng năm 2006. Theo Đài BBC, việc Israel mở rộng tấn công trên bộ, lấn sâu vào các khu vực đô thị đông dân cư của Gaza đồng nghĩa với việc dân thường mất mạng sẽ còn tăng nhanh. 

Số nạn nhân là trẻ em bị giết hại trong cuộc xung đột ngày càng gia tăng giữa Israel và phong trào Hamas đang khiến dư luận thế giới hết sức lo ngại. 43% dân số ở Gaza là trẻ em dưới 14 tuổi. Trẻ em bị thương trong bệnh viện, trẻ em chết trên đường phố và trẻ em bị chôn dưới các nấm mồ. Những câu chuyện như thế đã trở thành thường nhật ở dải Gaza trong suốt hơn 10 ngày qua.  Một thảm họa nhân đạo sẽ cướp đi tương lai của hầu hết trẻ em dải Gaza nếu như một thỏa thuận ngừng bắn không sớm được thiết lập.

"Đến nay, trẻ em Palestine bị chết nhiều hơn là binh sĩ", một thông báo chung của hai tổ chức Trẻ em trong chiến tranh và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho hay.

Bà Catherine Weibel đến từ UNICEF cho biết, trong đó hơn một nửa trẻ em thiệt mạng là dưới 12 tuổi, bé nhỏ nhất chỉ mới 3 tháng tuổi -" Chúng bị ám ảnh suốt cuộc đời vì những gì chúng đang chứng kiến khi bọn trẻ mở to mắt thấy họ hàng và bạn bè bị chôn cất sau các cuộc tấn công". 

Cho đến thời điểm này, Israel vẫn tấn công dữ dội từ đất liền, biển và trên không, còn lực lượng Hamas vẫn bác bỏ các nỗ lực ngừng bắn, tiếp tục đẩy mạnh các cuộc tấn công của họ nhằm vào Israel. Rất nhiều người Palestines đã chạy trốn khỏi nơi ở của họ để tránh cuộc tấn công của Israel. Cơ quan Liên Hợp Quốc phụ trách người tị nạn Palestine (UNRWA) đã phải mở 61 trường học để làm nơi trú ẩn tạm thời cho những người rời bỏ nhà cửa chạy trốn chiến tranh. Trên thực tế người dân Palestine ở dải Gaza không có chỗ để trốn chạy thoát khỏi dải đất chật hẹp dài 40 km này. Năm 2010, Thủ tướng Anh David Cameron từng mô tả rằng Gaza là “một nhà tù lộ thiên”. Bao quanh dải Gaza là các bức tường bê tông kiên cố và hàng rào dây thép gai cao vút dọc biên giới phía Bắc và phía Đông với Israel và phía Nam với Ai Cập. Và dải Gaza cũng không có sân bay để ra đi bằng đường không.

Cao ủy Nhân quyền LHQ Navi Pillay tuyên bố việc có quá nhiều dân thường thiệt mạng là “không thể chấp nhận” và “rất có thể Israel đã vi phạm luật quốc tế và phạm tội ác chiến tranh” khi tấn công dải Gaza. Bà Navi Pillay cũng lên án việc Hamas dội rốc két sang các thành phố của Israel. Tổ chức Ân xá Quốc tế nhận định quân đội Israel tiếp tục ném bom vào khu dân cư và bệnh viện là hành động tội ác chiến tranh cần được quốc tế điều tra độc lập.

Mỹ và Liên Hiệp Quốc đã không thể yêu cầu Israel dừng cuộc tấn công Dải Gaza. Những phát biểu của lãnh đạo các cường quốc trên thế giới hay của các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc (LHQ), chỉ dừng lại ở việc kêu gọi ngưng bắn và bày tỏ lo ngại về tình trạng thường dân vô tội bị chết oan…Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã tới Ai Cập trong khuôn khổ chuyến công du tới nhiều nước Trung Đông nhằm thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza, chấm dứt các cuộc xung đột đẫm máu leo thang kéo dài Người đứng đầu LHQ lên án  “hành động tàn bạo” và kêu gọi Israel “hãy kiềm chế ở mức tối đa”. "Có quá nhiều dân thường và trẻ em đang phải trả giá cho hành động leo thang xung đột. Những người vô tội đang chết hoặc phải sống trong nỗi sợ thường trực”, ông Ban Ki-moon phát biểu ở Doha. Nhưng việc ông Ban Ki-moon tới Trung Đông vào thời điểm hiện tại thật ra là để thể hiện mối lo ngại và sự quan tâm của LHQ nhiều hơn là để hòa giải. Cho tới nay, LHQ chưa lần nào thành công với nỗ lực hòa giải giữa Israel và Palestine. Rất nhiều nghị quyết của HĐBA LHQ về Trung Đông không được Israel tuân thủ mà LHQ không làm gì được. 

Còn Mỹ được coi là có khả năng tác động quyết định nhất tới Israel, nhưng sự trì trệ đến mức bế tắc của toàn bộ tiến trình hòa bình cho thấy tính nửa vời trong chủ trương của Mỹ thúc ép Israel chấp nhận giải pháp hòa bình. Hamas bị Mỹ xếp vào tổ chức khủng bố, nhưng đồng minh Israel lại được cho là quá thô bạo. Trước đây, Ai Cập đóng vai trò trung gian hòa giải rất hiệu quả. Nhưng chính quyền hiện tại ở Cairo không thân thiện với Hamas như trước nên cũng không có khả năng tác động. Vì vậy, hòa giải hiện vẫn bất khả thi. Như vậy có thể dự báo rằng trong những ngày tới số lượng thường dân ở Gaza bị chết sẽ không dừng lại ở con số vài trăm.